- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Những “cán bộ” tín dụng cơ sở mẫn cán

Posted By On 24/06/2014 @ 5:03 chiều In Hội nghị thi đua yêu nước NHCSXH lần thứ II,Người tốt - Việc tốt | No Comments

Những “cán bộ” tín dụng cơ sở là nhịp cầu đưa nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách [2]

Những “cán bộ” tín dụng cơ sở là nhịp cầu đưa nguồn vốn ưu đãi đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách

Theo chân cán bộ tín dụng NHCSXH đến những Điểm giao dịch, được trực tiếp trò chuyện với những người làm công tác tín dụng ở cơ sở, chúng tôi mới thấy được niềm đam mê công việc của họ đến nhường nào. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bất cứ khi nào có người vay vốn, họ lại nhiệt tình hướng dẫn làm thủ tục và luôn cảm thấy hãnh diện về điều đó. Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, NHCSXH trở thành người bạn thân thiết, đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Để có được thành quả như hôm nay, có phần đóng góp không nhỏ của những người làm công tác tín dụng ở cơ sở.

Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đồng Hương, xã Hương Mạc, thị xã Từ Sơn, do bà Nguyễn Thị Tiểu Khương làm Tổ trưởng là tấm gương tiêu biểu trong hoạt động đoàn thể của địa phương. Có được điều này không phải vì bà là người cao tuổi, mà còn vì tinh thần trách nhiệm cao và phương pháp làm việc khoa học. Mặc dù đã bước sang tuổi 72 nhưng trong công việc, bà luôn đi đầu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có nhiều kinh nghiệm làm việc với người nghèo, lại thêm đức tính cần cù, cẩn thận nên những khách hàng do bà quản lý đều tin tưởng và nể phục. Đứng trước công việc, bà luôn tâm niệm, phải giải quyết sao cho ổn thỏa và hợp lý, công bằng. Chính vì vậy, mỗi khi có vốn “rót” về, để khảo sát khách hàng là những đối tượng cần được tiếp cận nguồn vốn, bà đều đi vào buổi tối, bởi lý giải của bà “ban ngày là thời gian vàng ngọc của người dân làng nghề đồ gỗ Hương Mạc”.

Tổ tiết kiệm và vay vốn do bà quản lý từ chỗ chỉ có 6 hộ vay với số tiền 30 triệu đồng, đến nay đã lên đến 500 triệu đồng với 53 tổ viên được vay vốn. 11 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng là ngần ấy thời gian bà được gặp gỡ, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện để người nghèo nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn.

Bà Khương tâm sự: “Trong công tác cho vay, tôi thực hiện đúng quy trình từ khâu rà soát, bình xét đến kiểm tra đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Từ khi thành lập đến nay, Tổ luôn duy trì họp định kỳ hàng tháng, thu nộp gốc, lãi đầy đủ không có nợ quá hạn”.

Tại Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ xã Ngọc Xá, huyện Quế Võ, chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Hữu Bằng là tấm gương tiêu biểu cho nhiều cán bộ khác học tập, noi theo. 38 tuổi đời, chị đã có 9 năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chị là người phụ nữ gánh việc xã hội trên cả 2 vai. Vừa là cán bộ dân số xã, ủy viên Ban thường vụ Hội Phụ nữ xã và là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Với chị công việc nào cũng quan trọng, phải nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng làm “cán bộ” tín dụng cơ sở khó khăn lớn nhất đó là thẩm định hộ nghèo và các đối tượng chính sách làm sao cho đúng, chính xác.

Chị Hương chia sẻ: “Làm công tác tín dụng cơ sở cũng có nhiều vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình đã góp một phần công sức giúp người dân thoát nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Còn nỗi buồn đôi khi không biết tỏ cùng ai bởi cùng sống trong một thôn, xóm nhiều lần bị các gia đình ý kiến này nọ, thậm chí “ghét” tại sao không bình xét gia đình họ vào đối tượng được vay vốn…”.

Song chẳng phải vì những lý do đó mà chị Hương sao nhãng công việc chung. Địa bàn chị quản lý, từ chỗ chỉ có vài hộ vay với số vốn ít ỏi, đến nay đã có 66 hộ vay với dư nợ hơn 1 tỷ đồng, có một số gia đình còn được vay lồng ghép tới 2, 3 chương trình. Điều đáng ghi nhận ở Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị quản lý nhiều năm nay không có hộ nào nợ quá hạn.

Còn ở Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Vân Khám, xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, ông Dương Văn Như cũng được nhiều người dân yêu mến bởi đức tính hiền lành, nhiệt tình luôn chia sẻ, gần gũi với người nghèo. Ông tham gia làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn từ năm 2006, đến nay, nguồn vốn do ông quản lý đã lên tới hơn 900 triệu đồng với 52 khách hàng đang có dư nợ. Mỗi khách hàng, mỗi gia đình đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng điều ông trăn trở nhất là làm thế nào để khi được nhận vốn, người dân biết cách cho đồng vốn sinh lời để vừa trả được gốc và lãi cho ngân hàng, vừa cải thiện được cuộc sống gia đình. Với tâm niệm đó, trong nhiều năm gắn bó với Tổ tiết kiệm và vay vốn, ông Như rất vui khi có nhiều hộ ăn nên làm ra, thoát nghèo nhờ những đồng vốn của NHCSXH. Khi được hỏi lý do khiến ông gắn bó và làm việc hết mình với chức trách là “cán bộ không chuyên”, ông cười: “ngày nào cũng được gặp gỡ, tiếp xúc với người dân, được chứng kiến họ khá lên từng ngày từ đồng vốn tín dụng ưu đãi, đối với tôi đó là niềm hạnh phúc nhất”.

Tận mắt chứng kiến và gặp gỡ những người làm công tác tín dụng cơ sở, được nghe họ trải lòng mới thấy được ý nghĩa to lớn mà nguồn vốn chính sách của Nhà nước đem lại. Cuộc sống được nâng lên an sinh xã hội được bảo đảm và đặc biệt hơn, mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự giúp bà con gần gũi nhau, tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết và bền chặt.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/nhung-can-bo-tin-dung-co-so-man-can.html

URLs in this post:

[1] Có một Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn dẫn đầu về quản lý nguồn vốn ưu đãi: https://vbsp.org.vn/co-mot-to-tiet-kiem-va-vay-von-luon-dan-dau-ve-quan-ly-nguon-von-uu-dai.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2014/06/ảnh-Những-“cán-bộ”-tín-dụng-cơ-sở-mẫn-cán.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.