- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Giảm nghèo bền vững: Trao cần câu hơn trao con cá (Bài 2: Vốn thôi chưa đủ)

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 09/04/2021 @ 8:52 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

hue2 [4]

Nguồn vốn vay giải quyết việc làm vẫn khá hạn chế

Giám đốc NHCSXH TX Hương Trà Trương Công Huy cho biết: Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đến nay vẫn còn khá hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Không phải hộ nào có nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm đều có thể vay được ngay, vì nguồn vốn cho vay thường rất hạn chế; trong khi số hộ có nhu cầu vay vốn lại đông. Không riêng nguồn vốn vay của chương trình giải quyết việc làm, một số chương trình vay vốn như cho vay hộ mới thoát nghèo… vẫn chưa thật sự đảm bảo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: Vốn tín dụng chính sách đã và đang hỗ trợ đắc lực cho công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, nguồn vốn phục vụ SXKD sau khi thoát nghèo hay vốn vay giải quyết việc làm chưa đủ để các hộ đầu tư phát triển sản xuất. Nguồn vốn cho vay cũng chưa đủ lớn để các hộ có thể đầu tư phát triển một cách hiệu quả nhất. Để giải quyết một phần vốn cho những chương trình cho vay, các địa phương thực hiện ủy thác một phần nguồn vốn từ ngân sách chuyển sang NHCSXH vay vốn đã giải quyết phần nào nhu cầu vốn vay.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Văn Đức Thọ thông tin: Từ năm 2016 đến nay, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương cấp tỉnh đến cấp huyện chuyển sang NHCSXH tỉnh không ngừng tăng lên. Trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn ủy thác địa phương chỉ thực hiện tại UBND cấp tỉnh và 2 đơn vị cấp huyện (TP Huế và huyện Phong Điền) trích ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến nay, 100% UBND cấp huyện trên địa bàn toàn tỉnh đã trích ngân sách địa phương hàng năm chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay nhằm thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới theo chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được HĐND và UBND đề ra hàng năm.
Nếu đầu năm 2016, nguồn vốn ủy thác địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay là 35,5 tỷ đồng, đến nay, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 114,6 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn ủy thác cấp tỉnh là 78,8 tỷ đồng. Mức cho vay bình quân/hộ được nâng từ 19,7 triệu đồng/hộ (năm 2016) lên 32,6 triệu đồng/hộ, góp phần thay đổi đáng kể đời sống của hộ nghèo và người lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua hoạt động tín dụng chính sách giai đoạn 2016 - 2020 đã tạo điều kiện cho gần 92 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được vay vốn; gần 9 nghìn lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; duy trì và mở rộng giải quyết cho 193 lao động vay vốn để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; tạo điều kiện cho 3.420 HSSV vay vốn để trang trải chi phí học tập; giải quyết cho 2.022 hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để xây dựng nhà ở…
Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc sử dụng vốn vay, những năm qua, các chương trình tín dụng bước đầu đã lồng ghép với công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến  ngư và chuyển giao KHKT tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho hộ nghèo. NHCSXH tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh xây dựng các điểm trình diễn và chuyển giao kỹ thuật thâm canh, luân canh, xen canh, ứng dụng giống mới cho nông dân.
Mức sống của người nghèo, nhất là người nghèo đồng bào DTTS, người cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn còn thấp; hộ mới thoát nghèo còn đối mặt với nhiều rủi ro trong cuộc sống, nhất là sau mỗi đợt thiên tai, dịch bệnh. Coi công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị gắn với phát triển kinh - tế xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình giảm nghèo; phổ biến các mô hình, cách làm hay, sáng tạo, có hiệu quả về giảm nghèo; giáo dục làm thay đổi nhận thức cho hộ nghèo, vận động người nghèo, hộ nghèo chủ động phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Ưu tiên nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu nhất là vùng cao, vùng khó khăn, tăng cường thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nghiên cứu, ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn có như thế mới giảm nghèo nhanh và bền vững.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/giam-ngheo-ben-vung-trao-can-cau-hon-trao-con-ca-bai-2-von-thoi-chua-du.html

URLs in this post:

[1] Giảm nghèo bền vững: Trao cần câu hơn trao con cá (Bài 1: Câu chuyện từ nhận thức): https://vbsp.org.vn/giam-ngheo-ben-vung-trao-can-cau-hon-trao-con-ca-bai-1-cau-chuyen-tu-nhan-thuc.html

[2] Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững trên đất cố đô: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-gop-phan-giam-ngheo-ben-vung-tren-dat-co-do.html

[3] Sức sống mới của nông dân Nam Đông: https://vbsp.org.vn/suc-song-moi-cua-nong-dan-nam-dong.html

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2021/04/hue2.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.