Nâng cao hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn TP Hà Nội

11/06/2024
(VBSP News) Hội đồng khoa học NHCSXH vừa tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp chi nhánh “Giải pháp nâng cao hiệu quả chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP Hà Nội” do bà Đỗ Khánh Linh - Phó Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng, chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội làm Chủ nhiệm. Tham dự buổi nghiệm thu có Phó Tổng Giám đốc - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài Nguyễn Đức Hải cùng các Ủy viên Hội đồng nghiệm thu và đại diện các Ban CMNV tại Hội sở chính, Trung tâm Đào tạo.
502A0591a

Quang cảnh buổi nghiệm thu

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được kỳ vọng góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp, nâng cao chất lượng sống cho nông dân và người dân nông thôn. Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội luôn song hành với cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thông qua việc triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó nòng cốt là chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đã trở thành công cụ quan trọng, là đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống, phát triển toàn diện kinh tế xã hội tại khu vực nông thôn.
Điều này là tất yếu trước bối cảnh đối tượng cho vay của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ngày càng thu hẹp, tương ứng với tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến 31/12/2023, dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại chi nhánh đạt 11.024 tỷ đồng với gần 208 nghìn khách hàng, chiếm 77,8% tổng dư nợ các chương trình cho vay. Thông qua chương trình, hàng nghìn người lao động được giải quyết việc làm mỗi năm, tạo nguồn thu nhập cho bản thân và gia đình, giảm tỷ lệ thất nghiệp và các nguy cơ, vấn nạn từ thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn của TP Hà Nội. Đối với các địa phương đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình cho vay càng có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nguồn lực tín dụng, thúc đẩy địa phương sớm đạt các tiêu chí về đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong phạm vi giới hạn giai đoạn 2020 - 2023, nhóm nghiên cứu đề tài đã tập trung phân tích, đánh giá kết quả cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại 18 huyện, thị xã thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. TP Hà Nội đã tập trung huy động các nguồn lực, bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách thành phố để dành riêng cho chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn. Đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đạt trên 8.002 tỷ đồng, tăng hơn hơn 4.200 tỷ đồng so với năm 2020; doanh số cho vay đạt hơn 3.098 tỷ dồng, với hơn 58.300 lượt khách hàng vay vốn. Nguồn vốn cho vay của chương trình đã giải quyết công ăn việc làm cho 64.205 lao động, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại 18 huyện, thị xã giảm từ 0,37% năm 2020 xuống còn 0,06% năm 2023.
Chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được lồng ghép với các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao KHKT, gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ của từng địa phương. Không chỉ có vậy, thông qua hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, người vay vốn có những buổi sinh hoạt trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, tạo sự kết nối, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ…

502A0612a

Hội đồng nghiệm thu và các đại biểu chúc mừng nhóm nghiên cứu

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai cho vay cũng phát sinh một số khó khăn: nguồn lực hỗ trợ cho vay giải quyết việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các địa phương, nhất là các khu vực miền núi, các huyện ngoại thành; mức cho vay bình quân cho người lao động còn thấp, chưa đáp ứng đủ quy mô đầu tư; đối tượng cho vay tập trung hầu hết là cho vay người lao động, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp, ứng dụng cơ giới hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế; các làng nghề, sản phẩm OCOP đã được quan tâm nhưng chưa được đầu tư để phát triển sản xuất theo quy mô lớn, hiện đại…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, nhóm nghiên cứu đã đề xuất 5 nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, mở rộng chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian tới. Với xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn toàn diện, theo hướng hiện đại, nguồn vốn cho vay từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của chi nhánh sẽ trở thành công cụ đắc lực, chung tay giúp sức cho các địa phương trong xây dựng nông thôn mới.
Ghi nhận và biểu dương những nội dung trong đề tài đã được nhóm nghiên cứu trình bày, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hải - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả nghiên cứu của đề tài, những nỗ lực, cố gắng và tâm huyết của Nhóm nghiên cứu. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản biện, góp ý, nhận xét để đưa kết quả đề tài ứng dụng vào thực tiễn. Bằng việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tại chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng phát huy hiệu quả, tác động, ảnh hưởng tích cực đến kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Chi nhánh sẽ tiếp tục nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của Thành ủy, UBND Thành phố trong việc chuyển bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để đáp ứng được ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của các đối tượng thụ hưởng trong thời gian tới.
Đề tài đã đạt được Hội đồng Khoa học NHCSXH chấm điểm và đánh giá xếp loại Giỏi.

PV

Các tin bài khác