Quảng Ninh ưu tiên vốn cho vùng cao

03/04/2014
(VBSP News) Hiện nay, nhiều hộ gia đình sinh sống ở vùng sâu, vùng xa đã biết tận dụng nguồn vốn chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khấm khá. Trường hợp của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Lục Phủ, xã Bắc Sơn, TP. Móng Cái (Quảng Ninh) là ví dụ điển hình.
Cây quế - giúp người dân vùng biên Quảng Ninh ổn định cuộc sống  Ảnh: Trần Việt

Cây quế - giúp người dân vùng biên Quảng Ninh ổn định cuộc sống
                                                                                                                                                        Ảnh: Trần Việt

Từ trung tâm TP. Móng Cái đi lên xã Bắc Sơn chừng có 15km, thế nhưng, có lẽ do con đường quanh co, đèo dốc, nhiều khúc cua gấp khiến cho bất cứ ai đi qua đều nghĩ quãng đường phải gấp đôi, gấp ba thực tế. Dọc con đường vào xã, trừ khu vực trung tâm xã còn đông dân cư, nếu đi thêm đoạn nữa thì những mái nhà cũng thưa thớt dần. Anh cán bộ tín dụng đi cùng tôi cho biết: “Do đi lại khó khăn như thế, nên việc phát triển sản xuất của bà con ở đây gặp rất nhiều trở ngại, tỷ lệ hộ nghèo khá cao. Thêm nữa, các hộ sinh sống trong xã phần lớn toàn hộ nghèo, trình độ dân trí thấp… Vì vậy, để thoát được nghèo, người dân cũng phải cố gắng nhiều hơn so với các khu vực khác”. Để chứng minh cho lời mình nói, anh dẫn chúng tôi tới thăm hộ gia đình Nguyễn Văn Cảnh. Nhìn ngôi nhà mái bằng, khang trang và những vật dụng khá tươm tất trong gia đình của vợ chồng anh, không ai nghĩ rằng chỉ chừng dăm năm trước thôi, gia đình anh vẫn là hộ khó khăn. Anh Cảnh nhớ lại: “Vợ chồng tôi lên Bắc Sơn được gần 20 năm thì hơn phân nửa trong quãng thời gian đó là hộ nghèo, chạy ăn từng bữa. Đất Bắc Sơn rộng nhưng lại khó phát triển mô hình kinh tế. Ban đầu hai vợ chồng cũng chỉ chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ gọi là kiếm cái ăn cũng đã khó rồi. May thỉnh thoảng có người gọi đi làm dưới xuôi mới duy trì được cuộc sống. Nhưng “người khôn, của khó” những việc làm này chỉ mang tính thời vụ, rất bấp bênh. Mãi cho đến khi được vay vốn từ NHCSXH vợ chồng mới bảo nhau quyết tâm xây dựng mô hình phát triển sản xuất. Có thế mới đảm bảo cuộc sống được”.

Ban đầu từ số tiền vay 10 triệu đồng của Nhà nước, vợ chồng anh Cảnh cải tạo chuồng trại để nuôi lợn rừng. Vốn ít, kỹ thuật chưa có nên năng suất, chất lượng chưa cao. Thu nhập ban đầu từ mô hình kém. Không nản lòng, anh Cảnh nhờ sự hướng dẫn của khuyến nông xã, rồi cũng lên thành phố để học hỏi kinh nghiệm nuôi lợn rừng của nhiều mô hình hiệu quả để áp dụng. Nhận thấy nhu cầu thị trường về thịt lợn rừng ngày một tăng cao, anh Cảnh đã vay tiếp nguồn vốn ưu đãi với số tiền 30 triệu đồng hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Anh Cảnh chia sẻ: “Đồng vốn chính sách quý lắm, vì hộ như chúng tôi làm gì có tài sản gì lớn mà thế chấp. Vậy mà ngân hàng vẫn giải quyết cho vay nhanh chóng thuận lợi. Từ nguồn tiền này, tôi lại đầu tư mở rộng chuồng trại, mua con giống để phát triển mô hình nuôi lợn rừng”. Cũng bởi sự tỷ mẩn trong công việc nên đàn lợn rừng của gia đình anh Cảnh qua các năm tăng trưởng nhanh, chất lượng thịt đảm bảo. Khách mua tìm đến ngày một nhiều hơn. Cứ như vậy, chỉ sau một vài năm phát triển mô hình, gia đình anh đã thoát nghèo và có cuộc sống khá giả. Từ đôi con lợn giống ngày nào, đến nay, đàn lợn gia đình anh Cảnh đã có khoảng 15 - 20 lợn thịt có thể xuất bán thường xuyên. Có những thời điểm cuối năm, không có lợn để cung ứng. Không chỉ bán lợn thịt, 2 năm trở lại đây, gia đình anh mở dịch vụ cung ứng lợn giống cho người dân trên địa bàn xã. Do chất lượng con giống đảm bảo, khách hàng rất tin cậy tìm mua nhiều. Tính bình quân hằng năm, thu nhập của hộ gia đình anh trừ mọi chi phí cũng thu lãi trên 30 triệu đồng. Số tiền này ở xã vùng cao Bắc Sơn được coi là thu nhập cao. Mô hình sản xuất của hộ gia đình anh Cảnh hiện nay đang được rất nhiều hộ gia đình trong xã tìm hiểu, học tập.

Ông Trần Hồng Khiết - Phó Giám đốc NHCSXH TP. Móng Cái cho biết: “Hiện nay cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đang là chương trình có số lượng khách hàng và dư nợ cao nhất của đơn vị. Qua rà soát nguồn vốn cho thấy người dân đang sử dụng khá hiệu quả và đúng mục đích. Tuy nhiên, thiết nghĩ, bên cạnh nguồn vốn để đầu tư thì bà con cần phải tìm được hướng phát triển phù hợp mới nâng cao thu nhập được.

Theo Báo Quảng Ninh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác