- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

HIỆN ĐẠI HÓA HOẠT ĐỘNG NHCSXH GIAI ĐOẠN 2011 - 2020: Điểm tựa bứt phá chất lượng cung ứng tín dụng chính sách xã hội

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 15/02/2021 @ 6:07 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

4 [3]

Phòng máy chủ tại Trụ sở chính NHCSXH

Từ đột phá phục vụ

Dự án hiện đại hóa tin học được xem là then chốt trong mục tiêu nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả xử lý nghiệp vụ của NHCSXH. Dự án được triển khai từ đầu những năm 2010 và chính thức có sự đột phá vào năm 2013 thí điểm chuyển đổi hệ thống cũ sang hệ thống ngân hàng lõi (Corebanking) nhằm quản lý có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và giám sát các hoạt động trải rộng khắp đất nước. Với vai trò là phần mềm lõi của ngân hàng, hệ thống Intellect Corebanking được triển khai chính thức trong toàn hệ thống từ tháng 2/2014 đã đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ của NHCSXH. Đặc biệt, hệ thống Intellect đã hỗ trợ đắc lực và nâng cao khả năng kiểm soát, giám sát quá trình thực hiện nghiệp vụ của NHCSXH. Đồng thời, hệ thống cũng cung cấp các cơ chế xử lý tự động, giảm bớt khối lượng công việc cán bộ phải thực hiện thủ công, hạn chế sai sót trong quá trình thực hiện nghiệp vụ từ đó góp phần nâng cao năng suất lao động.

Với đặc điểm hoạt động giao dịch của NHCSXH tại các xã có hạ tầng viễn thông còn hạn chế, NHCSXH đã triển khai giải pháp Intellect Offline đáp ứng được yêu cầu hoạt động nghiệp vụ đặc thù này. Giải pháp hỗ trợ giao dịch cho gần 11.000 Điểm giao dịch tại xã trải dài trên toàn quốc. Tại các Điểm giao dịch xã nhờ áp dụng quy trình giao dịch một cửa đã phục vụ nhanh chóng và chính xác, việc kiểm soát được chặt chẽ hơn, đặc biệt rút ngắn được thời gian giao dịch tại xã. Công nghệ lõi còn hỗ trợ cung cấp hàng loạt báo cáo thông tin theo yêu cầu, giúp ngân hàng quản lý được hoạt động trên quy mô lớn và rải rác.

Một khía cạnh độc đáo khác của nền tảng công nghệ thông tin mới tại NHCSXH là việc tự động lập lịch đến hạn cho vay dựa trên lịch giao dịch xã của NHCSXH tại một địa phương cụ thể, thuận tiện cho khách hàng trả nợ và ngân hàng thu nợ. Công nghệ do NHCSXH triển khai đã đáp ứng được nhu cầu của những khách hàng trước đây chưa được tiếp cận đến các dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn của Việt Nam. “Khả năng thực hiện các giao dịch ngoại tuyến qua máy tính xách tay của nền tảng ngân hàng lõi Intellect chính là chìa khóa để phát triển các dịch vụ tài chính vi mô của NHCSXH tại các vùng nông thôn”, Lãnh đạo của Công ty nghiên cứu và tư vấn cho ngành công nghiệp dịch vụ tài chính toàn cầu (Celent) đánh giá khi trao giải “Mô hình ngân hàng chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin thành công 2015” cho NHCSXH - một trong 3 ngân hàng trên thế giới được trao giải nhờ những sáng kiến trong chuyển đổi hệ thống cũ sang hệ thống ngân hàng lõi.

Tăng sức mạnh nội lực

4a. hien dai hoa [4]

Cán bộ NHCSXH hướng dẫn bà con tiếp cận ứng dụng nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của hộ nghèo và các đối tượng yếu thế qua điện thoại

Nền tảng công nghệ hiện đại cũng là điểm tựa để NHCSXH hòa nhập cùng dòng chảy phát triển của hệ thống các TCTD trong cả nước, phát triển và cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ thiết yếu và kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách.

Như với việc hiện đại hóa hệ thống thanh toán, NHCSXH đã triển khai phần mềm Thanh toán điện tử Liên ngân hàng (Citad) sử dụng định dạng trao đổi dữ liệu IBPS2.1 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và đảm bảo tính bảo mật, an toàn của hệ thống Citad. Đến tháng 2/2020, NHCSXH đã triển khai chính thức Hệ thống Citad 2.5 theo văn bản số 269/CNTT5 ngày 28/2/2020 của NHNN về việc triển khai nâng cấp hệ thống Thanh toán điện tử Liên ngân hàng. Hệ thống đã tăng năng lực xử lý, góp phần tăng khả năng thanh toán, mở rộng dịch vụ. Doanh số chuyển tiền qua các năm liên tục tăng.

Nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê, NHCSXH đã triển khai hệ thống báo cáo thống kê, phân tích và xử lý số liệu thống kê, đảm bảo cung cấp số liệu kịp thời, đầy đủ, chính xác phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành và hỗ trợ tích cực cho hoạt động nghiệp vụ. Hệ thống thông tin báo cáo đến nay đã đáp ứng đầy đủ chế độ báo cáo thống kê theo quy định, dữ liệu phần lớn được đồng bộ hàng ngày từ hệ thống Corebanking và một phần được thu thập từ các nguồn khác, nên đã cung cấp nhanh chóng và chính xác. Từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ khách hàng. Đồng thời, hệ thống thông tin báo cáo cũng hỗ trợ các chi nhánh tự phát triển và tích hợp các báo cáo theo yêu cầu đặc thù, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị.

