- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tự hào thành phố mang tên Bác Hồ

Posted By On 30/04/2014 @ 1:15 chiều In Tin nổi bật | No Comments

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại [4]

Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng khang trang, văn minh, hiện đại

Ði trước, về đích trước

Giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ xác định hộ nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 4,8 đến 6 triệu đồng/người/năm trở xuống. Với thu nhập bình quân đầu người 2.350 USD/người/năm, thành phố Hồ Chí Minh xác định tiêu chí hộ nghèo (theo đặc thù riêng) là có thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm.

Xác định muốn xóa nghèo bền vững cần phải cho người nghèo “chiếc cần câu”, ba năm qua, thành phố đã chi tổng nguồn vốn cho Chương trình giảm nghèo - tăng hộ khá hơn 3.649 tỷ đồng, trong đó, số tiền chi hỗ trợ không hoàn lại chỉ có 186,8 tỷ đồng, còn lại là cho vay ưu đãi để người nghèo mua bán nhỏ, sản xuất nhỏ, chăn nuôi phát triển sinh kế bền vững. Ông Lê Văn Thế (Ba Thế) ở xã Long Thới, huyện Nhà Bè cho biết: “Gia đình tôi thiếu đất, neo đơn… cho nên cái nghèo cứ bám dai dẳng. May nhờ có Quỹ xóa đói giảm nghèo đến tận xã, thủ tục vay đơn giản cho nên vợ chồng tôi đã có vốn mở được tiệm tạp hóa. Vì trả nợ đúng hạn, cứ mỗi năm, Quỹ đều cho gia đình tôi vay tiếp. Cuối năm 2013, tôi trả sổ hộ nghèo cho xã rồi”.

Không chỉ cho mượn “chiếc cần câu”, nhiều chính sách còn hướng đến việc “hướng dẫn cách câu cá” cho lao động nghèo. Ðó là các chương trình giải quyết việc làm (16.000 người/năm), đào tạo nghề miễn phí (3.000 người/năm), hỗ trợ cho người bị thu hồi đất (4.000 người/năm)… đã triển khai linh hoạt với nhiều đối tượng nghèo.

Ðể người nghèo yên tâm lao động kiếm sống, thành phố còn triển khai chính sách hỗ trợ mua, tặng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí; các gia đình nghèo có con đi học không những được miễn, giảm học phí (90.000 học sinh được miễn học phí hoặc cha mẹ học sinh được vay vốn/năm) mà còn nhận thường xuyên các loại học bổng, sách vở mới mỗi mùa khai giảng.

Em Nguyễn Phương Tường Quyên (17 tuổi, trú tại phường 14, quận 6) cho biết: “Hằng năm, em được nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai để đóng tiền trường, ba em thì được tặng xe gắn máy để chạy xe ôm, cũng nhờ vay vốn má em mở được quầy rau cải trong xóm. Do nhà em là hộ nghèo cho nên mỗi khi đau bệnh, chiếc thẻ BHYT được tặng trở nên quý giá lắm. Bây giờ thì nhà em đã thoát nghèo, gia đình em biết ơn các ngành, các cấp nhiều lắm. Sắp tới, nếu thi đậu đại học, em còn được vay 14 triệu đồng/năm để phục vụ học tập”.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Từ các chính sách lớn của thành phố về vốn, nhiều hành động thiết thực giúp người nghèo thoát nghèo bền vững hơn đã được các sở, ban, ngành hưởng ứng tích cực. Có thể nhận thấy, thành phố là nơi đầu tiên thực hiện “bù giá điện” với mức 30.000 đồng/hộ nghèo/tháng, qua đó mỗi năm có từ 13.000 đến 24.000 hộ nghèo được “bù giá điện” sinh hoạt với tổng mức bù giá hơn 12 tỷ đồng. Thành phố cũng là địa phương tiên phong đưa ra chính sách hỗ trợ 2.527 hộ nghèo chấm dứt sử dụng xe tự chế, qua đó chuyển đổi 1.029 người nghèo sang kinh doanh nhỏ, lẻ, 615 người sang chạy xe ôm, hơn 300 người sang ngành nghề khác. Ngoài ra, người nghèo ở thành phố cũng được lắp đặt điện thoại miễn phí để nâng dần chất lượng sống (11.424 điện thoại); được trợ giúp pháp lý miễn phí (20.197 lượt)…

Nhờ vậy, vào cuối năm 2013, thành phố đã “về đích trước” khi cơ bản “xóa” hết hộ nghèo, sớm hai năm so với mục tiêu Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ 9, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra.

Vì cả nước, cùng cả nước

Là đô thị đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh mặc dù chỉ chiếm 8,3% dân số cả nước, nhưng hằng năm đã đóng góp đến 33% tổng thu ngân sách quốc gia. Hằng năm, tổng sản phẩm nội địa (GDP) thành phố đều tăng ít nhất bằng 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân GDP của cả nước. Năm 2013, GDP của thành phố là 764.444 tỷ đồng, tăng 1,65 lần so với năm 2010. Tỷ trọng các ngành công nghiệp trọng yếu tăng dần, các dịch vụ đều có giá trị tăng thêm, riêng ngành nông nghiệp đô thị đạt giá trị doanh thu năm 2013 là 282,6 triệu đồng/ha. thành phố Hồ Chí Minh là nơi buôn bán hàng hóa lớn nhất của cả nước với 184 siêu thị, 475 cửa hàng tiện lợi, 30 trung tâm thương mại, 243 chợ và hơn 7.500 điểm bán hàng bình ổn giá.

Theo Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh, qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, MTTQ các cấp ở thành phố đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, hội thảo, tọa đàm, hội thi… góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về việc sử dụng và tin dùng hàng Việt Nam. Cuộc vận động cũng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, giúp doanh nghiệp có cơ hội phát huy những thế mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã ngày càng đa dạng, giá cả cạnh tranh được với hàng ngoại nhập, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cuộc vận động lan tỏa trong đời sống xã hội, góp phần tạo sự chuyển biến trong cả nhận thức và thói quen mua sắm của người tiêu dùng; chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước ngày càng được nâng cao, giá cả phù hợp, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi theo hướng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam có chất lượng.

Cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, Cuộc vận động ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc” đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của các giới, góp phần tạo nguồn quỹ chăm lo cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 và Quân chủng Hải Quân với số tiền hàng chục tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, thành phố thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn đại biểu ra thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang canh giữ vùng trời, biển đảo Tổ quốc thân yêu. Riêng các đoàn thể cũng tổ chức nhiều chương trình hành động chăm lo thiết thực, như Liên đoàn Lao động với chương trình “Tấm lưới nghĩa tình”, Ðoàn Thanh niên với phong trào “Góp đá xây Trường Sa”, Hội Liên hiệp Phụ nữ với chương trình “Tiếp sức vì Trương Sa thân yêu”…

Với truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, đoàn kết tương thân tương ái của dân tộc, tấm lòng nghĩa tình của người dân thành phố, mỗi khi có thiên tai, lũ lụt, Ủy ban MTTQ các cấp đã kịp thời phát động kêu gọi cứu trợ đồng bào các nơi bị thiên tai, lũ lụt. Từ năm 2009 đến 2013, Quỹ Cứu trợ thành phố đã tiếp nhận đóng góp của hàng nghìn tập thể, cá nhân với số tiền hơn 125,611 tỷ đồng và hơn 432 tấn hàng hóa các loại để giúp đồng bào bị thiên tai, lũ lụt ở Tây Bắc, miền trung và đồng bằng sông Cửu Long. “Ðây là những việc làm mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện lòng yêu nước và tình cảm của người dân thành phố với cả nước”, ông Huỳnh Ðăng Linh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh, khẳng định.

Một góc thành phố Hồ Chí Minh hôm nay [5]

Một góc thành phố Hồ Chí Minh hôm nay

Tự tin tiến về phía trước

Những ngày cuối tháng 4/2014, không khí ở trung tâm thành phố đã thật sự vào hội và người dân thành phố mang tên Bác Hồ càng thêm tự hào với vóc dáng mới của “Hòn ngọc Viễn Ðông”.

Từ vị trí tượng đài Bác Hồ, hướng về phía đông là đại lộ mang tên hai đồng chí nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh: Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, vừa được đưa vào sử dụng. Nhờ tuyến đường này, tình trạng ùn tắc ở hai đầu thành phố đã giảm hẳn. Ở một phía của đại lộ, hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn hiện đại nhất khu vực, góp phần đáng kể giảm tải cho các phương tiện ra, vào thành phố mỗi ngày. Cùng với hầm là cầu Rạch Chiếc, cầu Sài Gòn 2, cầu Phú Mỹ… xây mới, làm bộ mặt thành phố thông thoáng hơn.

