Tín dụng chính sách sát cánh cùng người dân

11/06/2024
(VBSP News) Tại tỉnh Bến Tre, các Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng, mà còn hỗ trợ bà con trao đổi kinh nghiệm sản xuất, sử dụng vốn vay hiệu quả và thực hành tiết kiệm.
ben-tre-060624-1

Người dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre giao dịch trực tiếp với NHCSXH tại Điểm giao dịch xã

Trong hơn một thập kỷ qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và sự đồng lòng của hệ thống chính trị cũng như người dân, diện mạo nông thôn và cuộc sống nông dân tỉnh Bến Tre đã có những chuyển biến đáng kể.  Đặc biệt, sự đóng góp của chi nhánh  NHCSXH tỉnh Bến Tre đã giúp hàng nghìn người dân thoát nghèo và nâng cao đời sống bền vững. Kết quả này là minh chứng rõ ràng cho việc thực hiện thành công Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Hiện tại, toàn tỉnh Bến Tre có 157 Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn. Đây là một sáng kiến đột phá của NHCSXH nhằm cải cách thủ tục hành chính, giúp người dân tiếp cận dễ dàng với các nguồn vốn chính sách.
Giám đốc NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc Huỳnh Hiếu Trung cho biết: Huyện có 01 Điểm giao dịch trung tâm và 13 Điểm giao dịch xã. Tại các điểm này, mọi thông tin về chính sách, chương trình tín dụng và quy trình, thủ tục của ngân hàng được niêm yết công khai để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân cùng giám sát. Các Điểm giao dịch xã còn giúp cải cách nhiều thủ tục hành chính, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chương trình tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng khác, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Các Điểm giao dịch xã được bố trí phiên giao dịch vào ngày cố định hàng tháng, kể cả cuối tuần và ngày lễ. Tại đây, người dân có thể nhận vốn vay, trả nợ, đóng lãi và gửi tiền tiết kiệm một cách thuận tiện.  
Chủ tịch UBND xã Tân Thành Bình Nguyễn Văn Hữu nhấn mạnh: Các buổi giao dịch này luôn diễn ra an toàn nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các hội đoàn thể và lực lượng an ninh xã. Nhờ đó, các vấn đề tồn đọng, sai sót trong quá trình vay vốn và giải ngân đều được giải quyết kịp thời.
Tính đến hết tháng 5/2024, tỉnh Bến Tre có 2.887 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn không chỉ là “cánh tay nối dài” của NHCSXH, giúp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng, mà còn hỗ trợ bà con trao đổi kinh nghiệm sản xuất, sử dụng vốn vay hiệu quả và thực hành tiết kiệm. Bà Đoàn Thị Phượng - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Tân Hòa Trong chia sẻ rằng: Các đối tượng chính sách phải là những hộ gia đình chí thú làm ăn mới được xét vay vốn. Quá trình này diễn ra công khai, minh bạch và dân chủ với sự tham gia của cán bộ hội đoàn thể cấp xã và Trưởng ấp.
Ngoài việc hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống, các Tổ tiết kiệm và vay vốn còn thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay của các hộ, đôn đốc họ tuân thủ quy ước tổ chức, trả nợ và lãi đúng hạn. Hơn nữa, các tổ cũng khuyến khích các hộ tiết kiệm chi tiêu và tham gia gửi tiết kiệm qua tổ cố định hàng tháng, giúp tạo nguồn vốn tích lũy cho gia đình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Thị Bé Mười cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh. Điều này giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận dễ dàng và kịp thời với nguồn vốn tín dụng chính sách, nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, Bến Tre đã có 102 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong tương lai, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung rà soát, đề xuất sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến tín dụng chính sách xã hội, nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tín dụng. Đồng thời, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Mục tiêu đến năm 2030, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương sẽ chiếm 15% tổng nguồn vốn.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo giao dịch an toàn, hiệu quả và ứng dụng công nghệ thông tin. Các cấp, ngành sẽ phối hợp rà soát, xử lý nợ quá hạn, duy trì và nâng cao chất lượng giao dịch tại các Điểm giao dịch xã, góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 2014 - 2024, tín dụng chính sách xã hội đã cho vay 339.564 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách với số tiền 9.356,5 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 11,58% (2011 - 2015) xuống còn 2,63% (2021 - 2023), và dự kiến cuối năm 2024 sẽ còn 2,25%. Điều này cho thấy sự thành công và tầm quan trọng của tín dụng chính sách trong việc cải thiện đời sống và phát triển nông thôn tại tỉnh Bến Tre.

Đức Dũng/TTXVN

Các tin bài khác