
Tín dụng chính sách xã hội - “đòn bẩy” giảm nghèo bền vững

Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân cho hơn 25.978 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn
Trụ cột trong phát triển bền vững
Chỉ thị số 39-CT/TW được xem là kim chỉ nam cho các cấp, các ngành, địa phương trong việc tổ chức, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách một cách bài bản, hiệu quả hơn. Chỉ thị không chỉ nhấn mạnh vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong giảm nghèo mà còn khẳng định đây là công cụ quan trọng thúc đẩy xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Thực hiện Chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 254 để cụ thể hóa nhiệm vụ triển khai trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền, Sở, ban, ngành được yêu cầu vào cuộc đồng bộ, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, phân bổ nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội.
Ngay sau khi Chỉ thị số 39-CT/TW được ban hành, chi nhánh đã nhanh chóng triển khai các hoạt động trọng tâm. Giám đốc chi nhánh Đào Thái Hòa chia sẻ: “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức quán triệt Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, viên chức trong hệ thống. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền sâu rộng đến người dân.”
Tính đến nay, chi nhánh đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền qua hình thức họp dân, truyền thanh, phát tờ rơi. Thông qua đó, người dân được tiếp cận đầy đủ thông tin về chương trình tín dụng, quyền lợi, nghĩa vụ và quy trình vay vốn.
Bà H’Liên Niê, một hộ dân tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin - người vừa được vay vốn từ chương trình hộ cận nghèo chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, không có vốn để làm ăn. Nhờ được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH, tôi đầu tư chăn nuôi bò, đến nay đã có thu nhập ổn định, con cái được đi học đầy đủ.”
Còn với ông Nguyễn Văn Hạnh, một hộ gia đình ở huyện Krông Bông, số tiền vay 70 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm đã giúp gia đình ông Hạnh mở xưởng sửa chữa máy nông nghiệp. “Nhờ nguồn vốn và sự hướng dẫn từ cán bộ tín dụng, giờ đây tôi không chỉ có thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm cho hai lao động địa phương”, ông Hạnh chia sẻ.
Những con số biết nói
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã giải ngân cho hơn 25.978 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, với tổng doanh số cho vay đạt 1.635 tỷ đồng, tăng 508 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn đã đạt 8.538 tỷ đồng, với hơn 163.000 khách hàng còn dư nợ.
Nguồn vốn chính sách đã phủ kín 180 xã, phường của toàn tỉnh giúp hàng chục nghìn hộ nghèo ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Ngoài ra, hơn 40.000 lao động được tạo việc làm; gần 3.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; gần 56.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng. Đặc biệt, tại các vùng sâu, vùng xa, nơi cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính còn hạn chế, tín dụng chính sách xã hội đã trở thành chiếc cầu nối mang lại hy vọng và sự thay đổi tích cực.
Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm mạnh từ 10,94% (năm 2022) xuống còn 6,38% cuối năm 2024, góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho 74 xã và thúc đẩy mục tiêu đưa Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực. Tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy phát triển con người, tạo động lực vươn lên, thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đào Thái Hòa cho biết: “Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của tín dụng chính sách. Đặc biệt, chú trọng các nội dung trong Chỉ thị số 39-CT/TW đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Cùng với đó, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động tín dụng để mang lại dịch vụ nhanh chóng, minh bạch, hiệu quả hơn cho người dân.”
Ngoài ra, chi nhánh cũng đang chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về việc bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, để bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển.
Bài và ảnh Công Thái
Các tin bài khác
- » Học Bác nêu cao tinh thần trách nhiệm
- » Đại hội các Chi bộ Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2027 diễn ra thành công tốt đẹp
- » Bổ sung nguồn vốn chính sách cho chương trình OCOP
- » Giải pháp đẩy mạnh cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28 của Chính phủ tại NHCSXH tỉnh Bắc Kạn và Lai Châu
- » Giải pháp nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- » Nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS trên địa bàn Tây Nguyên
- » Nâng cao chất lượng chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn TP Đà Nẵng
- » Giải pháp tăng cường nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- » Giải pháp tăng cường công tác huy động tiền gửi tại chi nhánh NHCSXH tỉnh Tây Ninh
- » Tín dụng chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội