Chuyện những người “cõng” vốn đến vùng khó

04/04/2025
(VBSP News) Đối với những người làm công tác tín dụng ở NHCSXH huyện Tây Giang (Quảng Nam), khó khăn của cán bộ ngân hàng không chỉ là vượt qua địa hình hiểm trở, gập ghềnh... mà còn là việc làm sao để tuyên truyền, đưa vốn đến tận tay người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu vùng xa.
image001

Hành trình mang vốn chính sách đến với đồng bào vùng cao Tây Giang

Trong suốt quá trình đồng hành với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, các cán bộ NHCSXH huyện Tây Giang luôn theo dõi và xử lý kịp thời nợ đến hạn, thông qua các buổi họp giao ban với hội, đoàn thể tại địa phương; xem xét, kiểm tra hồ sơ để nắm tình hình, khả năng thu hồi nợ, tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức trả nợ của các hộ vay, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

Giám đốc NHCSXH huyện Vũ Định cho biết: “Hiện nay, NHCSXH huyện có 9 cán bộ. Trong đó, có 1 Tổ trưởng tín dụng và 3 cán bộ tín dụng. Để người dân tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi phân công mỗi cán bộ tín dụng phụ trách 2 đến 3 xã. Cán bộ ngân hàng có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Tổ tiết kiệm và vay vốn vận dụng nhiều hình thức để truyền tải các chương trình cho vay đến từng hộ dân; thực hiện nhanh, chính xác quy trình bình xét, xác nhận đối tượng và hỗ trợ người vay hoàn thành các thủ tục để sớm giải ngân nguồn vốn.  

image002

Cán bộ NHCSXH huyện Tây Giang kiểm tra mô hình trồng cây ba kích tím của anh Cơlâu Thái Ngọc ở thôn Pơ’ning, xã Lăng

Ông Bnướch Trinh, thôn Tr’lêê, xã Atiêng cho biết: “Đối với gia đình thuần nông như gia đình tôi thì vốn vay ưu đãi của ngân hàng là rất cần thiết nhưng lại chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất. Năm 2019, nhờ cán bộ ngân hàng động viên, tận tình hướng dẫn nên tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện để chăm sóc 4ha rừng quế và keo. Trong quá trình sử dụng vốn, cán bộ luôn kiểm tra, hướng dẫn tôi sử dụng vốn vay hiệu quả. Năm 2022, gia đình tôi bán gần 1ha keo và thu về gần 100 triệu đồng, có vốn tôi đầu tư trồng thêm 2ha keo và quế”.

Không chỉ ông Trinh, những năm qua, hàng nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn huyện đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH huyện để phát triển các mô hình như: trồng rừng (thông, keo, quế…), chăn nuôi (trâu, bò, lợn,…) và trồng cây ăn quả (quýt, bưởi,…). 

image003

Cán bộ NHCSXH huyện Tây Giang giải ngân vốn chính sách cho đồng bào ngay tại Điểm giao dịch xã

Đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đạt hơn 286 tỷ đồng, với 4.318 hộ vay vốn. 2 tháng đầu năm 2025, đơn vị đã giải ngân hơn 13,8 tỷ đồng, thu nợ hơn 8 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách giúp người dân có điều kiện phát triển sản xuất, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 50,6% năm 2023 xuống còn 43,5% cuối năm 2024. 

Giai đoạn 2020 - 2025, tập thể NHCSXH huyện Tây Giang luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở lên, đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến. Đặc biệt, năm 2023, được Thống đốc NHNN tặng Bằng khen và nhiều năm liền được Tổng Giám đốc NHCSXH tặng giấy khen. Từ năm 2020 đến nay, đơn vị luôn được chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Nam xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đạt được thành tích xuất sắc đó, NHCSXH huyện luôn lấy thi đua làm công cụ điều hành xuyên xuốt trong mọi hoạt động của mình, lấy thi đua làm động lực lan tỏa trong từng cán bộ, giúp cán bộ hăng say với công việc, đồng thời mỗi cán bộ đều xác định thi đua nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Ông Arất Blúi - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện cho biết: Tây Giang là huyện nghèo của tỉnh với 10 xã đặc biệt khó khăn. Khác với các huyện khác, hạ tầng giao thông của các xã vùng cao nơi đây còn nhiều thiếu thốn, đường sá đi lại rất khó khăn. Mặc dù lực lượng cán bộ tín dụng mỏng nhưng xuất phát từ cái tâm với nghề, thấu hiểu và chia sẻ khó khăn cùng đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, các cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Tây Giang vẫn quyết tâm bám địa bản, vượt qua những cung đường khó đưa nguồn vốn ưu đãi về thôn, bản để góp phần giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Những bước chân ấy vẫn miệt mài tiếp tục hành trình “cõng vốn” đến từng thôn, bản xa xôi giúp người nghèo xua đi nghèo đói, lạc hậu… Tin tưởng rằng, mỗi mùa xuân sang, sẽ có thêm hàng nghìn người dân được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài và ảnh Hữu Tiến

Các tin bài khác