Có vốn nuôi bò, trồng keo, nông dân nghèo Bình Định nhanh khá
Hộ nghèo có vốn làm ăn
Gia đình chị Bùi Thị Thương ở thôn Thượng Giang 1, xã Tây Giang là hộ nghèo của xã. Chị Hương có 3 con nhỏ; trong đó, con đầu của chị được 17 tuổi, bị bệnh bại não nên chị không thể đi làm xa mà phải ở nhà chăm sóc các con, gia đình chỉ có một người tạo thu nhập chính là chồng chị. Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân xã, chị được chính quyền địa phương hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ NHCSXH huyện Tây Sơn.
Chị Thương tâm sự: “Nhờ nguồn vốn này mà tôi đã mua 2 con bò cái lai sinh sản. Hàng ngày, ngoài việc ở nhà chăm con thì công việc chính của tôi là cắt cỏ, chăm sóc 2 con bò. Nhờ tiền bán bê con và phụ phẩm phân bò, gia đình tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống, lo cho các con. Tôi rất biết ơn các cấp chính quyền và NHCSXH luôn tạo điều kiện để tôi được vay vốn”.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thuận ở thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận là hộ cận nghèo của xã. Nhờ được vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm, 22 triệu đồng từ nguồn vốn WB3, anh nuôi 2 con bò cái sinh sản, trồng 2.200 cây keo lai để lo bốn người con ăn học. Đến nay, hai con lớn của anh đã tốt nghiệp đại học, người con thứ ba đang học đại học. Trong quá trình nuôi các con ăn học, anh Thuận cũng nhận được sự hỗ trợ nguồn vốn vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn từ NHCSXH huyện Tây Sơn.
Anh Thuận chia sẻ: Sau nhiều năm nằm trong danh sách hộ cận nghèo, nhờ đồng vốn NHCSXH, đến nay gia đình anh đã thoát nghèo. Hiện tại, anh đã sửa chữa được nhà cửa, cuộc sống ngày một khấm khá hơn.
Năm 2024, NHCSXH huyện Tây Sơn đã tiếp tục phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm và giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Quan tâm các địa bàn khó khăn
Nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Tây Sơn trong gần 22 năm qua đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững; tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch; nhiều HSSV thuộc gia đình hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn được tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp… Qua đó, góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Riêng trong năm 2023, NHCSXH huyện Tây Sơn thực hiện giải ngân cho vay các chương trình tín dụng đạt trên 194 tỷ đồng, với 4.113 khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ đạt trên 607 tỷ đồng, với 10.459 khách hàng đang dư nợ, hoàn thành 100% kế hoạch tăng trưởng, tăng trên 74 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng đạt 14%. Tăng trưởng dư nợ tập trung vào một số chương trình, như: cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, NS&VSMTNT, cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nhà ở xã hội…
Giám đốc NHCSXH huyện Tây Sơn Nguyễn Thị Thủy cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với tinh thần “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”. NHCSXH huyện sẽ tiếp tục có những giải pháp linh hoạt, chủ động trong việc huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến các đối tượng, đặc biệt chú trọng đến các địa bàn khó khăn.
Bài và ảnh Võ Mỹ Hạnh
Các tin bài khác
- » Nông dân Hòa Vang đổi đời từ nguồn vốn chính sách
- » Tiếp sức cho hoạt động tín dụng chính sách
- » Thoát khó khăn, vững kinh tế nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Đồng hành với nông dân giảm nghèo
- » Ổn định cuộc sống từ nguồn vốn ưu đãi
- » Góp phần phát triển các sản phẩm OCOP
- » Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thăm, tặng quà tại tỉnh Sơn La
- » Làm lại cuộc đời nhờ nguồn vốn chính sách xã hội
- » “Bệ đỡ” cho phụ nữ vùng sâu
- » Động lực thoát nghèo bền vững