
Thắp sáng giấc mơ an cư từ nguồn vốn chính sách

Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-2024 đang được NHCSXH triển khai hiệu quả ở Quảng Nam
Hiện thực hóa khát vọng an cư
Quảng Nam hiện có khoảng 140.000 công nhân, viên chức, người lao động đang sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp lớn như Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), Tam Thăng (TP. Tam Kỳ), Cơ khí ô tô Trường Hải, Hậu cần cảng Tam Hiệp (huyện Núi Thành)… Với số lượng lao động đông đảo, nhu cầu về nhà ở xã hội tại địa phương không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án nhà ở xã hội vẫn còn gặp nhiều rào cản.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cho biết, nhà ở xã hội dành cho công nhân, người lao động thu nhập thấp, cán bộ, công chức và người nghèo là một chương trình lớn được tỉnh đặc biệt quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt. “Dù vậy, quá trình triển khai còn nhiều khó khăn, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Có không ít doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhưng lại vấp phải bài toán kinh phí lớn trong khi lợi nhuận thấp. Cơ chế hỗ trợ đầu tư hiện nay chưa đủ hấp dẫn, khiến các nhà đầu tư còn dè dặt”, ông Dũng chia sẻ.
Trong bối cảnh ấy, chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-2024 của Chính phủ do chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam triển khai trong thời gian qua đã thắp lên niềm hy vọng mới cho nhiều hộ gia đình ở địa phương. Với nguồn vốn ưu đãi, nhiều người lao động, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang… đã chạm tay tới giấc mơ có một mái ấm cho riêng mình.
Câu chuyện của bà Trần Thị Nhơn, giáo viên ở khối phố Phước Xuyên, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên là minh chứng rõ nét nhất cho giá trị nhân văn của chương trình vay vốn này. Gia cảnh neo đơn, một mình nuôi con nhỏ, lương giáo viên tuy ổn định nhưng không đủ để mua nhà trong điều kiện giá cả leo thang. Nhờ được vay 500 triệu đồng từ NHCSXH, bà Nhơn mạnh dạn xây dựng ngôi nhà mới. “Nếu không có khoản vay ưu đãi này, chắc ước mơ có một nơi ở tử tế cho hai mẹ con tôi sẽ mãi chỉ là mong ước”, bà Nhơn xúc động nói.
Tương tự, gia đình anh Phạm Văn Dũng ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, cả hai vợ chồng đều là công nhân tại Công ty Sedo Vinako, cũng được tiếp sức nhờ khoản vay 300 triệu đồng để xây dựng lại căn nhà.
“Khi biết có chương trình cho vay nhà ở xã hội, chúng tôi đăng ký, làm hồ sơ và được ngân hàng hỗ trợ kịp thời. Ngoài khoản vay chính sách, chúng tôi mượn thêm chút ít từ người thân để có được căn nhà kiên cố. Nếu không có chương trình này, chúng tôi không biết đến bao giờ mới ổn định chỗ ở”, anh Dũng chia sẻ.
Một hộ gia đình khác là ông Phạm Văn Vinh, làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại Xăng dầu Trường Xuân (TP. Tam Kỳ), cũng được hỗ trợ vay 500 triệu đồng. Thu nhập ổn định nhưng không dư dả, với ông Vinh, giấc mơ có căn nhà khang trang từng là điều gì đó xa vời.“Nhờ nguồn vốn vay, nay gia đình tôi đã có nhà mới khang trang, sạch sẽ. Từ khi có chỗ ở ổn định, tôi yên tâm làm việc và trả nợ đúng hạn”, ông Vinh chia sẻ thêm.
Lan tỏa chính sách nhân văn đến từng mái ấm
Những câu chuyện như của bà Nhơn, anh Dũng, ông Vinh… xuất hiện ngày càng nhiều ở Quảng Nam. Tính đến ngày 28/2/2025, chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã giải ngân được 575 tỷ đồng chương trình cho vay nhà ở xã hội, hỗ trợ 1.788 khách hàng xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở. Trong đó, có 26 khách hàng là người có công với cách mạng; 273 người lao động; 228 người có thu nhập thấp khu vực đô thị; 230 cán bộ lực lượng vũ trang và 1.031 cán bộ, công chức, viên chức.
Để chương trình lan tỏa rộng rãi và đi vào đời sống thực tiễn, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy trình và điều kiện vay vốn. Trên cơ sở danh sách hộ đăng ký, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức bình xét minh bạch. Cán bộ tín dụng tiến hành thẩm định, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ và giải ngân nhanh chóng, đúng quy định.
Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thị Trang cho biết: “Chúng tôi chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các hội đoàn thể để bình xét đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, giúp người dân yên tâm vay vốn làm nhà”.
Được biết, trong năm 2025, Trung ương đã phân bổ thêm 30 tỷ đồng cho Quảng Nam để tiếp tục đẩy mạnh chương trình vay vốn nhà ở xã hội. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương ủy thác vốn cho chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam nhằm tăng tốc giải ngân, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.
Không chỉ đơn thuần là những con số về tín dụng, những ngôi nhà được dựng xây từ nguồn vốn chính sách chính là biểu tượng của sự sẻ chia, đồng hành và tiếp sức của Nhà nước dành cho người dân. Từ mái ấm mới, hàng ngàn gia đình ở xứ Quảng không chỉ hiện thực hóa giấc mơ an cư mà còn có thêm động lực để lao động, cống hiến và xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Bài và ảnh Nghi Lộc
Các tin bài khác
- » Cần xây dựng mục tiêu, kế hoạch đẩy mạnh phong trào thi đua lao động giỏi gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Thái Bình có 43 tập thể, cá nhân được biểu dương, khen thưởng
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc biểu dương người lao động giỏi và sáng tạo
- » NHCSXH chúc mừng 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh
- » Chi nhánh NHCSXH tỉnh Ninh Bình biểu dương người lao động giỏi, lao động sáng tạo
- » Nông dân Hải Dương đổi đời nhờ nguồn vốn chính sách
- » 8 tập thể và 66 cá nhân chi nhánh NHCSXH tỉnh Lâm Đồng được biểu dương điển hình tiên tiến
- » Bài 2 - Chiêu bài dân túy và hành động trơ trẽn
- » Lật tẩy chiêu bài dân túy của “Việt Tân” (Bài 1 - Đằng sau những tuyên bố lộng ngôn)
- » Nhiệm kỳ 2020-2025: Sự phát triển và đột phá của Đảng bộ NHCSXH thành phố Hà Nội