- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Đại biểu Quốc hội phân tích về “điểm sáng” tín dụng chính sách

Posted By On 16/02/2015 @ 7:00 sáng In Tin mới cập nhật | No Comments

Quoc-Hoi-(1) [4]

Đội ngũ cán bộ NHCSXH rất tâm huyết

Trực tiếp tham gia các đoàn giám sát, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo kết quả giám sát giảm nghèo, chúng tôi phân loại ra làm 2 loại chính là nhóm chính sách chung và đặc thù. Ở nhóm chính sách chung thì có hỗ trợ về nguồn vốn, y tế, giáo dục… thì có điểm rất tốt là về cơ bản người nghèo đã tiếp cận được hệ thống chính sách này và phát huy tác dụng. Trong đó chính sách tín dụng mang lại nhiều hiệu quả và là “điểm sáng” trong chính sách, pháp luật về giảm nghèo. Từ năm 2005 - 2012 đã có khoảng 10 triệu lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi và nguồn vốn của NHCSXH đã giúp 2,4 triệu hộ thoát nghèo. Đặc biệt, nguồn vốn của NHCSXH được thực hiện cho vay ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể là Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên đã chiếm khoảng 98,7% tổng dư nợ của NHCSXH.

Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) [5]

Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh)

Ở góc độ lãnh đạo địa phương, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, đại biểu Quốc hội cũng cảm nhận rõ về hiệu quả cho vay tín dụng chính sách. Ông Võ Kim Cự cho biết, chính sách cho vay theo Nghị định số 78 của Chính phủ rất đúng đắn, hợp lòng dân, đi vào cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo và an sinh xã hội, trong đó NHCSXH có vai trò quan trọng. “Đội ngũ cán bộ NHCSXH rất tâm huyết cho nên đã làm rất tích cực và có hiệu quả, anh em đã kịp thời cho vay những nơi như tái định cư, nơi vừa bão lũ xong, nơi khó khăn là cán bộ, nhân viên của NHCSXH kịp thời có mặt và quản lý vốn rất tốt. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 1%, rất an toàn, hàng triệu người dân rất tâm đắc, biểu dương, đánh giá cao ngân hàng này”. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đánh giá.

Theo đại biểu Quốc hội Cao Thị Xuân (Thanh Hóa), các chính sách tín dụng trực tiếp cho hộ nghèo trong giai đoạn vừa qua được đánh giá là một “điểm sáng” thực hiện chủ yếu thông qua NHCSXH, gồm nhiều chương trình tín dụng dành cho người nghèo, với mức lãi suất thấp và đạt kết quả có khoảng 10 triệu lượt hộ nghèo được tiếp cận vốn giúp cho khoảng 2,4 triệu hộ thoát nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo và tạo được dấu ấn trong xã hội.

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) [6]

Đại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa)

Đại biểu Quốc hội Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho biết, công tác xóa đói, giảm nghèo tiếp cận với hầu hết các mặt của đời sống như sản xuất, kinh doanh, đất canh tác, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo, việc làm, tín dụng ngân hàng, dân số, kế hoạch hóa gia đình, tạo thành sức mạnh tổng hợp, có tác dụng giảm nghèo nhanh chóng, thay đổi diện mạo, đời sống xã hội ở nhiều khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. “Ước tính đến cuối năm 2013 tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc giảm còn khoảng 7,8%, thông qua các chương trình tín dụng, vấn đề nhà ở của nhiều hộ gia đình đã được giải quyết. Không ít gia đình được vay vốn ưu đãi, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Các chính sách dạy nghề và tạo việc làm miễn phí đã hỗ trợ hàng trăm nghìn lao động nghèo cách thức làm ăn”, ông Phùng Văn Hùng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phân tích: Phương thức ủy thác này chỉ có ở Việt Nam và qua hơn 10 năm thực hiện đã chứng tỏ đây là một cách làm đúng và phù hợp. Dư nợ cao và ngày càng tăng, nợ quá hạn cho người nghèo dưới 1% là một kết quả tốt đẹp.

Đề xuất đẩy mạnh chính sách tín dụng để giảm nghèo bền vững

Đánh giá cao tín dụng chính sách trong việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa đề nghị: “Để đáp ứng nhu cầu vốn rất lớn và cũng là tăng nguồn vốn cho NHCSXH, chúng tôi mong muốn Chính phủ xem xét ưu tiên cấp thêm vốn. Vì theo báo cáo, từ năm 2010 đến nay, NHCSXH chưa được cấp bổ sung vốn điều lệ. Thứ hai là Chính phủ có cơ chế tăng trách nhiệm và tăng quyền chủ động của các địa phương, đặc biệt đề nghị Chính phủ chỉ đạo để các địa phương tăng thêm nguồn vốn ủy thác hiện chỉ chiếm 3%. Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tiết kiệm, tiết kiệm này gắn với các hộ vay vốn.” Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, kinh nghiệm thực tế của hội chúng tôi là giúp người nghèo bằng cách cho vay vốn nhưng phải gắn với tiết kiệm nhỏ, đây là một cách giúp rất tốt. Hội Phụ nữ có 3 triệu hộ đang có dư nợ với NHCSXH, giả sử một ngày một hộ nghèo tiết kiệm 1 nghìn đồng thì một tháng NHCSXH đã có thêm 90 tỷ đồng tiền vốn và một năm có thêm hơn 1.000 tỷ đồng. Số tiền này không nhỏ và chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Thực tế hội chúng tôi đã làm và hiện nay chúng tôi có 4.200 tỷ đồng tiết kiệm, trong đó 1.200 tỷ đồng đang gửi ở NHCSXH, còn lại cho vay trong chị em với nhau. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) [7]

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh)

Còn ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, qua giám sát và tiếp xúc cử tri tôi thấy, chính sách tín dụng ưu đãi đã tạo ra mối gắn kết và phát huy được vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể tham gia. Điều này giúp cho mối quan hệ giữa ngân hàng và người dân trở nên mật thiết. Một điểm nữa là tất cả các Điểm giao dịch tại xã của NHCSXH đều công bố công khai hộ vay vốn, mức vay, thời hạn vay rất cụ thể, minh bạch. Chính sách hỗ trợ qua tín dụng ưu đãi đã góp phần làm giảm tư tưởng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy động lực, kích thích tính sáng tạo của người nghèo. Vì vốn đi vay thì không phải là cho không, nên hộ vay vốn phải trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi cách sản xuất, kinh doanh làm sao có hiệu quả nhất với nguồn vốn vay đó. “Vì vậy chúng ta nên hạn chế dần các chương trình hỗ trợ cho không và thay vào đó là cho vay, tạo động lực sản xuất cho hộ nghèo”, ông Đỗ Mạnh Hùng đề nghị. 

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) [8]

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng)

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, để chính sách này thực hiện tốt hơn, chúng tôi đề nghị Chính phủ phải tăng nguồn vốn để đảm bảo tất cả các hộ nghèo và hộ cận nghèo có thể tiếp cận vay vốn. Bởi trong giai đoạn vừa qua vẫn còn tỷ lệ không nhỏ hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được tiếp cận nguồn vốn vay.

Bên cạnh đó, ngoài chính sách cho vay chung thì cần chú trọng hơn với đối tượng đặc thù như hộ đồng bào dân tộc thiểu số, ngư dân, người dân ở vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, người dân tái định cư khi xây dựng công trình thủy điện…

Những chính sách đặc thù này cần thể hiện ở những khía cạnh: Mức vay phải phù hợp cây trồng, vật nuôi; lãi suất cho vay phải thấp hơn và tùy vào từng đối tượng; thời gian vay cho từng đối tượng cũng phải khác nhau, phù hợp với chu kỳ trồng trọt, chăn nuôi của từng hộ. Một khía cạnh nữa là chính sách tín dụng phải gắn với chuyển giao KHKT. Người dân vay vốn nhưng phải được hướng dẫn cách sử dụng vốn, cách làm ăn sao cho hiệu quả. Đồng thời phải gắn chính sách tín dụng với bảo hiểm. Ví dụ, nếu có bảo hiểm về phương tiện sẽ có ý nghĩa rất lớn với bà con ngư dân đánh bắt xa bờ. “Tôi tin rằng, nếu chúng ta có một chính sách tín dụng phù hợp, kết hợp với việc hướng dẫn, chuyển giao KHKT thì chắc chắn hiệu quả sẽ còn cao hơn nữa”, ông Đỗ Mạnh Hùng tin tưởng.

Ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị, Chính phủ cần tăng vốn điều lệ cho NHCSXH, bởi vì từ năm 2010 đến giờ chưa được tăng vốn điều lệ. Đây là một yêu cầu lớn nhất, cung cầu mất cân đối. Ví dụ, chúng ta có thể tăng khoảng 4 - 5 nghìn tỷ đồng mà giải quyết được chục vạn hộ và hàng triệu người giảm nghèo thì tăng như thế này là cần thiết, cấp bách và rất đúng đắn. Vì Hà Tĩnh đang rất khó khăn, nhưng đã bổ sung được vài chục tỷ và sẽ bổ sung thêm. Chúng tôi cho đây là một nhu cầu rất cần thiết và đề nghị Quốc hội quan tâm.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) [9]

Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình)

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ cần điều chỉnh các chuẩn nghèo, có tiêu chí bình xét hộ nghèo một cách khách quan, công bằng, chính xác không để những đối tượng lợi dụng chính sách để hưởng lợi. Đồng thời mở ra cơ chế thuận lợi và tăng nguồn vốn điều lệ cho NHCSXH và có cơ chế chính sách hỗ trợ sản xuất, nâng cao khả năng tiếp cận và hiệu quả vốn vay, tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Chúng ta cũng cần giảm dần các chính sách hỗ trợ mang tính bao cấp, chính sách cho vay không lãi nên chăng có quy định vay có lãi suất dù rằng rất thấp để nâng cao ý thức, trách nhiệm của đối tượng vay. Đồng thời có chính sách kéo dài thời gian thụ hưởng đối với hộ mới thoát nghèo như khám chữa bệnh, giáo dục, vay vốn tín dụng ưu đãi.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-phan-tich-ve-diem-sang-tin-dung-chinh-sach.html

URLs in this post:

[1] Tín dụng chính sách xã hội - Một trong những trụ cột của hệ thống chính sách giảm nghèo: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-mot-trong-nhung-tru-cot-cua-he-thong-chinh-sach-giam-ngheo.html

[2] Phát triển bền vững NHCSXH - một số vấn đề lý luận và thực tiễn: https://vbsp.org.vn/phat-trien-ben-vung-nhcsxh-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien.html

[3] Chiều nay Thống đốc sẽ trả lời chất vấn về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: https://vbsp.org.vn/chieu-nay-thong-doc-se-tra-loi-chat-van-ve-tai-co-cau-he-thong-ngan-hang.html

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/02/Quoc-Hoi-1.jpg

[5] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/02/Ong-Cu.jpg

[6] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/02/Ba-Xuan.jpg

[7] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/02/Ba-Hoa.jpg

[8] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/02/Ong-Hung.jpg

[9] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/02/Ong-Quang.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.