Nâng cao hiệu quả an sinh xã hội vùng Tây Bắc
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc, Trương Xuân Cừ khẳng định, vùng Tây Bắc gồm 12 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hoà Bình, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang) và 21 huyện phía Tây của hai tỉnh Thanh Hoá và Nghệ An là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Việt Nam. Xây dựng vùng Tây Bắc phát triển vững mạnh toàn diện vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, đầu tư cho phát triển vùng Tây Bắc là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên. Cùng với nội lực, các nguồn ngoại lực, trong đó có các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, nước sạch, điện, viễn thông… đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc hôm nay có những khởi sắc mới.
Sự thay đổi của vùng Tây Bắc có đóng góp không nhỏ từ tín dụng chính sách. Giai đoạn từ năm 2009 đến hết tháng 5/2016 đã có 3,07 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp gần 445 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho gần 150 nghìn lao động, gần 10,5 nghìn lao động vay vốn xuất khẩu lao động; giúp trên 241 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 953 nghìn công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh ở nông thôn… Tham luận tại Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Vinh khẳng định, thời gian tới hệ thống NHCSXH sẽ tích cực hơn nữa để thực hiện chính sách an sinh xã hội vùng Tây Bắc, nâng cao chất lượng lượng tín dụng chính sách để người dân thực sự hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cũng tích cực đóng góp giúp cho địa phương, đồng bào nghèo vùng Tây Bắc có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. 43/43 huyện nghèo trong vùng đã được các doanh nghiệp nhận hỗ trợ, cam kết đến năm 2020 với tổng số tiền là 2.114,58 tỷ đồng (chiếm 87,4% tổng số tiền doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho 62 huyện nghèo của cả nước). Nguồn lực trên được hỗ trợ tập trung vào các lĩnh vực như xây dựng nhà ở, trường học, trạm y tế xã, hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên cử tuyển; đào tạo nghề, nhận lao động địa phương vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn; đầu tư cơ sở y tế và các cơ sở hạ tầng xã hội…
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất ý kiến nâng cao hiệu quả an sinh xã hội vùng Tây Bắc cần bảo đảm an sinh trong tương quan giữa lợi ích của doanh nghiệp, nhà đầu tư và lợi ích của người dân. Tránh để xảy ra tình trạng phát triển một số ngành kinh tế có lợi cho nhà đầu tư nhưng lại ảnh hưởng đến điều kiện sống của đồng bào dân tộc như môi trường, văn hóa…
Tổng kết Hội thảo, đại diện Ban chỉ đạo Tây Bắc, cùng các Bộ, ban ngành và chính quyền địa phương tha thiết các doanh nghiệp cùng chung tay đóng góp cho công tác an sinh xã hội của vùng Tây Bắc ngày một hiệu quả hơn.
Tin và ảnh Việt Hoàng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Tập trung mọi nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội
- » Tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực giúp tỉnh Lai Châu thực hiện tốt công tác giảm nghèo
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Điện Biên
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc tại tỉnh Sơn La
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng kiểm tra hoạt động của Điểm giao dịch xã Mường Sang
- » Lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội 4,8%/năm
- » Điểm tựa vững chắc cho những trẻ em nghèo ở miền đất “gạo trắng nước trong”
- » Cặp lá yêu thương: Gieo mầm tương lai tươi sáng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại Cần Thơ
- » Ngân hàng Thế giới quan tâm đến Chiến lược phát triển của NHCSXH
- » Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH