- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Nhọc nhằn tín dụng chính sách nơi vùng biên

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 30/03/2018 @ 4:22 chiều In Tin mới cập nhật | No Comments

Đường lên huyện miền núi Tây Giang [2]

Đường lên huyện miền núi Tây Giang

Đi khắp bản làng

Mới gặp ông Ploong Đinh - Chủ tịch UBND xã A Xan, huyện Tây Giang, ông đã “rào” trước chúng tôi một câu: “Ồ, mình chuẩn bị đi họp cho bà con vay tiền. Mình chỉ tiếp bạn một chút thôi. Bà con vùng biên giới đang cần vốn lắm…”. Nhìn ra phía ngoài sân của UBND xã, thấy bà con đang chờ đợi rất đông, chúng tôi chưa hiểu về thủ tục vay vốn trên dải Trường Sơn, nên thắc mắc với Ploong Đinh: “Dân đi vay tiền của ngân hàng thì để bà con với cán bộ tín dụng làm việc với nhau. Việc gì xã phải chen vào cho mệt?”. Không chần chừ, Chủ tịch Đinh cao giọng giải thích: “Nói rứa là không ổn rồi, xã là người đại diện pháp lý đứng ra bảo lãnh cho dân vay ngân hàng. Đến hạn thu hồi vốn, xã cũng lo luôn, không giống như dưới xuôi mô”.

Sau hơn 5 năm hoạt động mô hình “Ngân hàng Bò” do Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, triển khai ở các xã biên giới, đạt hiệu quả kinh tế hộ gia đình khá cao, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định mở rộng mô hình “Ngân hàng Bò” ra toàn bộ các xã miền núi trong tỉnh. NHCSXH tỉnh chịu trách nhiệm giải ngân vốn xuống tận tay bà con.

Anh Võ Tấn Lũy - Tổ trưởng Tổ tín dụng NHCSXH huyện Tây Giang tóm lược công việc của mình: “Để đồng vốn của Nhà nước đến tận đồng bào ở vùng cao, chúng tôi phải lặn lội đi nhiều lần: Lần thứ nhất, đi khảo sát, vận động, giải thích cho bà con hiểu có những quy định của Nhà nước về đối tượng được vay vốn khác nhau. Lần thứ hai, làm việc với xã và làm các thủ tục hành chính cần thiết. Lần thứ ba, mang tiền lên giao tận tay cho bà con. Lần thứ tư, thứ năm… “dòm ngó” xem đồng vốn được đồng bào phát triển như thế nào?”.

Anh Lũy đi vào nhà lấy bộ dây xích để chứng minh nhiệm vụ của mình: “Đây này, chỉ có “hàng” này quấn vào bánh xe gắn máy, khi đó mới “ngự trị” được trên đường gian khổ vắt qua dải Trường Sơn. Chúng tôi chỉ thua lính biên phòng là không đi tuần tra ở đường biên cột mốc, còn tất cả các bản, làng ở rừng Trường Sơn huyện Tây Giang chỗ nào mà dân tín dụng lại không biết. Mỗi chuyến đi công tác kéo dài từ 10 - 15 ngày mới về huyện lỵ, thời gian đó không ngủ trong nhà dân thì ngủ ở đâu? Anh nào đi công tác trên này lại không có thành tích “đo đường” biên giới”.

“Nằm vùng” để lo phát triển kinh tế hộ

Năm 2003, khi huyện Tây Giang được thành lập thì NHCSXH huyện cũng ra đời. Huyện biên giới Tây Giang có 10 xã, đường sá đi lại rất khó khăn, nhất là đường đến các thôn, bản, trong đó có 5 xã chưa có điện. Hầu hết là đồng bào Cơ Tu, ý thức về việc vay vốn để phát triển sản xuất, thoát nghèo là điều gì đó thật xa vời đối với họ. Bởi vậy, công việc đầu tiên của những cán bộ tín dụng chính là đi tới tận từng thôn, bản để thuyết phục, giải thích chính sách cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp.

