Ngân hàng Chính sách xã hội - 10 năm xây dựng và phát triển

14/04/2013
(VBSP News) Vấn đề xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam đã được đặt ra từ những ngày đầu tiên của chính quyền Cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiệm vụ hàng đầu là “Diệt giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm”.

Untitled-1600

Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ V (Khóa VII) tháng 6/1993 đã khẳng định: “… phải hỗ trợ giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn, tranh thủ các nguồn tài trợ nhân đạo trong và ngoài nước, phấn đấu tăng hộ giàu đi đôi với xoá đói, giảm nghèo…”. Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng và Chiến lược quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, năm 1993, Chính phủ đã thành lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo với số vốn ban đầu là 400 tỷ đồng, do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Ngoại thương và NHNN đóng góp. Quỹ được sử dụng cho vay hộ nghèo thiếu vốn sản xuất kinh doanh với lãi suất ưu đãi, mức cho vay 500.000 đồng/hộ, người vay không phải bảo đảm tiền vay. 

Từ kinh nghiệm thực tiễn hai năm thực hiện Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo, ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 525/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo, đặt trong Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (NHNo&PTNT), hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, để cung cấp nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo. Ngân hàng Phục vụ người nghèo là một tổ chức tín dụng đặc thù, việc quản lý được giao cho các Bộ ngành liên quan còn việc điều hành tác nghiệp cụ thể được giao cho NHNo&PTNT thực hiện. Sau bảy năm hoạt động, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Phục vụ người nghèo đạt trên 7.000 tỷ đồng với gần 6 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn, đã góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống của một bộ phận người nghèo. 

Tuy nhiên, bên cạnh Ngân hàng Phục vụ người nghèo, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác còn được giao cho nhiều cơ quan Nhà nước, hội, đoàn thể và Ngân hàng Thương mại Nhà nước cùng thực hiện theo các kênh khác nhau, làm cho nguồn lực của Nhà nước bị phân tán, chồng chéo, trùng lắp, thậm chí cản trở lẫn nhau. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, yêu cầu đặt ra là phải tập trung nguồn lực do Nhà nước huy động vào một tổ chức tín dụng duy nhất, nhằm tạo nên sức mạnh có tính đột phá, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần hạn chế tệ cho vay nặng lãi ở nông thôn. Mặt khác, để tạo điều kiện cho các Ngân hàng Thương mại Nhà nước chuyển hẳn sang kinh doanh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cần thiết phải tách tín dụng chính sách ra khỏi tín dụng thương mại. 

Trên cơ sở đó, ngày 04/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng Phục vụ người nghèo, tách khỏi NHNo&PTNT Việt Nam. Thời gian hoạt động của NHCSXH là 99 năm. 

NHCSXH là một tổ chức tín dụng Nhà nước, thuộc loại hình Ngân hàng Chính sách được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng, hoạt động vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không vì mục đích lợi nhuận. NHCSXH có vốn điều lệ được cấp ban đầu là 5.000 tỷ đồng và được bổ sung đến năm 2012 là 10.000 tỷ đồng, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0%, không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, được miễn thuế và các khoản phải nộp ngân sách Nhà nước.

 Untitled-12600

Ngày 11/3/2003, NHCSXH đã chính thức khai trương đi vào hoạt động. 

NHCSXH có mạng lưới hoạt động được tổ chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, bao gồm: 

- Hội sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội; 

- Sở giao dịch, Trung tâm đào tạo, Trung tâm Công nghệ thông tin, chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh; 

- Phòng giao dịch thuộc chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh; 

Quản trị NHCSXH là HĐQT (tại các tỉnh, thành phố thành lập Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh, cấp huyện) gồm cán bộ lãnh đạo của một số cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội làm việc theo hình thức kiêm nhiệm. 

Điều hành hoạt động của NHCSXH là Tổng giám đốc. 

NHCSXH được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ với nhiệm vụ chính là cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, thực hiện việc cung cấp một số sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo quy định của Chính phủ và NHNN. 

Để tạo lập nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác, NHCSXH được nhận vốn cấp từ ngân sách Nhà nước; huy động vốn trong và ngoài nước của mọi tổ chức và tầng lớp dân cư (nhận tiền gửi có kỳ hạn, không kỳ hạn; huy động tiết kiệm trong cộng đồng người nghèo; phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; vay các tổ chức tài chính, tín dụng trong và ngoài nước, vay NHNN…); nhận các nguồn vốn đóng góp tự nguyện không lấy lãi hoặc không hoàn trả gốc của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nhận uỷ thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước. 

NHCSXH có hệ thống thanh toán nội bộ và tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng trong nước. Đồng thời, thực hiện các dịch vụ thanh toán, ngân quỹ: cung ứng các phương tiện thanh toán, thực hiện các dịch vụ thanh toán trong nước, thực hiện các dịch vụ thu hộ, chi hộ bằng tiền mặt và không bằng tiền mặt. NHCSXH được thực hiện các nghiệp vụ về ngoại hối và kinh doanh ngoại hối phù hợp với điều kiện, khả năng là yêu cầu thực tế theo quy định của NHNN Việt Nam. 

BBT

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác