Đồng hành cùng HSSV nghèo vượt khó
Mặc dù nhà cửa đã được sửa chữa lại khang trang, sạch đẹp hơn, các con cũng đã và đang hoàn thành khoá học 4 năm đại học, có việc làm ổn định nhưng nhắc lại những ngày tháng trước đây, chị Phạm Thị Liên ở thôn Xuân Phong, xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch vẫn không thể quên được thời gian đầy khó khăn, vất vả mà gia đình đã phải trải qua. Chị Liên cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong xã, muốn đầu tư chăn nuôi, nâng cao thu nhập nhưng khổ cái là không có vốn để làm. Được sự tư vấn, hỗ trợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Xuân Phong, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn để trang trải chi phí học tập cho các cháu và lại được vay vốn hộ nghèo để đầu tư chuồng trại nuôi chim bồ câu sinh sản, gà chọi nữa”.
Hiện nay, cháu lớn đã ra trường có việc làm ổn định, còn một cháu đang học năm cuối, cuộc sống gia đình cũng đã khấm khá hơn trước nhiều lần. “Gia đình tôi hiện đang nuôi trên 100 đôi chim bồ câu sinh sản, hơn 100 con gà chọi, trung bình mỗi tháng bán được khoảng 70 đôi chim bồ câu con, giá 100 nghìn đồng/đôi; còn gà chọi thường cuối năm mới được bán, nếu gà đẹp, giá bán 10 triệu đồng/con, trung bình khoảng 2 - 3 triệu đồng/con, dự tính khi nào cháu út ra trường, gia đình tôi sẽ trả hết nợ”, chị Liên tự tin nói với chúng tôi.
Cũng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH mà hai cháu nhà chị Nguyễn Thị Thinh ở thôn Xuân Phong, xã Xuân Lôi đã học xong đại học và có công việc ổn định. Chị Thinh chia sẻ: “Nếu không có nguồn vốn vay này chắc gia đình tôi phải cho các cháu nghỉ học ngang chừng, nếu không cũng phải bán bớt diện tích đất ít ỏi của gia đình để cho các cháu tiếp tục đi học. Vì điều kiện kinh tế gia đình, vợ chồng tôi thường xuyên đi làm xa nhà, hai cháu ở nhà tự bảo nhau sinh hoạt, chăm chỉ học tập. Khi nhận được giấy báo đỗ đại học của các con, chúng tôi vừa bất ngờ, vừa vui mừng nhưng lại rất lo lắng vì chưa biết nuôi các cháu đi học bằng cách nào. Đứng trước khó khăn đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn như người bạn thân thiết với gia đình tôi, chị Tổ trưởng đã giúp tôi hoàn thiện các thủ tục vay vốn trình chính quyền xác nhận, đề nghị NHCSXH cho vay vốn để trang trải chi phí học tập hàng tháng cho các cháu”.
Có thể nới, tín dụng ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn chỉ là một trong nhiều chương trình đang được triển khai hiệu quả tại NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc. Tính đến hết tháng 6/2016, dư nợ cho vay đối với chương trình này đạt 322 tỷ đồng, với khoảng 12.900 hộ gia đình đang vay. Từ nguồn vốn vay này mà nhiều HSSV đang trong hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ phải bỏ học tiếp tục được đến trường và theo đuổi ước mơ của mình.
Nhằm tạo thêm nhiều cơ hội cho sinh viên đã tốt nghiệp có hoàn cảnh khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 09 đối với sinh viên Y khoa sau tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và tại các cơ sở đào tạo chuyên ngành y đang trong thời gian thực hành tại các cơ sở khám, chữa bệnh để được cấp chứng chỉ hành nghề sẽ được vay vốn ưu đãi tại NHCSXH nếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình gặp khó khăn về tài chính. Đây được coi là chính sách rất nhân văn, nối dài nguồn vốn tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Thanh An
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hơn 8.400 hộ mới thoát nghèo của Nghệ An được vay vốn phát triển sản xuất
- » Nối dài cánh tay cơ sở
- » Khi có đồng vốn trong tay
- » Chuyện giảm nghèo của Phường 11
- » Tiếp tục hỗ trợ vốn cho ngư dân chuyển đổi sản xuất
- » Xã Đạo Trù thoát khỏi danh sách “135”
- » Khơi thông dòng chảy vốn ưu đãi
- » Nuiphao Mining tiên phong trong thực hiện tín dụng chính sách
- » Triệu phú người Mạ ở bon B’Dơng
- » Tiếp sức thanh niên Gia Viễn lập nghiệp