- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tín dụng chính sách xã hội đã đi vào thực tế cuộc sống của người dân An Giang

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 09/09/2019 @ 2:19 chiều In Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW,Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh (thứ 2, từ phải sang) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng tặng quà cho các hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn xã Vĩnh Hanh [4]

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh (thứ 2, từ phải sang) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng tặng quà cho các hộ nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn xã Vĩnh Hanh

Ông Hồ Trường Huấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, qua 05 năm triển khai Chỉ thị 40, huyện Châu Thành có 14.953 lượt khách hàng được vay vốn với doanh số cho vay đạt 289,020 tỉ đồng; tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ nghèo 45,855 tỷ đồng, hộ cận nghèo 88,882 tỉ đồng, hộ mới thoát nghèo 30,681 tỷ đồng…
Đến hết tháng 6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Châu Thành đạt 280,463 tỷ đồng, với 14.934 khách hàng còn dư nợ. Dư nợ tăng 105,239 tỷ đồng (tương đương 37,52%) so với cuối năm 2014. Doanh số thu nợ trong 05 năm đạt 178,976 tỷ đồng. Tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 7,976 tỷ đồng, chiếm 2,84% trên tổng dư nợ, tăng 1,382 tỷ đồng (tương đương 4,77%) so với cuối năm 2014.
Theo đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 5.931 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Châu Thành có vốn để sản xuất, kinh doanh, góp phần giúp 1.712 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 759 lao động tại địa phương; cho vay trang trải chi phí xuất khẩu lao động của 23 đối tượng; giúp trang trải chi phí học tập cho 5.324 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và trường nghề; giúp 186 hộ tiếp cận vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở…
Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2015 tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 8,01% xuống còn 3,97%; giai đoạn 2016 - 2020 giảm từ 6,55% xuống còn 3,48% cuối năm 2018.
“Hàng năm, mặc dù huyện đã dành một phần ngân sách ủy thác sang NHCSXH cho vay, nhưng nguồn vốn địa phương còn hạn hẹp, chiếm tỷ trọng 3,13% so với tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH huyện, trong khi nhu cầu vốn của người dân còn rất lớn.
Vì vậy, huyện mong muốn được tiếp tục thực hiện chương trình cho vay đối với hộ mới thoát nghèo sau năm 2020 và nâng thời hạn cho vay của chương trình lên 10 năm để phù hợp với chu kỳ sản xuất, kinh doanh của một số đối tượng có thời gian sinh trưởng dài như trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp. Bên cạnh đó, huyện đề nghị Trung ương sớm ban hành chính sách xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan phù hợp với đặc điểm, điều kiện đặc thù của hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng này có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo bền vững”, ông Huấn kiến nghị.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh khẳng định, Chỉ thị số 40 trên địa bàn huyện Châu Thành nói riêng, tỉnh An Giang nói chung đã được vận dụng một cách khoa học, sát với điều kiện thực tế của địa phương và đã đi vào cuộc sống. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tín dụng chính sách được địa phương xem là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc lồng ghép, huy động các nguồn lực của xã hội để xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và đối trọng với tín dụng đen.
“Tín dụng chính sách xã hội là một chính sách mang tính nhân văn, là cầu nối gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, thể hiện sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo cho người nghèo. Việc bình xét được thực hiện công khai, dân chủ ở cơ sở”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh nhấn mạnh.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh cho rằng, các tỉnh vùng Tây Nam bộ nói chung, An Giang nói riêng đang có khó khăn chung là một số chính sách của các địa phương đang thực hiện có cùng một đối tượng nên tăng trưởng tín dụng ở khu vực này khó.
Theo ông Triệu Tài Vinh, mỗi địa phương cần có cách làm riêng để triển khai chính sách của Trung ương, qua đó có thể lồng ghép các nguồn lực tín dụng chính sách giúp người dân được vay vốn để phát triển kinh tế. Cùng với đó, các đoàn thể, chính trị - xã hội phải tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức tự vươn lên của các hộ nghèo và đối tượng chính sách, giảm dần sự trông chờ, lệ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước.
Dịp này, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Triệu Tài Vinh đã tặng 10 phần quà cho 10 hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-da-di-vao-thuc-te-cuoc-song-cua-nguoi-dan-an-giang.html

URLs in this post:

[1] Huy động các nguồn lực, nâng cao chất lượng tín dụng xã hội: https://vbsp.org.vn/huy-dong-cac-nguon-luc-nang-cao-chat-luong-tin-dung-xa-hoi.html

[2] Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp nhiều hộ dân thoát nghèo: https://vbsp.org.vn/nguon-von-tin-dung-chinh-sach-giup-nhieu-ho-dan-thoat-ngheo.html

[3] An Giang triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư: https://vbsp.org.vn/an-giang-trien-khai-thuc-hien-tot-chi-thi-so-40-cttw-cua-ban-bi-thu.html

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/09/2a.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.