- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Niềm vui hộ mới thoát nghèo

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 26/03/2021 @ 4:01 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

ninh binh [3]

Mô hình nuôi thỏ của anh Ninh Xuân Đức ở thôn Yên Sư, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô

Thoát khỏi vòng luẩn quẩn
Trước đây, gia đình ông Đỗ Văn Năm ở Tổ dân phố Yên Thổ, thị trấn Yên Thịnh, huyện Yên Mô có tên trong danh sách hộ nghèo. Nhờ vào nguồn vốn vay từ NHCSXH, năm 2017 gia đình ông đã thoát nghèo, trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng đúng hạn. Ông Năm chia sẻ: “Khi mới ra khỏi danh sách hộ nghèo, tôi thấy cuộc sống gia đình chống chếnh. Nhìn trước, nhìn sau không biết bám vào đâu. Thiếu vốn sản xuất, tín dụng đen vào tận nhà mời gọi, nhưng không dám vay, vì sợ mất nhà, mất ruộng vườn. Cái nghèo lại hiện hữu trước mắt, khó thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn, mong manh: thoát nghèo rồi lại tái nghèo. May mắn thay, khoảng thời gian này kéo dài không lâu. Năm 2019, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, được xã và NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi, tôi tiếp tục được vay 100 triệu đồng hộ mới thoát nghèo. Khi có nguồn vốn, tôi đã mạnh dạn chăn nuôi vịt đẻ, lợn thương phẩm, đào ao thả cá. Của không phụ lòng người hay làm. Sau hơn một năm vốn vay bắt đầu sinh sôi, cuộc sống gia đình ổn định dần, đạt mức thu nhập trên 70 triệu đồng/năm. Đó là nguồn thu chưa bao giờ tôi dám nghĩ tới. Với đà này, gia đình tôi sẽ thoát nghèo bền vững, dần trở thành hộ khá.”
Yên Nhân vốn là xã thuần nông. Trước đây, người nuôi thỏ ở thôn Yên Sư luôn thấp thỏm và lo âu bởi giá cả và đầu ra bấp bênh do phụ thuộc vào thương lái. Năm 2019, được sự chỉ đạo của huyện Yên Mô, thôn thành lập tổ hợp tác nuôi thỏ. Qua Hội Nông dân và Hội Phụ nữ, các hội viên được tiếp cận tín dụng chính sách thuận lợi, giá cả và đầu ra sản phẩm ổn định, qua đó thỏ trở thành vật nuôi chính, cho giá trị kinh tế cao. Nhờ vậy, sau gần 2 năm gắn bó với nghề, mô hình chăn nuôi thỏ của anh Ninh Xuân Đức đã trở thành mô hình hiệu quả tiêu biểu của thôn, của xã.
Đặc biệt đối với vợ chồng chị Trương Thị Hoa, mặc dù cả hai đều bị bệnh tim nhưng nhận được sự tiếp sức từ vốn vay ưu đãi mà gia đình chị đã không bị bỏ lại phía sau. Chị Hoa cho biết: “Hai vợ chồng thuốc thang, bệnh viện triền miên, gắng gượng xoay đủ mọi việc, từ cấy luá, trồng rau, nuôi cá, nuôi thỏ, nhưng vốn ít chỉ làm“cò con”, lời lãi chẳng được là bao”. Cho tới khi được Hội Phụ nữ hướng dẫn vay 100 triệu đồng từ NHCSXH, chị mới dám nghĩ tới con đường thoát nghèo. Nhờ được vay vốn, vợ chồng chị đầu tư mua một cặp bò. Từ năm 2019, theo chân tổ hợp tác nuôi thỏ thôn Yên Sư, chị xây thêm chuồng trại, mạnh dạn nhân rộng đàn thỏ từ 100 con lên trên 300 con. Mỗi tháng qua kênh tiêu thụ của tổ hợp tác, gia đình xuất bán hơn 100 con thỏ thương phẩm, trọng lượng 2,3 - 2,5kg/con, thu nhập đạt 20 triệu đồng/tháng. “Mừng là, vui chuyện làm ăn bệnh tật cũng giảm”, chị Hoa phấn khởi chia sẻ.
Năm 2020, NHCSXH huyện Yên Mô đạt dư nợ trên 415 tỷ đồng, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,8% với bình quân thu nhập trên 50 triệu đồng/người/năm, trong đó 17 xã, thị trấn đã đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Tạo đà giảm nghèo bền vững
Để tiếp tục phát huy tốt hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội, ngày 21/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Theo đó, kể từ ngày 30/3/2021, NHCSXH tiếp tục thực hiện giải ngân chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo, thay vì giải ngân đến ngày 31/12/2020 như quy định cũ. Mức cho vay tối đa của chương trình là 100 triệu đồng/hộ. Thời hạn cho vay do NHCSXH nơi cho vay và hộ mới thoát nghèo thỏa thuận trên cơ sở chu kỳ SXKD và khả năng trả nợ của khách hàng, nhưng không quá 5 năm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô Vũ Trọng Thứ chia sẻ: Hầu hết những hộ mới thoát nghèo điều kiện kinh tế tuy đã khá hơn trước, nhưng vẫn chưa ổn định, rất dễ tái nghèo nếu gặp rủi ro. Huyện Yên Mô đất rộng, địa hình đa dạng, có cả đồng bằng, miền núi, vùng ven sông, vùng bán sơn địa, sự điều chỉnh kịp thời của Chính phủ, là niềm vui, tiếp tục tạo cơ hội cho hàng trăm hộ mới thoát nghèo có vốn đầu tư mở rộng sản xuất, khai thác tốt thế mạnh của địa phương. Đây được xem là một trong những gải pháp quan trọng nhằm giải quyết triệt để tình trạng luẩn quẩn thoát nghèo rồi lại tái nghèo.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/niem-vui-ho-moi-thoat-ngheo.html

URLs in this post:

[1] Quyết định nhân văn hóa giải vòng luẩn quẩn “thoát nghèo - tái nghèo”: https://vbsp.org.vn/quyet-dinh-nhan-van-hoa-giai-vong-luan-quan-thoat-ngheo-tai-ngheo.html

[2] Tiếp vốn tạo sinh kế cho hộ mới thoát nghèo: https://vbsp.org.vn/tiep-von-tao-sinh-ke-cho-ho-moi-thoat-ngheo.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2021/03/ninh-binh.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.