
Những “người giữ lửa” trong hành trình vượt nghèo tại Lạng Sơn
Trên con đường ngoằn ngoèo rải sỏi đá từ trung tâm xã Trấn Yên, phải mất cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến được thôn Nóoc Mò. Ở vùng đất heo hút này, vợ chồng ông Đặng Văn Thiều và bà Triệu Thị Tiên, người dân tộc Dao đã biến những đồi trọc thành những cánh rừng xanh mướt. Từng là hộ nghèo, không có thu nhập ổn định, nay họ là một trong những điển hình vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách.
Bà Triệu Thị Tiên, người phụ nữ có vóc dáng nhỏ nhắn, gương mặt sạm nắng, vừa phát cỏ, vừa chia sẻ trong niềm vui xen lẫn tự hào: “Trước kia, nhà tôi không có gì ngoài sức lao động. Được NHCSXH hỗ trợ vay 120 triệu đồng, hai vợ chồng bàn nhau đầu tư trồng rừng. Giờ chúng tôi đã có hơn 8ha keo, bạch đàn và quế. Rừng keo hơn 6 năm tuổi sắp tới thu hoạch dự kiến cho thu về hơn 300 triệu đồng”.
Không chỉ thoát nghèo, bà Tiên còn góp phần truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ trong thôn, mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn vay, học hỏi mô hình làm ăn mới và dần khẳng định vai trò của mình trong phát triển kinh tế gia đình.
Sau hơn 10 năm là hộ nghèo, từ sự nỗ lực của gia đình cùng với sự giúp đỡ của chính quyền xã và các cấp hội phụ nữ, đến năm 2024, gia đình chị Bế Thị Hạnh, thôn Áng Mò, xã Tân Tiến, huyện Tràng Định đã chính thức thoát nghèo.
Nhớ lại những năm tháng vất vả, khó khăn, chị Hạnh không giấu được xúc động: “Chồng tôi bị tai nạn mất sức lao động nên từ năm 2016 tôi là lao động chính. Thu nhập của gia đình chủ yếu trông vào hơn 1ha thạch đen. Từ năm 2017 tôi trồng thêm gần 2.000 cây quế. Do thiếu vốn, kinh nghiệm chăm sóc, nên mô hình không hiệu quả. Đến năm 2020, tôi được Hội LHPN xã đứng ra nhận ủy thác cho tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH, tôi đã đầu tư mở rộng số lượng cây quế, thạch, đầu tư kỹ thuật chăm bón. Đến nay, gia đình có gần 6.000 cây quế, hơn 3ha thạch. Từ năm 2023 đến nay, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ quế và thạch đen được trên 100 triệu đồng, nhờ đó kinh tế ổn định hơn, đến năm nay đã thoát nghèo”.
Năm 2020, được cán bộ Hội LHPN xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định tuyên truyền, hướng dẫn, vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư trồng 1ha cây ăn quả, chị Nguyễn Thu Hiền, thôn Bản Nằm cho biết, chị đã đầu tư trồng 1ha cây ăn quả. Sau khi vay vốn, chị Hiền còn được tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do xã phối hợp tổ chức, đồng thời tự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc cây. Nhờ đó, diện tích cây ăn quả của gia đình phát triển tốt. Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình chị Hiền thu được 5 - 6 tấn quả, thu nhập trên 100 triệu đồng.
Được sự “tiếp sức” của đồng vốn chính sách, được sự đồng hành của Hội LHPN các cấp, những người phụ nữ nghèo khó ấy đã đã chăm chỉ, nỗ lực vươn lên, thay đổi cuộc sống cho chính bản thân và gia đình.
Bài và ảnh Phương Anh
Các tin bài khác
- » Học Bác nêu cao tinh thần trách nhiệm
- » Đại hội các Chi bộ Đảng nhiệm kỳ 2025 - 2027 diễn ra thành công tốt đẹp
- » Đòn bẩy tín dụng giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Yên Bái thoát nghèo
- » Khánh thành nhà rông làng Kon Leang
- » Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- » Giải pháp phát huy vai trò của tín dụng chính sách xã hội, góp phần đưa Hà Tĩnh hoàn thành thí điểm xây dựng tỉnh nông thôn mới
- » Dẫn vốn chính sách kịp thời về xã vùng 3
- » Chuyện thoát nghèo, tự lực vươn lên ở Vĩnh Sơn
- » “Phao cứu sinh” của hộ nghèo
- » 50 năm thống nhất đất nước: Tự hào và trách nhiệm