Quảng Nam ưu tiên phát triển nghề thủ công ở huyện vùng cao

21/10/2013
(VBSP News) Xuất phát từ thực tế ở các huyện miền núi cao như: Tây Giang, Phước Sơn, Nam, Bắc Trà My... có nguồn nguyên liệu mây tre khá dồi dào, nên Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam đã xây dựng dự án phát triển nghề thủ công tại địa phương và được NHCSXH ủng hộ, đáp ứng đầy đủ nguồn vốn cho dự án, kết quả đã giúp đỡ hàng nghìn hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo.
Quảng Nam phát triển ngành thủ công mây tre đan

Quảng Nam phát triển ngành thủ công mây tre đan

Ngay từ đầu năm 2009, với số vốn đầu tư ban đầu trên 4 tỷ đồng từ NHCSXH, Hội Phụ nữ 9 huyện miền núi đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề của tỉnh mở các lớp đào tạo nghề mây tre đan cho đồng bào dân tộc Cadong, Xê Đăng, Mơ Nông… Ngay sau khi lớp học kết thúc, NHCSXH trên địa bàn đã tạo điều kiện để bà con tiếp cận được với nghề mới bằng cách tạo điều kiện cho bà con vay vốn ưu đãi của các chương trình giải quyết việc làm, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn để phát triển nghề mới. Có nghề, có vốn hỗ trợ kịp thời, nhiều bà con nghèo chủ động mua nguyên liệu, vật tư thiết bị và lập nhà xưởng khai thác lợi thế nghề thủ công mây tre đan… Một số sản phẩm làm ra như lọ hoa, bàn ghế… được tiêu thụ không chỉ ở trong, ngoài tỉnh mà còn xuất bán sang Lào, Thái Lan.

Nhờ được tập huấn cách làm sản phẩm mây tre đan, được NHCSXH tạo thuận lợi về vốn, bà con sử dụng đúng mục đích nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đồng bào Ca Dong ở huyện nghèo theo Nghị quyết 30a như: Phước Sơn, Nam, Bắc Trà My… thoát cảnh nghèo khó, trở thành khá giả bởi nghề đan mây tre. Trước đây, người dân tộc chỉ biết đan lát vài thứ vật dụng nho nhỏ dùng trong gia đình, giờ đây, tham gia dự án của Hội Phụ nữ, nên bà con ở làng quê đã sản xuất được hàng thủ công bán thu nhập hàng trăm triệu đồng, nhờ đó nhiều hộ đã thoát nghèo. Ông Hồ Chí Đáp ở xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My cho biết, nhờ vay vốn ưu đãi nên cơ sở mây tre đan của gia đình phát triển mạnh, mỗi năm sản xuất hàng chục bộ bàn ghế mây đẹp, chất lượng cao, thu tới 70 triệu đồng/năm. Số tiền lãi ấy đã giúp ông sửa chữa được căn nhà ở khang trang, vững chãi.

Theo bà Huỳnh Thị Thuỳ Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My thì với vùng nguyên liệu mây được trồng và tre khoanh nuôi tự nhiên gần 600ha cùng hơn 10 tỷ đồng trong tổng số 198 tỷ đồng của vùng miền núi này được NHCSXH đầu tư đã trở thành nguồn nguyên liệu ổn định và sự tiếp sức mạnh cho nhiều hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số mở mang ngành nghề thủ công, thoát nghèo bền vững vươn lên làm giàu chính đáng.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác