Thanh Hoá thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách
Hàng trăm nghìn hộ thoát nghèo
Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả và đạt được kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm; thu hẹp chênh lệch về mức sống giữa các vùng miền, cộng đồng dân cư; hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, hoạt động “tín dụng đen”, gây mất ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo từ chi nhánh NHCSXH tỉnh, đến ngày 30/6/2024, tổng nguồn vốn chính sách đạt 14.415 tỷ đồng, tăng 7.411 tỷ đồng so với năm 2014. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 633 tỷ đồng, tăng 507 tỷ đồng so với năm 2014.
Cùng với nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH trên địa bàn đã hỗ trợ cho hơn 847.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với tổng doanh số cho vay đạt 32.588 tỷ đồng, tổng doanh số thu nợ đạt 25.173 tỷ đồng, bằng 77,2% doanh số cho vay. Qua đó, đã giúp trên 194.000 hộ trên địa bàn tỉnh thoát ngưỡng nghèo và góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 3,52% vào cuối năm 2023.
Năm 2023 và trong 7 tháng năm 2024, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 37 nghìn lao động, trong đó hơn 931 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 350 lượt người chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp hơn 4.500 HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 98.000 công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; 811 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách.
Ông Hà Văn Hiệp ở xã Điền Trung, huyện Bá Thước cho biết: 5 năm trước, gia đình ông Hiệp thuộc diện hộ cận nghèo của xã. Được Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn bình xét, hướng dẫn làm thủ tục, ông đã được vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi trâu giống. Nhờ chăm chỉ làm ăn, lại được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, đến nay, gia đình ông đã thoát nghèo. Từ con trâu giống đầu tiên, đến nay, gia đình ông đang có gần 20 con trâu.
“Được Nhà nước cho vay vốn về chăn nuôi cũng thấy hiệu quả, đời sống khấm khá hơn, đã xây được nhà, cảm thấy rất mừng,… Đây là kết quả sau nhiều năm tích cóp, đầu tư làm ăn từ nguồn vay chính sách”, ông Hiệp cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Điền Trung Nguyễn Văn Thành chia sẻ: Cũng nhờ nguồn vốn chính sách, mà nhiều hộ gia đình trong xã đã có của ăn của để. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 45 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,35%. Điền Trung cũng là một trong 3 xã đầu tiên của huyện Bá Thước về đích nông thôn mới. Đối với Điền Trung, dư nợ tín dụng chính sách đạt hơn 30 tỷ đồng đầu tư chủ yếu chăn nuôi trâu bò, phát triển rừng, đối với địa phương chú trọng công tác xét duyệt, kiểm tra đối với hộ vay và hướng dẫn các hộ sử dụng vốn hiệu quả.
Đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích
Có thể thấy, nguồn vốn chính sách đã tạo nguồn lực quan trọng cho địa phương thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thời gian qua, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tích cực, chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, kịp thời phân giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Công tác kiểm tra, giám sát trực tiếp tại cơ sở được chú trọng, kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, sai sót trong việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn.
Cùng với đó, chi nhánh đã phối hợp với chính quyền các địa phương thiết lập 558 Điểm giao dịch cấp xã trên địa bàn toàn tỉnh; xây dựng, thành lập và quản lý 6.431 Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, bản, tổ dân phố.
Tại huyện Quan Sơn, triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành rà soát nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng hộ và tiến hành ủy thác cho vay đảm bảo theo quy định. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi tại các xã, thị trấn, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay vốn, các tổ chức chính trị nhận ủy thác; quy trình, chế độ nghiệp vụ, bảo đảm vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, phát huy hiệu quả sử dụng vốn đúng mục đích.
Giám đốc NHCSXH huyện Lê Anh Thiện cho biết: Nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững của huyện, đồng thời giúp bà con tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, hạn chế “tín dụng đen”. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách, NHCSXH huyện sẽ tích cực tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Bám sát các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện để triển khai các chương trình tín dụng chính sách, bảo đảm nguồn vốn ưu đãi được thực hiện đúng đối tượng, vốn vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Chủ động thực hiện tốt việc huy động, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người vay vốn hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ để sử dụng vốn đúng mục đích. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Còn tại huyện Bá Thước, nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều người dân địa phương thoát nghèo, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 17,58%. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 704 tỷ đồng, với trên 11.300 khách hàng đang vay vốn. Kết quả đó là sự phối hợp của cấp uỷ, chính quyền huyện với NHCSXH trong công tác quản lý, nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Hữu Phúc, tín dụng chính sách là trụ cột quan trọng góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn huyện. Thời gian qua, UBND huyện cũng đã chỉ đạo rà soát, đảm bảo việc hỗ trợ đến người dân theo đúng đối tượng, đồng thời hướng dẫn các hộ dân quản lý sử dụng vốn này hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh cho biết: Bên cạnh những tồn tại khó khăn như nguồn vốn ủy thác từ một số huyện, thị xã sang NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng kinh tế và điều kiện của địa phương; chất lượng tín dụng tại một số địa phương chưa đồng đều, tỷ lệ nợ quá hạn còn cao so với bình quân chung của tỉnh; việc thực hiện kiểm tra, giám sát tại cơ sở theo kế hoạch của các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH chưa nhiều.
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động của NHCSXH trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị HĐQT NHCSXH xem xét, quyết định việc xử lý nhanh chóng, kịp thời hơn nữa đối với các khoản vay đủ điều kiện xử lý nợ bị rủi ro. Quan tâm, đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương xem xét, ban hành chương trình cho vay đối với những hộ có mức sống trung bình để sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho người dân có nguồn vốn phát triển kinh tế. Xem xét, ban hành chính sách đối với hộ nghèo làm nhà ở theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được vay vốn ưu đãi để bà con không phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao. Tiếp tục quan tâm, bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo, đáp ứng nhu cầu vay vốn lớn của người dân để mua, thuê nhà ở xã hội, xây mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.
Bài và ảnh Lê Thức - Khánh Phương
Các tin bài khác
- » Hỗ trợ HSSV hoàn cảnh khó khăn xây đắp tương lai
- » Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng
- » “Kim chỉ nam” cho tín dụng chính sách xã hội hoạt động hiệu quả
- » Hiệu quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội ở Ninh Thuận
- » Đưa vốn chính sách về vùng khó
- » Thoát nghèo nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ
- » Vốn chính sách làm thức dậy đất nghèo Chư Sê
- » Tăng cường nguồn lực tín dụng xã hội để “tất cả cùng phát triển”, “không ai bị bỏ lại phía sau”
- » Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị Tổng kết thực hiện Chỉ thị tín dụng chính sách xã hội
- » Bà Nguyễn Thị Hồng - Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam, Chủ tịch HĐQT NHCSXH trả lời phỏng vấn VTV1 về kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW