Nông dân Hải Dương đổi đời nhờ nguồn vốn chính sách

25/03/2025
(VBSP News) Nhờ nguồn vốn chính sách của NHCSXH, nhiều gia đình hội viên, nông dân xã Minh Hòa, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã đầu tư nhiều mô hình nông nghiệp mới hiệu quả. Trong đó, mô hình nuôi ba ba, nuôi cá từ nguồn vốn chính sách này đã mang lại thu nhập cao cho nông dân nơi đây.
nuoi-ba-ba-hai-duong-1742806542367156613439

Nông dân xã Minh Hòa, thị xã Kinh Môn đầu tư mô hình nuôi ba ba - nuôi con đặc sản từ nguồn vốn chính sách

Vay vốn NHCSXH đầu tư nuôi ba ba thu nhập 100 triệu đồng/năm
Là một trong những hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn xã Minh Hòa, hội viên nông dân Vũ Thị Tài ở Khu chuyển đổi 733, xã Minh Hòa hiện có 5 sào ba ba, 1 mẫu nuôi cá, cho thu nhập hàng trăm triệu/năm. Đây là “trái ngọt” của người nông dân chăm chỉ sau nhiều năm tích cực chuyển đổi mô hình, chủ động vay vốn phát triển kinh tế.
Bà Tài cho biết: “Ngày ấy, mới chuyển sang Khu chuyển đổi 733, gia đình tôi còn nhiều khó khăn mà khó nhất là thiếu nguồn vốn làm kinh tế. Đúng lúc ấy có thông tin về vốn chính sách của NHCSXH nên tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng trong thời hạn 5 năm để nuôi trồng thủy sản”.
Thấy nhiều mô hình trong khu chuyển đổi nuôi trồng ba ba cho thu nhập tốt, gia đình bà Tài đầu tư con giống, xây ao hồ nuôi ba ba, cá. Năm nào được giá, mô hình nuôi ba ba, nuôi cá có thể đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng, trừ chi phí, có lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm. “Năm nay là năm thứ 3 tôi vay vốn chính sách. Từ khi vay vốn, hàng tháng tôi đều trả đúng hạn lãi suất. Nhờ nguồn vốn này, gia đình tôi đã có điều kiện phát triển kinh tế, kiếm thêm thu nhập, có công ăn việc làm”, bà Tài cho biết.
Cùng với bà Tài, nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn xã đã vươn lên ổn định cuộc sống từ vốn chính sách. Như ông Nguyễn Văn Quang ở thôn Nội, xã Minh Hòa, thị xã Kinh Môn, sau khi được tuyên truyền về vay vốn NHCSXH đã quyết định “khởi nghiệp” ở độ tuổi gần 70.
Chia sẻ về công việc mới, ông Quang tâm sự: “Tôi được tiếp cận với nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH từ năm ngoái. Hai đứa con trong nhà đi làm công ty cả mà mình vẫn còn đất sản xuất nên tôi mạnh dạn vay 100 triệu đồng làm nông nghiệp trong thời gian 2 năm”.
Từ 100 triệu đồng tiền vốn, ông Quang đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua lợn giống, nuôi 6 con lợn nái đẻ. Cũng từ nguồn vốn này, ông trồng thêm 5 sào tỏi và 1 sào hành, tổng diện tích hơn 2.000m². Năm 2024, ông Quang đã thu được 4 tấn tỏi và 3 tạ hành, cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Riêng mô hình nuôi lợn, do ảnh hưởng của cơn bão Yagi, nhà chuồng của ông bị tốc mái, lợn nuôi cũng bị ảnh hưởng. Trường hợp của gia đình ông đã được NHCSXH hỗ trợ lãi đến tháng 1 năm 2025. “Ngoài ra, tôi vay thêm 20 triệu đồng để làm công trình nước sạch cho gia đình, xây dựng nhà vệ sinh. Đời sống gia đình tôi đã cải thiện hơn nhiều nhờ những chính sách hỗ trợ này”, ông Quang chia sẻ.
Hỗ trợ hội viên tiếp cận kịp thời với nguồn vốn chính sách
Phát huy vai trò trong công tác dân vận, các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn xã Minh Hòa hoạt động hiệu quả. Các tổ thực hiện tốt công tác tuyên truyền trực tiếp, hỗ trợ người dân tiếp cận với vốn tín dụng chính sách. Đã nhiều năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Ngoại, xã Minh Hòa, ông Bùi Văn Ấn cho biết: “Tổ của tôi phụ trách tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con tại thôn Ngoại, xã Minh Hòa. Hiện tại tổ tôi có 52 hộ tham gia vay vốn NHCSXH. Trong đó, có 40 hộ vay vốn chương trình NS&VSMTNT, 8 hộ chương trình giải quyết việc làm, 3 hộ chương trình hộ mới thoát nghèo và 1 hộ chương trình hộ nghèo”.
Hàng tháng, Tổ tiết kiệm và vay vốn của ông Bùi Văn Ấn thường xuyên tổ chức tuyên truyền các nội dung, chương trình vay tín dụng chính sách qua nhiều kênh như vận động trực tiếp tại khu dân cư, họp thôn, qua các Hội, nhóm trên Zalo, Facebook… Những hộ nào có nhu cầu sẽ được Tổ hỗ trợ thông tin, thực hiện giao dịch. “Chúng tôi làm với tinh thần phục vụ nhân dân là chính. Trong quá trình hoạt động, chúng tôi luôn nỗ lực để hỗ trợ bà con thực hiện tốt giao dịch, sử dụng vốn đúng mục đích. Vốn vay sử dụng có hiệu quả thì bà con cũng phấn khởi”, ông Ấn chia sẻ thêm.
Đến nay, qua theo dõi, các hộ tham gia giao dịch đúng hạn. Trong thôn không có trường hợp quá hạn, để nợ xấu. Từ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ nâng cao đời sống, ăn nên làm ra. Tiêu biểu như hộ gia đình bà Hoàng Minh Sáng với mô hình chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng; bà Vũ Thị Tài với mô hình chăn nuôi thủy sản…
Xã Minh Hòa hiện có 5 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội Nông dân xã Minh Hòa quản lý. Tính đến nay, trên địa bàn xã có 295 hộ vay vốn với dư nợ khoảng 9,9 tỷ đồng. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đỗ Thị Yến cho biết: Với vai trò là “cầu nối” nhận ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Kinh Môn, Hội Nông dân xã đã triển khai kịp thời các chương trình cho vay tín dụng chính sách, đồng thời quản lý hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi.
Từ nguồn vốn vay chính sách đã tạo điều kiện và động lực khích lệ hội viên nông dân mạnh dạn đầu tư, tích cực sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Các hộ vay vốn trong các Tổ Tiết kiệm và vay vốn Hội Nông dân quản lý luôn chấp hành nghiêm việc trả lãi hàng tháng và trả nợ gốc khi đến hạn.
Thời gian tới, Hội Nông dân sẽ tiếp tục phối hợp tốt với NHCSXH thị xã Kinh Môn chỉ đạo các chi, tổ Hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến hội viên nông dân. Hội tiếp tục nắm chắc tình hình hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, củng cố kịp thời tổ trưởng hoạt động kém hiệu quả; nhắc nhở các tổ thực hiện tốt quy chế hoạt động, tham gia đầy đủ các cuộc họp giao ban tại xã hàng tháng; thực hiện kiểm tra hộ vay đảm bảo theo kế hoạch đề ra…

Kiều Tâm

Các tin bài khác