Bài cuối: Kim chỉ nam cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội
Chủ trương đúng đắn, nhân văn
Ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW, Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã ban hành văn bản triển khai Chỉ thị này trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; trong đó giao nhiệm vụ, phân công cụ thể trách nhiệm của thủ trưởng các Sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chính quyền các cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội.
Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên Cao Thị Hòa An, từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nội dung Chỉ thị này.
Toàn hệ thống chính trị tỉnh đều nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Các cấp ủy, chính quyền xác định rõ nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm cũng như trong thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Từ đó tập trung huy động nhiều nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh…
“Có thể khẳng định rằng Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư là một chủ trương đúng đắn, nhân văn của Đảng, Nhà nước ta, là sự quan tâm đối với các đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách trong xã hội, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; đồng thời nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cao Thị Hòa An khẳng định.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ban đại diện HĐQT các cấp, chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên đã phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác tham mưu, phối hợp tốt với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác triển khai có hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 110/110 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giúp hơn 40.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động (gần 100 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); tạo điều kiện cho 16.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 177.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hơn 1.000 căn nhà ở cho hộ nghèo, hơn 34.000 hộ gia đình tại vùng khó khăn vay vốn SXKD, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống từng bước vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng 798 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ…
Gắn thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Định hướng, nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trong bối cảnh mới” diễn ra vào đầu tháng 7/2024, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: “Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển; lấy con người làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, thực tế cho thấy công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị này của một số cấp ủy chưa sâu sát, quyết liệt. Nguồn vốn cho vay một số chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn, như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP; chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; người thu nhập thấp, hộ có mức sống trung bình chưa có cơ chế chính sách để cho vay phát triển sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của một bộ phận người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS trên địa bàn. Trình độ nhận thức, tập quán sản xuất của người nghèo và các đối tượng chính sách, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế; quy mô trồng trọt, chăn nuôi còn nhỏ lẻ, chủ yếu dựa vào thói quen… dẫn đến chi phí sản xuất cao, lợi nhuận thấp, hiệu quả sử dụng vốn thấp, tiềm ẩn rủi ro. Công tác phối hợp giữa các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội với hoạt động tín dụng chính sách xã hội chưa thật sự gắn kết nên còn một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững.
Để tín dụng chính sách xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Cao Thị Hòa An cho biết: Thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư; các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, gắn với việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội trong quá trình triển khai thực hiện. Chi nhánh NHCSXH tỉnh Phú Yên cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động và chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ; chủ động huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn; phát triển các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ, tiện ích đối với khách hàng.
Bài và ảnh Lê Hảo
Các tin bài khác
- » Hiệu quả tín dụng chính sách nhìn từ Ninh Thuận
- » Bình Sơn thực hiện hiệu quả nguồn vốn chính sách
- » Tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực giảm nghèo
- » Quảng Bình thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW
- » Người dân cao nguyên Gia Lai đổi đời nhờ tín dụng chính sách
- » 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tỉnh Hòa Bình có trên 125 nghìn hộ vượt ngưỡng nghèo
- » Tín dụng chính sách - “Trụ cột” giảm nghèo bền vững
- » Sơn La tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội
- » Hậu Giang: Tín dụng chính sách góp phần giảm hộ nghèo còn 3,29%
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở Hậu Giang