- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tín dụng chính sách ở Thanh Hóa “thẩm thấu” từ khi có Chỉ thị số 40

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 07/10/2019 @ 4:19 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Thanh Hóa nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã [2]

Hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Thanh Hóa nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Tạo chuyển biến về nhận thức

Thanh Hóa là tỉnh có diện tích và dân số lớn ở nước ta. Nơi đây có diện tích đất rừng, đất đồi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên của tỉnh và bờ biển dài 120km chạy dọc 06 huyện từ Nga Sơn đến Tĩnh Gia. Tuy vậy, Thanh Hóa vẫn là tỉnh nghèo trong vùng Bắc Trung Bộ. Cụ thể, cách đây 05 năm có đến 07 huyện theo Nghị quyết 30a, 130 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo bình quân 43%.

Từ thực tế trên và Chỉ thị số 40 được ra đời vào thời điểm cách đây 05 năm, Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định rõ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong 05 chương trình trọng tâm của giai đoạn 2015 - 2020, đồng thời tập trung tổ chức học tập, quán triệt sâu rộng, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, ban ngành các cấp căn cứ nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch cụ thể.

Để đạt mục tiêu phát triển sản xuất, hỗ trợ kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người nghèo, Thanh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động đối với công tác tín dụng chính sách trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo các huyện, xã trong tỉnh không chỉ coi hoạt động tín dụng chính sách là nhiệm vụ thường xuyên nằm trong chương trình công tác của mình, mà luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, điều tra rà soát, thống kê chính xác, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để giúp hộ vay vốn tín dụng chính sách kịp thời, thuận tiện; phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người nghèo sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế, chủ động vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Theo đó, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp được củng cố, kiện toàn, trong đó có bổ sung 635 Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH tại 27 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc, đã làm cho chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước được thực hiện công khai, dân chủ, đầy đủ tại các Điểm giao dịch xã, phường, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS.

NHCSXH tỉnh Thanh Hóa thông tin kịp thời cho các hộ vay về chính sách vay vốn [3]

NHCSXH tỉnh Thanh Hóa thông tin kịp thời cho các hộ vay về chính sách vay vốn

Nét nổi bật và như một minh chứng trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững và Chỉ thị số 40 ở Thanh Hóa trong 05 năm qua là được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương việc tập trung huy động nguồn lực cho NHCSXH để hỗ trợ đắc lực người nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Đơn cử Sở LĐTBXH đã chú trọng điều tra, rà soát, thống kê danh sách chính xác các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo đúng quy định hiện hành; chính quyền các cấp trên địa bàn đã quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất như tạo điều kiện về trụ sở làm việc, ưu tiên vị trí đặt Điểm giao dịch xã của NHCSXH rộng rãi, an toàn; ngành Tài chính cũng căn cứ tình hình ngân sách của địa phương, tham mưu kịp thời để UBND tỉnh, huyện chuyển vốn ngân sách sang NHCSXH để phục vụ tốt hơn các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Tính đến nay tỉnh Thanh Hóa đã triển khai 21 chương trình tín dụng chính sách, tăng 8 chương trình so với trước khi có Chỉ thị số 40, có tổng dư nợ đạt trên 9.200 tỷ đồng với 263 nghìn hộ vay, tăng 2.164 tỷ đồng so với cuối năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,9%/năm; trong đó nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 231 tỷ đồng, tăng 105 tỷ đồng so với đầu năm 2015; Cùng với đó, tỷ lệ nợ quá hạn toàn tỉnh giảm từ 0,33% cuối năm 2014 xuống còn 0,15% tổng dư nợ.

Tín dụng chính sách xã hội phát triển theo hướng bền vững

Chỉ thị số 40 được đưa vào cuộc sống thực tiễn đã tạo thêm nguồn lực, sức mạnh cho NHCSXH hoạt động, giúp các bản làng vùng cao biên giới, vùng bãi ngang ven biển ở Thanh Hóa đổi thay từng ngày và thúc đẩy chương trình giảm nghèo bền vững và đạt được những kết quả quan trọng. Hiện tại, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giảm được trên 47,1 nghìn hộ nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 5%. Thanh Hóa thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước. Sản xuất phát triển rõ nét, thu nhập hộ nghèo tăng gấp 1,84 lần so với năm 2015. Đã có huyện Như Xuân thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; 11 xã bãi ngang, 14 xã và 16 thôn, bản miền núi thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn và có 6 xã bãi ngang ven biển đạt chuẩn nông thôn mới.

05 năm qua nhiều tổ chức đoàn thể ở Thanh Hóa đã phát huy tính tiên phong, sáng tạo giúp đỡ hội viên vay vốn chính sách thuận tiện, vươn lên giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu là Hội Nông dân, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng được gần 50 mô hình phát triển sản xuất, giảm nghèo cho trên 2.000 hội viên đó là mô hình nuôi trâu, bò, lợn cỏ sinh sản, lợn rừng, gà ri lai thương phẩm; nuôi cá lồng; trồng cam giống mới, bưởi Diễn, bí xanh, nghệ ruột đỏ, hoa… Riêng Hội LHPN huyện Thọ Xuân đã nhận ủy thác vốn vay từ NHCSXH huyện là 218 tỷ đồng, thu hút trên 5.000 hội viên tham gia SXKD hiệu quả.

Vốn vay chính sách tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS ở các huyện miền núi vùng cao Thanh Hóa có điều kiện duy trì nghề dệt [4]

Vốn vay chính sách tạo điều kiện cho hộ đồng bào DTTS ở các huyện miền núi vùng cao Thanh Hóa có điều kiện duy trì nghề dệt

Thực hiện Chỉ thị số 40, Hội Nông dân các huyện miền núi Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân, đã tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hội viên như thành lập các HTX, Tổ hợp tác tiểu thủ công nghiệp, thu hút đông đảo hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm… Điển hình có gia đình chị Hà Thị Lan, người dân tộc Thái thôn Pà Cầu, xã Xuân Lộc, được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng từ năm 2015 để xây dựng mô hình chăn nuôi bò sinh sản và trồng các loại cây keo, mía. Nhờ sự kiên trì chịu khó đến nay, chị Lan đã có một trang trại tổng hợp gồm 4ha cây keo, 1ha cây luồng và đàn bò sinh sản tới 5 con, cho thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm.

Thông qua nguồn vốn chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, giúp hàng ngàn hộ nghèo thay đổi cách thức, nhận thức làm ăn, trong đó đáng kể đến 120 hộ dân ở 19 xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển thuộc huyện Mường Lát, Ngọc Lặc, Hoằng Hóa, Tĩnh Gia.

Ngoài những kết quả đạt được, NHCSXH tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40, tham mưu đề xuất kịp thời cho chính quyền các cấp hằng năm bố trí ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn.

Đặc biệt, một trong những nhiệm vụ xuyên suốt được NHCSXH tỉnh Thanh Hóa xác định trọng tâm là thường xuyên coi trọng việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện và thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp; tiếp tục đưa tín dụng chính sách xã hội trong hoạt động theo hướng ổn định, phát triển bền vững, đảm bảo thực hiện tốt tín dụng chính sách; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững. 


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-o-thanh-hoa-tham-thau-tu-khi-co-chi-thi-so-40.html

URLs in this post:

[1] Thanh Hóa sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 (TTV - 04/9/19): https://vbsp.org.vn/thanh-hoa-so-ket-05-nam-thuc-hien-chi-thi-so-40-ttv-04919.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/10/1-1.jpg

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/10/1.jpg

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/10/Cam-Thuy-1.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.