- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tín dụng chính sách thay đổi diện mạo huyện cửa ngõ Cù lao Minh

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 26/07/2022 @ 6:21 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

ben tre1 [4]

Người dân huyện Mỏ Cày Bắc nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Thuộc diện hộ nghèo nhưng chí thú làm ăn, anh Phan Văn Trường ở ấp Ông Cốm, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc được chính quyền địa phương xem xét và tạo điều kiện cho vay 40 triệu đồng để chăn nuôi dê năm 2016. Sau khi nhận vốn giải ngân, gia đình anh tiếp tục được cán bộ tín dụng ngân hàng phối hợp với Hội Nông dân xã quan tâm hướng dẫn, nhờ vậy mô hình chăn nuôi dê phát triển thuận lợi. Đến năm 2019, anh Trường quyết định vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để mở rộng quy mô đàn dê.
Anh Trường cho biết: Trước đây, gia đình thuộc diện hộ nghèo, khó khăn của địa phương. Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, có lẽ gia đình không dám mạnh dạn đầu tư chuồng trại, con giống để phát triển chăn nuôi. Từ một vài con dê ban đầu, đến nay, chuồng dê kiên cố của anh luôn ổn định khoảng 10 con để tái đàn liên tục, tạo thu nhập ổn định cho gia đình vươn lên thoát nghèo vào năm 2021.
Cũng như gia đình anh Trường, trước đây, mọi thu nhập của gia đình bà Phạm Thị Tám (sinh năm 1956) ở xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc đều phụ thuộc vào công việc thuê mướn “nay có mai không” của hai mẹ con. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, bà đã có điều kiện chuyển đổi mảnh đất vườn tạp phía sau nhà để sản xuất cây giống. “Trúng mùa, trúng giá”, cuộc sống bà Tám vươn lên thoát nghèo vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 và xây dựng ngôi nhà khang trang.
Nhìn ngôi nhà còn thơm mùi vữa của bà Tám, ai ai cũng phải vui mừng vì từ nay gia đình bà sẽ có cuộc sống ổn định và đầy đủ hơn. Bà Tám chia sẻ: Bản thân cảm thấy mừng và cảm ơn chính quyền địa phương đã luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để gia đình được tiếp cận và vay vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống, “hiện thực hóa giấc mơ” vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Giám đốc NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc Huỳnh Hiếu Trung cho biết: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua, NHCSXH huyện đã phối hợp với UBND các xã, phường làm tốt việc điều tra, rà soát, xác định các đối tượng vay vốn để hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được thụ hưởng kịp thời nguồn vốn ưu đãi.
Ngoài ra, đơn vị còn chỉ đạo, quản lý đối với các Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc quy định về việc bình xét công khai khi vay vốn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, góp phần hỗ trợ các hộ dân trên địa bàn vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu, đến nay NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc đã và đang triển khai hơn 11 chương trình tín dụng ưu đãi, tổng dư nợ đạt 339 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm, với gần 12 nghìn hộ vay vốn. Dư nợ tập trung chủ yếu vào các chương trình tín dụng lớn, như: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm, NS&VSMTNT…

ben tre2 [5]

Từ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc phát triển chăn nuôi dê mang lại hiệu quả kinh tế

Thời gian qua, vốn tín dụng chính sách được triển khai đến 100% ấp, tổ nhân dân tự quản trong toàn huyện. Người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước góp phần ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở nông thôn; làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, thay đổi cơ bản nhận thức cho không, sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mặt khác, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã có ý thức tiết kiệm, dành dụm để tạo lập nguồn vốn tự có và tích lũy cho tương lai.
Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Trần Thị Sol cho rằng: Vốn tín dụng chính sách đã góp phần kéo giảm gần 10% tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong 12 năm (từ 12,57% năm 2010 xuống còn 2,66% năm 2022). Theo đó, đã giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động động; xây gần 15 nghìn công trình vệ sinh nước sạch, hỗ trợ cho hơn 2.000 HSSV có điều kiện tiếp tục đến trường và trên 9.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, tạo tiền đề bền vững cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần tạo đột phá để xây dựng thành công huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Đồng thời, đề nghị UBND huyện cần thực hiện tốt các chủ trương xã hội hoá nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, để tạo lập thêm nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi khác, phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống, góp phần vào chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chỉ đạo các ngành liên quan, xây dựng phương án, tập trung các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước trên địa bàn vào một đầu mối là NHCSXH. Ủy ban MTTQ huyện và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến tầng lớp nhân dân. Phối hợp với NHCSXH và UBND các cấp nâng cao chất lượng tín dụng, đôn đốc thu hồi hiệu quả đối với các hộ vay chây ỳ không trả, thực hiện bình xét cho vay đúng đối tượng, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, hộ vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Có thể nói, việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện cửa ngõ khu vực Cù lao Minh đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách khác mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, mục tiêu đến năm 2030, NHCSXH huyện Mỏ Cày Bắc sẽ phấn đấu đảm bảo 100% đối tượng chính sách xã hội đủ điều kiện có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả theo mục tiêu các chương trình tín dụng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng vốn tín dụng bình quân ít nhất 10%/năm; phấn đấu đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 10%/tổng nguồn vốn; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội với Đề án thí điểm và đảm bảo an sinh xã hội tỉnh, huyện giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đa chiều bền vững, về việc làm, về nông thôn mới và về an sinh xã hội của huyện.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-thay-doi-dien-mao-huyen-cua-ngo-cu-lao-minh.html

URLs in this post:

[1] Để hộ nghèo tiếp cận được với nguồn vốn chính sách: https://vbsp.org.vn/de-ho-ngheo-tiep-can-duoc-voi-nguon-von-chinh-sach.html

[2] Bến Tre cho vay vốn phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch: https://vbsp.org.vn/ben-tre-cho-vay-von-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-sau-dai-dich.html

[3] Đồng hành cùng người dân Bến Tre: https://vbsp.org.vn/dong-hanh-cung-nguoi-dan-ben-tre.html

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2022/07/ben-tre1.jpg

[5] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2022/07/ben-tre2.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.