Cho vay HSSV, một giải pháp tạo nguồn lực cho đất nước

27/12/2012
(VBSP) Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng dành cho HSSV, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã giúp 47.000 hộ gia đình được vay vốn đầu tư cho con em đi học, góp phần thực hiện chủ trương không để một HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính.
Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng dành cho HSSV, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã giúp 47.000 hộ gia đình được vay vốn đầu tư cho con em đi học, góp phần

Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng dành cho HSSV, NHCSXH tỉnh Quảng Nam đã giúp 47.000 hộ gia đình được vay vốn đầu tư cho con em đi học, góp phần

 

Thành công từ chương trình lớn

Quế Phú là một trong những xã có dân số khá đông của huyện Quế Sơn (Quảng Nam) với 2.771 hộ (10.284 khẩu), trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,82% (466 hộ), hộ cận nghèo 18,95% (525 hộ). Cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, phong trào học tập của con em địa phương luôn được người dân quan tâm, số học sinh thi đỗ vào đại học, cao đẳng năm sau luôn cao hơn năm trước.

Có thể khẳng định, Quyết định 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp con em hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về tài chính ở Quế Phú được học hành đầy đủ, có cơ hội tìm việc làm ổn định, từ đó tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đây cũng được coi là biện pháp thoát nghèo bền vững, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay Chương trình tín dụng HSSV trên địa bàn xã Quế Phú là 6.565 triệu đồng, với 370 hộ vay vốn cho 422 HSSV theo học tại các trường từ học nghề đến đại học trên toàn quốc.

Câu chuyện của Lê Thị Mỹ Oanh ở thôn Nam Cát, xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành khiến nhiều người xúc động bởi tinh thần vượt khó, ham học. Khi sinh ra Oanh cũng giống bạn bè cùng trang lứa, có một gia đình bình yên, hạnh phúc. Nhưng nỗi đau bất ngờ ập đến. Bố bị tai nạn qua đời, gánh nặng gia đình đè lên đôi vai của mẹ và ba chị em Oanh. Kể từ đó, mẹ con Oanh sống nhờ vào gánh hàng rau của mẹ. Ngoài giờ học, Oanh lại tranh thủ giúp mẹ việc gia đình. Tần tảo hết năm này qua năm khác, mẹ Oanh cũng nuôi được các con khôn lớn. Càng trong gian khó, Oanh càng cố gắng học tập và đến năm 2008, em thi đỗ đại học. “Tôi vui mừng rơi nước mắt nhưng cũng không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nhà nghèo như vậy mẹ lấy đâu ra tiền lo cho tôi nhập học và nuôi các em”, Oanh kể lại. Nhưng thật may mắn, thông qua các buổi sinh hoạt của Hội PN, mẹ Oanh biết đến Quyết định 157 về việc cho HSSV nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi để tiếp tục việc học tập. “Mừng như bắt được vàng”, mẹ con Oanh đã tìm gặp lãnh đạo Hội PN xã, xin được hướng dẫn làm thủ tục để vay vốn. Nhờ đó, gia đình Oanh đã bớt phần nào khó khăn. Rồi em gái thứ hai của Oanh cũng thi đỗ vào Trường Đại học Nông - Lâm Huế. Để lo cho các con đủ tiền ăn học, ngoài gánh hàng rau ở chợ, mẹ Oanh còn mở quán bán đồ ăn để có thêm thu nhập lo cho các con. Oanh cho biết: “Tính đến nay, gia đình tôi đã vay NHCSXH tổng cộng hơn 30 triệu đồng. Số tiền này giúp mẹ tôi nuôi 3 con ăn học đến nơi, đến chốn. Năm nay, tôi đã tốt nghiệp và xin được việc làm để đỡ đần thêm cho mẹ, phụ mẹ lo cho em gái út và trả nợ ngân hàng. Dù nghèo nhưng hạnh phúc đã mỉm cười với mẹ con tôi. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ người nghèo kịp thời, trong đó có chính sách cho HSSV nghèo vay vốn đi học với lãi suất thấp. Đây thực sự là chỗ dựa cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp bước đến trường, xây dựng tương lai”.

