- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

“Xử lý nợ rủi ro phải đúng đối tượng”

Posted By On 26/06/2015 @ 8:44 sáng In Người tốt - Việc tốt,Đại hội Đảng bộ NHCSXH TW lần thứ IV | No Comments

Chị Nguyễn Thị Liễu (áo hoa) đang trao đổi về kết quả làm việc cùng với các đồng nghiệp NHCSXH tỉnh Tây Ninh [2]

Chị Nguyễn Thị Liễu (áo hoa) đang trao đổi về kết quả làm việc cùng với các đồng nghiệp NHCSXH tỉnh Tây Ninh

Sau mấy lần hẹn, tôi mới gặp được chị Liễu bởi những chuyến công tác của chị cứ liên miên hết ngày này qua ngày khác. Lúc thì chị ở các tỉnh vùng cao Yên Bái, Lào Cai… khi thì đến các tỉnh miền Tây Nam bộ như Cà Mau, An Giang, Tây Ninh… “Không chỉ cán bộ tín dụng mới gần các hộ vay vốn mà các cán bộ xử lý nợ rủi ro cũng phải sát cơ sở, nên với tôi, những chuyến công tác kéo dài cả tháng ở địa phương là bình thường”, chị tâm sự.

Sinh ra trên quê lúa Thái Bình nhưng cái “duyên” gắn bó với tín dụng nông nghiệp, nông thôn và với người nghèo đã đưa chị lên với mảnh đất Lai Châu. Những năm tháng sống và gắn bó với mảnh đất Lai Châu - nơi tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số cao, địa hình đồi núi hiểm trở, cuộc sống người dân còn vô vàn những khó khăn, nên chị Liễu rất hiểu về người nghèo. Những kinh nghiệm quý báu đó đã giúp chị rất nhiều khi về công tác tại NHCSXH. Nhưng có lẽ, khó khăn lớn nhất của chị lúc bấy giờ chính là chị về Hà Nội cùng hai con, trong khi “ông xã” là bộ đội biên phòng vẫn tiếp tục công tác ở Lai Châu.

Năm 2003 khi NHCSXH được thành lập, chị về công tác tại Phòng Tổ chức cán bộ, nay là Ban Tổ chức cán bộ. Với một ngân hàng mới thành lập, lại với chiến lược mở rộng các Phòng giao dịch đến tất cả các huyện trong cả nước nên công tác tham mưu về tổ chức bộ máy, tuyển dụng và sắp xếp nhân sự là cả một núi công việc. Dù một tay chăm sóc gia đình khi ông xã ở xa, chị đã luôn đảm bảo công việc được triển khai ở mức tốt nhất bằng cách không quản ngại ngày đêm cống hiến tâm huyết, góp phần vào sự phát triển của NHCSXH. Sau 7 năm gắn bó với công tác tổ chức cán bộ, chị lại được tín nhiệm giao trọng trách mới là Trưởng phòng Quản lý và Xử lý nợ rủi ro, nay là Ban Quản lý và Xử lý nợ rủi ro khi ban này mới được đặt nền móng thành lập tại ngân hàng.

Đã từng có kinh nghiệm trong công tác xử lý nợ rủi ro khi còn là cán bộ của NHNNo&PTNT tỉnh Lai Châu, nhưng công việc vẫn không hề đơn giản bởi chị Liễu cho biết, công việc quản lý nợ và xử lý nợ rủi ro của NHCSXH khác nhiều so với các Ngân hàng thương mại. “NHCSXH là ngân hàng đặc thù, đối tượng phục vụ là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác nên trong công tác xử lý nợ rủi ro cũng rất đặc thù”, chị Liễu tâm sự.

Với các Ngân hàng thương mại, họ sử dụng nguồn trích lập dự phòng rủi ro từ lợi nhuận để xử lý rủi ro, nhưng với NHCSXH lại liên quan tới nguồn vốn của ngân sách. Do đó, vấn đề xây dựng cơ chế xử lý nợ rủi ro rất quan trọng, làm thế nào để không thất thoát nguồn vốn ngân sách nhưng cũng phải đúng đối tượng để người dân không bị thiệt thòi.Thời điểm chị Liễu tiếp quản nhiệm vụ xử lý rủi ro thì hệ thống văn bản đối với hoạt động này của NHCSXH dựa trên Quyết định 69 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Quyết định, việc xử lý nợ đối với người vay vốn NHCSXH không may gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan có nhiều bất cập về thẩm quyền xử lý, thời điểm xử lý và biện pháp xử lý (chỉ có miễn lãi, giảm lãi và xóa nợ)…

Nhận thấy những vấn đề còn chưa phù hợp trong quy trình xử lý nợ rủi ro, chị Liễu đã cùng tập thể cán bộ trong Ban tham mưu cho Ban lãnh đạo NHCSXH báo cáo đề xuất Liên Bộ Tài chính - Ngân hàng Nhà nước chỉnh sửa, bổ sung Quy chế xử lý nợ rủi ro do nguyên nhân khách quan mới, được sự ủng hộ của liên Bộ và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Đó chính là Quyết định số 50/QĐ-TTg có hiệu lực từ năm 2011 với Quyết định này khi người vay vốn gặp rủi ro thì NHCSXH có thể thực hiện các nghiệp vụ khoanh nợ, xóa nợ, cho vay bổ sung vốn. “Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác rất nhiều”, chị chia sẻ.

Kể về những chuyến công tác dài ngày, thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chị Liễu giải thích: “Khi hộ vay bị thiệt hại thì hộ vay vốn bị rủi ro phải có đơn đề nghị, NHCSXH nơi cho vay cùng tổ chức nhận ủy thác, UBND xã, phường cùng lập biên bản xác nhận, tổng hợp trình lên NHCSXH. Tuy nhiên để đảm bảo sự chính xác, đúng đối tượng thì cán bộ xử lý rủi ro phải đến “hiện trường” để “điều tra” xem có đúng đối tượng hay không. Cho vay sai đối tượng còn có thể thu hồi được nhưng xử lý rủi ro mà sai là làm mất vốn”.

Trong câu chuyện với tôi khi kể về gia đình chị cười rất tươi và nói “Gia đình mình đã được sum họp”. Con gái, con trai của chị đều đã tốt nghiệp đại học và đã trưởng thành.

Qua buổi trò chuyện cùng chị, mặc dù không nói thành lời nhưng tôi hiểu, ở cương vị Bí thư Chi bộ, Giám đốc Ban Quản lý và Xử lý nợ rủi ro, chị Liễu đang cống hiến, đang nỗ lực hết mình để truyền lại cho các thế hệ trẻ của NHCSXH sự nhiệt huyết, niềm tự hào và trách nhiệm khi được làm việc trong một ngân hàng đặc thù - vì sự nghiệp giảm nghèo của đất nước.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/xu-ly-no-rui-ro-phai-dung-doi-tuong.html

URLs in this post:

[1] Nữ cán bộ tích cực “làm theo” lời Bác: https://vbsp.org.vn/nu-can-bo-tich-cuc-lam-theo-loi-bac.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/06/Co-Lieu.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.