Với mục tiêu đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin hoạt động liên tục, ổn định, đáp ứng các quy định về đảm bảo an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng, phục vụ hiệu quả hoạt động nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý Nhà nước, NHCSXH đã xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng thông qua việc hoàn thành triển khai 2 Dự án: “Xây dựng hệ thống dự phòng công nghệ thông tin của NHCSXH” và “Xây dựng phòng máy chủ tại trụ sở chính NHCSXH”. Đồng thời, đầu tư nâng cấp hệ thống an ninh bảo mật tại Trung tâm dữ liệu, Trung tâm miền và 63 chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố.

Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã chỉ ra xu hướng cũng như những đích đến rõ ràng trong ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập. Đặc biệt với ngân hàng mang trọng trách của chính phủ hỗ trợ trực tiếp người nghèo và đối tượng chính sách thông qua nguồn vốn tín dụng, việc quản lý hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng CNTT hiện đại, có khả năng đáp ứng nhu cầu của các đối tượng chưa được hoặc ít được ngân hàng phục vụ tiến tới cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng được NHCSXH đặt ra trong chiến lược phát triển 10 năm tới. Và để hiện thực hóa mục tiêu này, NHCSXH đã đặt ra 5 ưu tiên lớn trong việc đầu tư nâng cấp hệ thống Công nghệ thông tin thời gian tới.

Trong đó, NHCSXH sẽ ưu tiên đầu tư, nâng cấp hệ thống CNTT, đầu tư nền tảng công nghệ ngân hàng số - Digital banking, tạo tiền đề vững chắc để triển khai các sản phẩm dịch vụ tài chính toàn diện cũng như dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, tăng phạm vi triển khai dịch vụ đến các đối tượng khách hàng chưa hoặc ít được tiếp cận dịch vụ ngân hàng truyền thống.

Đồng thời, tăng cường ứng dụng CNTT nhằm hiện đại hóa và từng bước số hóa hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và Điểm giao dịch xã để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và minh bạch, đơn giản việc quản lý của Tổ trưởng đồng thời tăng năng suất lao động tại Điểm giao dịch xã. Bên cạnh đó, ứng dụng CNTT để nâng cao tương tác giữa NHCSXH và các chủ thể liên quan hoạt động tín dụng chính sách nhằm cung cấp thông tin về văn bản hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, số liệu tín dụng chính sách xã hội, giúp theo dõi, nắm bắt tình hình thực tế để đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng trên địa bàn.

Đặt trọng tâm phát triển, hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ nhằm đáp ứng xu hướng phát triển của ngành ngân hàng và hiện đại hóa các hoạt động nghiệp vụ, chỉ đạo điều hành, ưu tiên thứ hai được NHCSXH đặt ra là triển khai toàn diện giải pháp kho dữ liệu hỗ trợ việc phân tích dự báo, khai thác thông tin phục vụ tốt cho công tác quản trị và ra quyết định của lãnh đạo NHCSXH. Tăng cường triển khai các công cụ khai thác dữ liệu, phân tích, quản lý rủi ro tín dụng; quản lý rủi ro phòng chống rửa tiền; giám sát và cảnh báo sớm. Đồng thời, triển khai giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ nhằm thay thế các quy trình nghiệp vụ được thực hiện trên giấy tờ thành các quy trình điện tử; Giảm thiểu các bước thủ công, hạn chế sai sót và nâng cao tính hiệu quả, năng suất lao động.

NHCSXH cũng đặt ra mục tiêu chuẩn hóa hạ tầng CNTT theo các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước nhằm từng bước hội nhập về công nghệ, tiến tới trở thành một ngân hàng hiện đại. Trong đó, hướng tới triển khai giải pháp quản lý, sử dụng tài nguyên trên nền tảng ảo hóa nhằm tối ưu việc sử dụng tài nguyên phần cứng, tiết kiệm chi phí đầu tư hệ thống, đồng thời phù hợp với xu thế ứng dụng công nghệ ảo hóa.

Cùng với đó, NHCSXH sẽ đầu tư, triển khai các giải pháp an ninh, bảo mật tương xứng với mức độ quan trọng và rủi ro của hệ thống thông tin, trong đó chú trọng đến các hệ thống thanh toán, hệ thống Corebanking và các hệ thống cung cấp dịch vụ cho khách hàng để đảm bảo duy trì hoạt động nghiệp vụ liên tục, an toàn trước các rủi ro về CNTT và tấn công mạng.

Và để hiện đại hóa thực sự hiệu quả và lan toả sâu rộng trong hoạt động, NHCSXH nhìn nhận con người là yếu tố quyết định sự thành công, từ đó lên kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực CNTT đủ về số lượng và chất lượng, thực hiện tốt việc xây dựng, vận hành, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ, đáp ứng nhu cầu quản trị vận hành và làm chủ các hệ thống công nghệ hiện đại. Trong đó, sẽ thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực CNTT theo quy định của pháp luật để tuyển dụng đội ngũ cán bộ CNTT có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao góp phần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/hien-dai-hoa-hoat-dong-nhcsxh-giai-doan-2011-2020-diem-tua-but-pha-chat-luong-cung-ung-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi.html

URLs in this post:

[1] Tiến tới dịch vụ ngân hàng số cho người nghèo: https://vbsp.org.vn/tien-toi-dich-vu-ngan-hang-so-cho-nguoi-ngheo.html

[2] TÀI CHÍNH NÔNG THÔN DÀNH CHO NGƯỜI NGHÈO: TỪ Ý CHÍ KIÊN ĐỊNH ĐẾN CÁCH THỨC SÁNG TẠO CỦA VIỆT NAM: https://vbsp.org.vn/tai-chinh-nong-thon-danh-cho-nguoi-ngheo-tu-y-chi-kien-dinh-den-cach-thuc-sang-tao-cua-viet-nam.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2021/02/4.jpg

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2021/02/4a.-hien-dai-hoa.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.