Gia đình bà Võ Thị Thanh Lân ở khối phố 4, phường An Mỹ, TP. Tam Kỳ thuộc diện hộ cận nghèo. Vợ chồng bà không có việc làm ổn định. Chồng làm bảo vệ tại một trường mẫu giáo, bà Lân đi thu mua phế liệu, thu nhập không ổn định. Gia đình bà có 4 đứa con nên kinh tế vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.

Nhờ được vay vốn ưu đãi từ Chương trình tín dụng HSSV mà các con bà đều được đến trường. Trong đó, Trần Vũ Thanh Hồng, sinh năm 1983, học trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh; Trần Vũ Thanh Vân, sinh năm 1985, học trường Cao đẳng Tài chính Quảng Ngãi, sau đó liên thông đại học và đậu vào trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; Trần Vũ Phước Lĩnh, sinh năm 1991, đang học Đại học Công nghiệp; Trần Vũ Thanh Hà, sinh năm 1994 , đang học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh.

Bà Lân cho biết, đến nay, gia đình bà đã vay gần 40 triệu đồng từ NHCSXH để các con thực hiện được ước mơ của mình. Bà đăng ký nộp lãi trong thời gian các con đang học. Hàng tháng, bà Lân lên kế hoạch tích góp và nộp tiền lãi để sau này khi các con ra trường, việc trả nợ sẽ bớt khó khăn hơn.

Đẩy mạnh xã hội hoá

Sau 5 năm triển khai Quyết định 157, Hội PN tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với NHCSXH tập trung tuyên truyền vận động chị em tham gia Tổ TK&VV ở các xã, thôn, bản của tỉnh. Tính đến nay, dư nợ Chương trình tín dụng HSSV của hội đã đạt trên 381.905 triệu đồng, với trên 20.770 hộ vay. Hội PN tỉnh đã phân công các đoàn theo dõi, kiểm tra các huyện, thành phố theo cụm. Hàng năm, phối hợp với NHCSXH tiến hành kiểm tra, giám sát 18 huyện/thành phố về đối tượng vay vốn HSSV. 15% số xã/phường/thị trấn, 10% số Tổ TK&VV.

Hội PN tỉnh chỉ đạo tất cả các huyện/thành cùng phối kết hợp với NHCSXH kiểm tra giám sát 100% các xã/phường/thị trấn, 100% Tổ TK&VV; đối chiếu việc cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn đúng mục đích nhằm kịp thời nắm bắt, khắc phục những sai sót để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Một số địa phương làm tốt công tác này như Phú Ninh, Hội An, Hiệp Đức…

Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV của NHCSXH tỉnh Quảng Nam, chương trình đã giúp hơn 47.000 hộ gia đình được vay vốn, góp phần thực hiện chủ trương không để một HSSV nào bỏ học vì khó khăn về tài chính. Doanh số cho vay đạt 971.454 triệu đồng, trong đó doanh số thu nợ 91.542 triệu đồng, tổng dư nợ 862.958 triệu đồng. Cho vay HSSV ở tỉnh Quảng Nam chủ yếu tập trung tại các huyện đồng bằng, với dư nợ 748.669 triệu đồng, chiếm 86,8%.

Về cơ cấu cho vay theo đối tượng thụ hưởng; hộ nghèo dư nợ 331.001 triệu đồng, với 17.724 hộ vay (21.186 HSSV); hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân hộ nghèo dư nợ 197.711 triệu đồng, với 11.862 hộ vay (13.808 HSSV); hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh dư nợ 384.054 triệu đồng, với 19.234 hộ vay vốn (22.397 HSSV).

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Quảng Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa các chương trình tín dụng chính sách nói chung, tín dụng HSSV nói riêng để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội giúp người nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Các cấp, các ngành, tổ chức hội, đoàn thể phải thực sự vào cuộc, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình từ khâu tạo lập nguồn vốn đến việc tổ chức thực hiện chương trình đảm bảo hiệu quả. Các trường, cơ sở đào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ TK&VV cùng có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, quản lý sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng. Không ngừng củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV. Xây dựng Tổ TK&VV thực sự là cầu nối hữu hiệu giữa Ngân hàng với người vay. Tổ trưởng Tổ TK&VV phải là người gần gũi các gia đình vay vốn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, diễn biến đời sống kinh tế - xã hội của từng hộ, từ đó có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ tổ viên trong việc vay vốn, thông báo, đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi theo đúng kế hoạch.

Duy Phong

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác