- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tiếp sức giảm nghèo từ nguồn vốn ủy thác địa phương

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 25/02/2021 @ 4:49 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

dak nong [3]

Nhiều hộ gia đình huyện Đắk Song được vay vốn chính sách đầu tư vào mô hình sản xuất

Thoát nghèo nhờ nguồn vốn ủy thác
Nhờ được vay vốn tín dụng chính sách làm ăn, từ đầu năm 2021, gia đình ông Lương Đình Tiến ở thôn 5, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song đã thoát khỏi diện cận nghèo. Ông Tiến chia sẻ: “Gia đình tôi vui mừng vì thoát được diện nghèo, mức thu nhập ngày càng khá hơn, cuộc sống ổn định hơn. Quan trọng hơn là để suất hộ cận nghèo đó cho những gia đình còn khó khăn hơn trong cuộc sống, giúp họ có điều kiện được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước”.
Theo ông Tiến, trước đây, gia đình ông đông nhân khẩu. Cuộc sống gia đình phụ thuộc vào 2ha hồ tiêu. Năm 2018, hồ tiêu bị bệnh chết hơn phân nửa, làm cho kinh tế vốn khó khăn lại càng bấp bênh hơn. Trước tình hình đó, ông được địa phương bình xét cho vay vốn NHCSXH 40 triệu đồng hộ cận nghèo. Có vốn, ông đầu tư vào mua 5 con bò giống về nuôi. Quá trình nuôi thuận lợi, nên đàn bò sinh trưởng và tăng số lượng. Mỗi năm đàn bò sinh sản, ông xuất bán được hơn 2 lứa, thu về mấy chục triệu đồng.
Ông Tiến cho biết thêm: “Với mức thu nhập như hiện nay, gia đình cơ bản đáp ứng được chi phí sinh hoạt, con cái học hành. Hàng năm, gia đình canh tác thêm nhiều loại rau màu trên diện tích trước đây trồng tiêu. Nhờ đó, đời sống gia đình từng bước cải thiện”.
Ở thôn 4, xã Thuận Hà, gia đình bà Nguyễn Thị Tâm cũng được biết đến với nỗ lực thoát nghèo. Những năm trước, 2,5ha hồ tiêu trồng xen cà phê của bà Tâm không có vốn đầu tư nên năng suất rất thấp.
Năm 2019, sau khi được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn, gia đình bà đã đầu tư vào vườn cây. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, mỗi năm sau khi thu hoạch tiêu, cà phê, gia đình bà canh tác nhiều rau màu và nuôi gà. Với sự siêng năng, cần cù, hiện tại, nguồn thu nhập của gia đình bà tương đối ổn định.
Bà Tâm chia sẻ: “Nhờ nguồn vốn vay của Nhà nước, gia đình tôi có điều kiện đầu tư sản xuất, nuôi con cái ăn học. Thời gian tới chỉ mong mọi việc diễn ra thuận lợi, suôn sẻ như vậy để cuộc sống của gia đình ổn định hơn”.
Toàn huyện Đắk Song hiện có dư nợ trên 420 tỷ đồng, với gần 13.000 hộ vay vốn. Trong đó, riêng nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của huyện qua NHCSXH là 5,3 tỷ đồng. Hằng năm, với nguồn vốn được ủy thác, địa phương đã tạo điều kiện giúp nhiều hộ gia đình vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển SXKD.
Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: “Địa phương luôn quan tâm, trích nguồn ngân sách để ủy thác qua NHCSXH thực hiện công tác cho vay. Trong năm 2021, huyện trích ngân sách 2 tỷ đồng để bổ sung trong công tác cho vay. Làm sao để từ nguồn vốn ủy thác, người dân có điều kiện phát triển dần lên, ổn định cuộc sống. Đó là điều mà chúng tôi quan tâm, mong muốn rất nhiều”.
Tiếp tục huy động vốn ủy thác
Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác địa phương qua NHCSXH tỉnh Đắk Nông đạt trên 190 tỷ đồng, với hơn 7.000 hộ vay vốn. Nguồn vốn ủy thác đều được UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố trích từ nguồn ngân sách, với mục tiêu năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, sau khi thực hiện Chỉ thị số 40/CT-TW, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách không ngừng tăng lên. Trong năm 2021, các huyện, thành phố ủy thác 30 tỷ đồng từ ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho vay tại NHCSXH. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều hộ gia đình chính sách sẽ có thêm cơ hội vay vốn làm ăn.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Đào Thái Hòa cho biết: Năm 2021, tình hình kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng đơn vị vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 300 tỷ đồng so với năm 2020. Trong đó, 150 tỷ đồng được Trung ương phân bổ. Số còn lại là chi nhánh huy động và UBND tỉnh trích nguồn ngân sách ủy thác qua để cho vay. Riêng nguồn ủy thác từ ngân sách địa phương, chi nhánh đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh trong năm 2021 phấn đấu ủy thác qua khoảng 50 tỷ đồng. Nếu đạt như kế hoạch, nguồn vốn này sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dân, các địa phương trong công tác giảm nghèo.
Để nguồn vốn ủy thác từ ngân sách phát huy hiệu quả, quá trình bình xét, giải ngân vốn vay, kiểm tra sử dụng vốn… tại cơ sở luôn được đơn vị chỉ đạo các Phòng giao dịch thực hiện tốt. Trong quá trình triển khai, các địa phương phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách tại địa bàn. Từ đó, giúp họ có điều kiện đầu tư vào nhiều mô hình sản xuất, nâng cao đời sống.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tiep-suc-giam-ngheo-tu-nguon-von-uy-thac-dia-phuong.html

URLs in this post:

[1] Khi ý Đảng đi vào lòng dân (Bài 1 - Điểm sáng trong chính sách giảm nghèo): https://vbsp.org.vn/khi-y-dang-di-vao-long-dan-bai-1-diem-sang-trong-chinh-sach-giam-ngheo.html

[2] CHO TÂY NGUYÊN THÊM XANH (Kỳ 1: Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi): https://vbsp.org.vn/cho-tay-nguyen-them-xanh-ky-1-thoat-ngheo-nho-von-vay-uu-dai.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2021/02/dak-nong.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.