Thiêng liêng hành trình về với miền “đất lửa” Anh hùng

25/07/2024
(VBSP News) Đến hẹn lại lên, trong những ngày tháng 7 lịch sử, người dân trên cả nước lại lặng mình tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn, dâng nén nhang thơm ngát, lẵng hoa tươi thắm đến vong linh những Anh hùng liệt sĩ đã quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.
image001

Đoàn công tác tri ân 1.240 Anh hùng liệt sĩ tại khu di tích lịch sử Truông Bồn

Hòa cùng dòng người khắp mọi miền Tổ quốc, Đoàn công tác NHCSXH do Bí thư Đảng uỷ NHCSXH TW, Uỷ viên HĐQT, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm Trưởng đoàn đã tới các “địa chỉ đỏ” trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị để cùng thắp lên ngọn lửa tri ân, tỏ lòng thành kính, biết ơn vô hạn đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã  hiến dâng xương máu, dành trọn tuổi thanh xuân cho nền độc lập của Tổ quốc.
Xuyên qua những miền cát trắng gió Lào của dải “đất lửa” miền Trung trong cái nắng tháng 7 như thiêu đốt, Đoàn đã vượt hàng trăm cây số về với các di tích lịch sử, Nghĩa trang liệt sĩ, các điểm tri ân, như: khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng Trị, Hang Tám Cô, Truông Bồn… để dâng hoa, thắp những nén tâm hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, quên mình vì hạnh phúc của nhân dân, vì tương lai của đất nước.
Điểm đầu tiên cuộc hành trình là Khu Di tích lịch sử quốc gia Truông Bồn thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) - mảnh đất thiêng liêng, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; nơi máu của đồng chí, đồng bào đã đổ xuống trong cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Trong kháng chiến chóng Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng, là đầu mối giao thông để vận chuyển quân lương, đạn dược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Chỉ tính riêng từ năm 1964 đến 1968, không quân địch đã trút xuống Truông Bồn 18.936 quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa, rốc-két xuống nơi đây, tàn phá 211 thôn, làng dọc tuyến đường. Tại đây có 1.240 người con ưu tú đã ngã xuống trên cung đường huyền thoại do bom đạn của kẻ thù, tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong Đại đội 317 vào ngày 31/10/1968.
Trước anh linh các Anh hùng liệt sĩ, với tấm lòng thành kính, Đoàn đã dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ tấm lòng tri ân sâu sắc trước sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ trên “tọa độ lửa” Truông Bồn.

image002

Đoàn dâng hương trước phần mộ của 13 thanh niên xung phong Đại đội 317

Điểm đến tiếp theo là Di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Những năm chống Mỹ cứu nước, đây là “yết hầu” quan trọng nhất trên con đường Trường Sơn huyền thoại, mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Đúng vào giai đoạn này cách đây 46 năm, 10 nữ thanh niên xung phong (TNXP) Tiểu đội Võ Thị Tần thuộc C552, Tổng đội TNXP 55 đã anh dũng hy sinh trong lúc đào lấp hố bom thông đường. Chiến tranh đã lùi xa nhưng hình ảnh, sự hy sinh anh dũng và cuộc sống, chiến đấu của 10 nữ liệt sĩ cùng lực lượng thanh niên xung phong và quân đội, công an, cán bộ giao thông… ở ngã ba Đồng Lộc vẫn mãi trường tồn, bất tử, trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Tại đây, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cùng Đoàn công tác đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc; Khu mộ của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ TNXP hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc.

image003

Kính cẩn nghiêng mình trước sự hy sinh anh dũng của 10 TNXP tại Ngã Ba Đồng Lộc

image004

image005

Những đóa hoa trắng tinh khôi đã được đặt lên mộ của 10 TNXP tại Ngã Ba Đồng Lộc

Tiếp tục hành trình, Đoàn công tác của NHCSXH ra với miền đất “chang chang cồn cát nắng trưa” Quảng Bình và dâng hương, dâng hoa tưởng niệm tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở khu vực Vũng Chùa - Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch. Trời ở Vũng Chùa xanh ngắt, từng con sóng nhỏ yên bình nhè nhẹ đuổi nhau vào bờ, nắng chiều hè tháng 7 tỏa rạng lên lên Khu mộ Vị tướng huyền thoại - Người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từng thành viên trong Đoàn nối hàng bước chậm từng bước lên nơi Đại tướng yên nghỉ để dâng lẵng hoa trang trọng, kính cẩn nghiêng mình thắp hương báo công trước anh linh người. Buổi dâng hương, dâng hoa của Đoàn đã diễn ra ấm áp, trang trọng như thế, bằng chính tấm lòng ngưỡng mộ hết mực của tập thể lãnh đạo, cán bộ NHCSXH với người con ưu tú nhất của quê hương Quảng Bình.

image006

Đoàn công tác dâng hương, tưởng niệm tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

image007

Đoàn công tác tưởng niệm 8 nữ Thanh niên xung phong hy sinh tại đường 20 Quyết Thắng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình)

