Quảng Bình vươn mình nhờ tín dụng chính sách

18/04/2025
(VBSP News) Nhờ nguồn vốn chính sách ưu đãi của Nhà nước, đông đảo người dân nghèo từ miền núi cao đến các vùng bãi ngang ven biển tỉnh Quảng Bình đã có điều kiện để đầu tư, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
qb1

Người dân giao dịch trực tiếp với cán bộ NHCSXH ngay tại điểm giao dịch xã

Huyện Minh Hóa nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, trước đây là huyện miền núi nghèo khó, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trước thực trạng đó, lãnh đạo các cấp, các ngành của địa phương đã trăn trở tìm hướng mở kế sinh nhai, thực hiện các chương trình, dự án như 134, 135, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, cùng các nguồn lực, trong đó có nguồn vốn chính sách ưu đãi của Chính phủ do NHCSXH chuyển tải đến làm điểm tựa cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Bản Dộ - Tà Vờng, thuộc xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa là nơi sinh sống chủ yếu là đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều, Khua và Mày. Những năm trở lại đây, nhiều bà con dân tộc đã thay đổi về nhận thức, mạnh dạn vay vốn chính sách thông qua NHCSXH huyện, để phát triển chăn nuôi, trồng cây keo lai, cây tràm.
Ban Chỉ đạo giảm nghèo, chính quyền địa phương, cấp ủy Đảng xã Trọng Hóa đã chủ động chỉ đạo thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn, giao cho tổ chức Hội Nông dân quản lý, để làm cầu nối để chuyển tải nguồn vốn chính sách đến các hộ đồng bào DTTS có nhu cầu vay vốn, tạo “cần câu” cho bà con vươn lên bằng nội lực của mình. Đến nay, toàn bản có 40 hộ gia đình vay vốn NHCSXH, chiếm 46,5% tổng số hộ, với tổng nguồn vốn vay là 1,4 tỷ đồng. Đa số bà con phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, có ý thức trong việc sử dụng nguồn vốn vay, thực hiện nghĩa vụ trả nợ, trả lãi cho NHCSXH, không có trường hợp để nợ vay quá hạn.

qb2

Cán bộ NHCSXH thường xuyên bám sát cơ sở, tận tình hướng dẫn hộ nghèo vay vốn, phát triển sản xuất kinh doanh

Ở huyện Quảng Trạch có 4 xã đặc biệt khó khăn nằm trong vùng bãi ngang, ven biển là Phù Hóa, Liên Trạch, Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy đã và đang đổi thay nhờ nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Trong đó có nhiều chương trình tín dụng chính sách đầu tư trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Tiêu biểu ở xã Phú Hóa, nguồn vốn chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo huyện còn 5,74%, hộ cận nghèo giảm còn 4,42%. Nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH huyện Quảng Trạch còn làm “bệ đỡ” hỗ trợ bà con đa dạng hóa sinh kế, triển khai mô hình chăn nuôi bò lai sinh sản, nuôi gà Lai ri, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Nguồn vốn chính sách được đầu tư đúng đối tượng thụ hưởng, hộ vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Giai đoạn 2020 - 2025, toàn tỉnh có hơn 9.237 lượt hộ nghèo, 12.975 lượt hộ cận nghèo, 18.659 lượt hộ mới thoát nghèo vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Qua đó, thu hút và tạo việc làm cho trên 37.000 lao động; 2.900 lượt HSSV vay vốn để học tập; trên 72 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động; xây dựng hơn 141.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng hơn 2.400 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; giúp 263 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tái hòa nhập cộng đồng từ đó giúp cho hơn 13.600 hộ vay vốn thoát nghèo, thoát cận nghèo. Nổi bật là tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 6,98% (năm 2019) xuống 3,13% (năm 2024).
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Trần Văn Tài chia sẻ: Trải qua hơn 22 năm hoạt động, hiện nay, tổng nguồn vốn của chi nhánh đạt gần 5.769 tỷ đồng, tăng gần 30 lần so với ngày đầu thành lập, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 294,6 tỷ đồng, tăng 238,9 tỷ đồng so với năm 2019. Tính riêng 5 năm qua, đơn vị chi nhánh đã triển khai thực hiện 21 chương trình tín dụng với doanh số cho vay 8.419 tỷ đồng, với 162 nghìn lượt khách hàng vay vốn.
Đặc biệt, việc thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn, được ví như “cánh tay nối dài” của NHCSHX trong thực hiện tín dụng chính sách, đã góp phần không nhỏ vào chuyển tải nhanh chóng, an toàn nguồn vốn ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
Trong thời gian qua, chi nhánh cũng đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Bình phát động, chi nhánh đã hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 9 hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại 8 huyện, thị, thành phố với số tiền hỗ trợ là 95 triệu đồng
Nhằm duy trì, phát huy thành tích đạt được, bước vào giai đoạn mới, chi nhánh sẽ tập trung huy động nguồn lực, nguồn vốn, tổ chức truyền tải kịp thời an toàn nguồn vốn đến đúng các đối tượng được thụ hưởng; tăng cường củng cố hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đến mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, khẳng định giữ vững vai trò là điểm sáng, là trụ cột trong công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tuấn Ngọc - Đông Dư

Các tin bài khác