
Vốn ưu đãi giúp người dân Đắk Nông thoát nghèo
Một xã có gần 3.000 hộ được vay vốn ưu đãi
Xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức là địa phương có phần lớn người dân đồng bào DTTS. Những năm trước, đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá lớn. Từ khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mà NHCSXH huyện triển khai, đời sống người dân có nhiều chuyển biến. Đến nay, dư nợ tín dụng ưu đãi trên toàn xã hơn 140 tỷ đồng, với gần 3.000 hộ được vay vốn ưu đãi.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, bon Bu P’răng 1, xã Quảng Trực có thu nhập ổn định nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Theo ông Tuấn, những năm trước, kinh tế gia đình rất khó khăn. Do không có vốn đầu tư nên rẫy nương không hiệu quả. Hai đứa con lại đang trong độ tuổi ăn học. Hàng năm, gia đình thường đi vay tiền bên ngoài, với lãi suất cao để đầu tư. Đến lúc thu hoạch, doanh thu từ vườn cây chủ yếu trang trải nợ nần, không dư đồng nào.
Giữa năm 2023, gia đình ông được địa phương bình xét, NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Có vốn, gia đình ông tập trung mua thiết bị, phân bón đầu tư hơn 2 ha cà phê. Vườn cây được đầu tư, phát triển tốt. Vụ mùa vừa qua, gia đình ông thu được 8 tấn cà phê nhân, cao gấp nhiều lần so với trước đây. “Thủ tục đơn giản, nguồn vốn được giải ngân rất nhanh. Mức cho vay phù hợp với điều kiện đầu tư của gia đình mình nên áp lực về trả gốc, lãi được giảm bớt”, ông Tuấn chia sẻ.
Theo UBND xã Quảng Trực, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã thực sự có ý nghĩa đối với sự phát triển của địa phương. Từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đến cuối năm 2024 đã giảm xuống rất nhiều. Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, trong quá trình bình xét cho vay, đối tượng có nhu cầu được địa phương rà soát rất kỹ. Các đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên thăm hỏi, nắm rõ quá trình sử dụng vốn của các hộ vay. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vay, sử dụng vốn, địa phương ghi nhận kịp thời để hỗ trợ bà con.
Giải ngân nhanh gọn
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, đến ngày 31/3/2025, dư nợ các chương trình ưu đãi trên địa bàn tỉnh đạt gần 4.797 tỷ đồng, với gần 70.671 lượt hộ vay vốn. Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Vũ Anh Đức cho biết: Phương châm của đơn vị là không để hộ dân nào có nhu cầu vay vốn mà không tiếp cận được nguồn vốn chính sách. Hàng năm, chi nhánh chủ động phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, rà soát toàn bộ nhu cầu vay vốn tại cơ sở. Những hộ nào khó khăn, có tinh thần làm ăn, tư liệu sản xuất, ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ vốn kịp thời. Hồ sơ hoàn tất, chúng tôi ưu tiên giải ngân nguồn vốn trong ngày. Làm sao để bà con có nguồn vốn phục vụ sản xuất kịp thời, tránh tình trạng đi vay ngoài chịu lãi suất cao.
Nhờ được hỗ trợ vốn vay kịp thời, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo tại Đắk Nông chỉ còn 5.163 hộ nghèo, chiếm 2,99% dân số toàn tỉnh. Hiện nay, nhu cầu của bà con về nguồn vốn đầu tư khá cao. Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương tổng hợp nhu cầu vốn vay. Trên cơ sở này, chi nhánh phân bổ vốn cho các Phòng giao dịch. Đối với những hộ gia đình đến hạn thu nợ gốc, đơn vị tích cực thu hồi. Nguồn vốn thu về, chi nhánh sẽ tiếp tục bổ sung nguồn vốn cho vay, kịp thời hỗ trợ người dân vùng khó khăn đầu tư sản xuất.
Trong hành trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn chính sách giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đây không chỉ là kênh tín dụng ưu đãi, mà còn là đòn bẩy giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội vươn lên. Thông qua các chương trình như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, HSSV có hoàn cảnh khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, nhà ở xã hội…, hàng chục ngàn lượt hộ dân tại tỉnh Đắk Nông đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi.
Đặc biệt, vốn vay chính sách không chỉ giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững mà còn nâng cao ý thức tự lực vươn lên, giảm phụ thuộc vào trợ cấp Nhà nước. Nguồn vốn chính sách vì thế mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, thúc đẩy an sinh xã hội, giữ ổn định chính trị và tạo nền tảng vững chắc cho Đắk Nông thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, phát triển toàn diện trong giai đoạn mới.
Trong 3 tháng đầu năm 2025, Đắk Nông có 445 lượt hộ nghèo; 1.300 lượt hộ cận nghèo; 749 hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi. Toàn tỉnh có 2.841 hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được tiếp cận vốn để phát triển sản xuất. Đắk Nông có 550 lượt hộ được vay vốn tạo việc làm; có 2.488 lượt hộ được vay vốn xây mới, sửa chữa các công trình nước sạch…
Bài và ảnh Nguyễn Lương
Các tin bài khác
- » Đại hội các Chi bộ Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2027 diễn ra thành công tốt đẹp
- » Trên 4.000 hộ thoát nghèo ở Nam Định nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Đồng hành cùng người dân vùng cao thoát nghèo
- » NHCSXH tỉnh Bình Dương tuyên dương người lao động giỏi, lao động sáng tạo
- » Đoàn công tác số 10 của NHNN dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ Gạc Ma
- » Quảng Bình vươn mình nhờ tín dụng chính sách
- » Quan tâm trao cơ hội lập nghiệp cho thanh niên xuất ngũ
- » Thi đua khen thưởng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách
- » Biểu dương người lao động giỏi, lao động sáng tạo tại NHCSXH tỉnh Sóc Trăng
- » NHCSXH cần tập trung huy động, đa dạng hóa nguồn vốn