Rời vùng đất Quảng Bình, Đoàn công tác của NHCSXH chọn theo lộ mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, vượt qua chặng đường dài xuyên qua những cánh rừng rậm Trường Sơn thăm thẳm, chợt nắng chợt mưa để đến với “đất lửa” Quảng Trị anh hùng. Quảng Trị có 72 Nghĩa trang liệt sĩ; trong đó, Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 mỗi nơi có hơn 10.000 liệt sĩ an nghỉ.
Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9, TP Đông Hà là nơi yên nghỉ của hơn 10.000 Anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên mặt trận Đường 9, chiến trường Quảng Trị và đất bạn Lào trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 có 133 liệt sĩ người con quê Hưng Yên. Tại đây, trong không khí trang nghiêm, thành kính và với lòng biết ơn vô hạn, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cùng Đoàn công tác dành một phút mặc niệm và thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ - những người con trên mọi miền Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã hiến trọn tuổi thanh xuân, máu xương vì độc lập, tự do cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

image008

image009

Đoàn công tác NHCSXH làm lễ dâng hoa, dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9

image010

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng thỉnh chuông tại Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9

image011

image012

Dâng những nén tâm hương tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc

Rời Đường 9 đến với Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên vùng một đồi núi đẹp ở xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Đây là chốn yên nghỉ của hơn 10 vạn anh hùng liệt sĩ trong 10 khu vực chính với tổng diện tích mộ rộng 23.000m². Hầu hết trong số họ là những chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng và ngã xuống trên tuyến đường huyền thoại Trường Sơn Đông - đường chiến lược huyết mạch giải phóng miền Nam.

image013

image014

Đoàn NHCSXH dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

image015

Thỉnh chuông cầu nguyện cho các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Có lẽ sự hy sinh của các chiến sĩ đã hóa thành bất tử, làm phục sinh cho cõi sống. Dấu tích của một thời đạn bom, đau thương giờ phủ một màu xanh của sự sống, của hòa bình mà đời đời mãi khắc ghi với tất cả tấm lòng tri ân sâu nặng.

image016

image017

image018

Thành tâm thắp nén hương thơm, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, sự tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ

image019

Những dòng tên liệt sĩ hy sinh được khắc trang trọng lên các tấm bia đá

Điểm đến tri ân cuối cùng là Thành cổ Quảng Trị - nằm dung dị bên dòng sông Thạch Hãn êm đềm. Nhắc nhớ tên Thành cổ Quảng Trị một cách dội vang hơn cả là trận chiến 81 ngày đêm giữa lực lượng của quân dân ta với quân Mỹ - ngụy Việt Nam Cộng hòa có sự yểm trợ tối đa của hỏa lực. Sau 81 ngày đêm mùa hè rực lửa 1972, Mỹ - ngụy đã trút xuống mảnh đất thị xã Quảng Trị nhỏ bé này 328.000 tấn bom, đạn (bằng sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống 2 thành phố lớn của Nhật Bản 1945). Để giữ từng tất đất thiêng Thành cổ, hàng ngàn chiến sĩ của ta đã ngã xuống, hầu hết đang trong độ tuổi đôi mươi - đẹp nhất đời.
Thắp nén nhang trên Đài tưởng niệm, các thành viên trong đoàn nguyện cầu cho linh hồn những người lính “mãi mãi tuổi hai mươi” được siêu thoát, trở thành bất tử, để chứng kiến sự hồi sinh của mảnh đất này, mảnh đất mà họ đã phải đổi bằng xương, bằng máu để gìn giữ vẹn nguyên cho thế hệ mai sau.

image020

image021

Đoàn công tác dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị

Hàng nghìn chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại lòng đất Thành cổ; nhiều người con của Tổ quốc khi vượt sông Thạch Hãn từ bờ Bắc vào bờ Nam chiến đấu bảo vệ thị xã và Thành cổ Quảng Trị cũng đã anh dũng hy sinh, máu xương hòa vào dòng Thạch Hãn. Sông Thạch Hãn vì thế được coi là một “nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ”.

image022

Thả hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Thành cổ bên bờ Nam sông Thạch Hãn

image023

Tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại bến thả hoa Thành cổ, bên bờ Bắc sông Thạch Hãn

image024

Đoàn công tác NHCSXH và tỉnh Quảng Trị thả vòng hoa tri ân các Anh hùng liệt sĩ trên dòng sông Thạch Hãn

502A5074

Đời đời nhớ ơn các Anh hùng liệt sĩ

Trải qua một hành trình dài, với những ngày nắng nóng nhưng các thành viên trong Đoàn công tác dường như không mệt mỏi, trong ánh mắt của mỗi người ánh lên niềm tự hào dân tộc, về lịch sử Anh hùng của đất nước. Và, trên hết là tấm lòng, sự biết ơn cao cả đối với sự hy sinh của biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương cho cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bài và ảnh VH - Hữu Trung - Trần Giáp

Các tin bài khác