Ông Thái Văn Liêm, 90 tuổi, nhà ở ven tuyến đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ (quận 5) cho biết: “Tôi sống đã gần trọn cuộc đời, nhưng chỉ đến khi Sài Gòn đổi tên là TP Hồ Chí Minh, gia đình tôi mới được đổi đời. Nhà tôi từ chỗ xập xệ, giờ nằm trên tuyến đường lớn, lại còn có cả dòng kênh thơ mộng chạy ngang. Nhớ ngày trước nước kênh hôi thối, rác ngập ngụa, giờ thấy nước trong xanh, cá bơi lội từng đàn, cây xanh bóng mát quanh năm, tàu bè đi lại mua bán trên bến dưới thuyền…, tôi ngỡ mình nằm mơ”. Ðúng như ông Liêm nói, tuyến đại lộ hình thành và tuyến kênh đã cải tạo không những làm thay đổi hết bộ mặt của những xóm nghèo ven kênh rạch các quận: Bình Tân, 8, 11, 6, 5, 4, 1, mà còn làm bộ mặt thành phố thêm trang trọng. Thành phố đang đầu tư gần 28.323 tỷ đồng cho các dự án giao thông và 18.632 tỷ đồng cho các dự án vệ sinh môi trường trên kênh rạch và con số trên chắc chắn sẽ không dừng lại.

Với Chương trình giảm ngập nước và giảm ô nhiễm môi trường, thành phố đang tập trung làm giảm ngập ở các khu vực như Hồng Bàng, Lò Gốm, Hòa Bình, Âu Cơ, Bảy Hiền… Từ năm 2011 đến nay, phần cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hoàn thành cơ bản, giúp cho toàn bộ lưu vực quận 1, 3, 10, Bình Thạnh, Phú Nhuận tương đối an toàn sau mỗi đợt triều cường. Theo báo cáo sơ kết ba năm (2011 - 2013) của UBND thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố đã xây mới thêm 333,4 km cống thoát nước, lắp đặt và vận hành 1.077 van ngăn triều, góp phần xóa nhiều điểm ngập nước.

Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã đầu tư chiều sâu vào cơ sở vật chất và trang thiết bị giảng dạy cho hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn với số vốn hơn 1.747 tỷ đồng. Thành phố còn chú trọng đào tạo hơn 18.098 lượt doanh nhân, phát hiện bồi dưỡng nhiều tài năng lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao và đội ngũ cán bộ y tế. Ðến nay, thành phố đã đạt 14 bác sĩ/10.000 dân, 200 dược sĩ đại học/10.000 dân, gấp bốn lần chỉ tiêu.

Ngắm thành phố Hồ Chí Minh trong nắng chiều vàng cuối tháng tư, chợt có nhiều lắng đọng và suy ngẫm về quá trình “vì cả nước, cùng cả nước”. Ðó là một thế hệ thanh niên xung phong đi cải tạo đồng chua, trồng rừng ngăn mặn; là những chiến dịch ánh sáng văn hóa hè, Mùa hè xanh…; hay đó là các chương trình nhân văn: Xóa đói giảm nghèo, Nhà tình nghĩa - Nhà tình thương, Hiến máu nhân đạo… Năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vẫn là tinh thần tiến công, vượt khó đi lên ở thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tu-hao-thanh-pho-mang-ten-bac-ho.html

URLs in this post:

[1] Đồng vốn đi qua, khó nghèo lùi bước: https://vbsp.org.vn/dong-von-di-qua-kho-ngheo-lui-buoc.html

[2] Tín dụng chính sách trên thành phố mang tên Bác: LỰC ĐỠ LỚN TỪ NHỮNG ĐỒNG VỐN NHỎ: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-tren-thanh-pho-mang-ten-bac-luc-do-lon-tu-nhung-dong-von-nho.html

[3] Giảm nghèo ở TP. Hồ Chí Minh: https://vbsp.org.vn/giam-ngheo-o-tp-ho-chi-minh.html

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2014/04/215.jpg

[5] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2014/04/128.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.