Tất cả các chương trình của NHCSXH tại vùng cao Tây Giang vay vốn này đều không phải thế chấp bất cứ cái gì cho ngân hàng. Nhưng cán bộ ngân hàng lại dành nhiều thời gian để “Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ. Nuôi thêm đàn lợn béo, trồng thêm lúa, thêm ngô…”. Anh Lũy giải thích: “Đồng bào chưa có kinh nghiệm tổ chức sản xuất kinh tế hộ gia đình, cán bộ ngân hàng sau khi giải ngân vốn đến tay bà con, mình xuống ở lại dưới thôn, hướng dẫn bà con cách chọn giống bò tốt, nhà nào không biết cách làm chuồng, mình cũng xắn tay lên làm giúp họ. Nghĩa là hiệu quả cuối cùng là đồng vốn phải “đẻ” ra nhiều con bò mới, nhiều tấn lúa, con lợn, con vịt và nhanh thu hồi vốn, quay vòng cho hộ khác vay. Nhờ vậy, có nhiều gia đình có cơ sở phát triển tốt trả lại vốn cho ngân hàng”.

Đôi lúc cán bộ tín dụng là người Kinh giải thích với đồng bào cũng chẳng khác gì “nước đổ lá môn”, vì đồng bào chỉ tin vào lời những Trưởng bản có uy tín. Thế nên, sau vài lần giải thích chẳng ăn thua cán bộ tín dụng ta đổi chiến thuật, chọn phương châm tiếp cận Trưởng bản trước. Vậy là cán bộ “nằm vùng” vài ngày để giúp cho Trưởng bản hiểu rõ chính sách và giải thích lại cho dân. Rồi thì lại chọn chính những Trưởng bản ấy làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, cầm tay chỉ việc cho họ làm, dựa vào hiệu quả công việc để trả tiền hoa hồng, động viên họ cùng làm với cán bộ tín dụng.

Sau đó, cán bộ tín dụng cùng đi với Tổ trưởng xuống tận người dân để giải thích, cán bộ nói tiếng Kinh, còn Tổ trưởng có nhiệm vụ “phiên dịch” sang tiếng Cơ Tu dân mới hiểu. Chị Hồ Thị Minh Hương, cán bộ NHCSXH huyện Tây Giang cho biết: “Công việc “ăn dầm nằm dề” ở bản để thuyết phục bà con quả là lắm thử thách! Nếu không có lòng kiên trì, nhẫn nại thì khó ai làm nổi. Dân bản nói rằng họ thà nghèo, ăn sắn ăn muối chứ vay thì họ chẳng vay, không nợ Nhà nước được, nợ khó trả lắm.

Dù có những khoản chỉ cho vay 5 triệu đồng, không có lãi, 5 năm sau mới trả nhưng họ cũng lắc đầu”. “Mưa dầm thấm lâu”, nói một lần không được thì nói mãi, đến khi nào đồng bào thấu hiểu mới thôi. Khi đồng bào chịu vay rồi thì cán bộ tín dụng cũng phải tư vấn mô hình trồng cây, chăn nuôi nào cho phù hợp để họ ứng dụng. Những khó khăn ban đầu dần được khắc phục, nhiều người dân đã hiểu rõ đó là chính sách ưu tiên đặc biệt của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào để họ có điều kiện thoát nghèo nên mạnh dạn vay vốn, trồng cây, chăn nuôi, phát triển sản xuất.

Ở thôn Agrồng, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, nhiều hộ mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình. Ông Ra Đăh Nham vay 13,5 triệu đồng mua 2 con bò, đến nay đàn bò tăng lên được 5 con và luôn trả lãi đúng hạn cho ngân hàng. Gia đình ông Blúp Nghếch cũng vậy. Ông Nghếch vay 15 triệu đồng để trồng 2ha keo, đến nay sắp đến vụ thu hoạch. Ông cười hồ hởi cho biết: “Sang năm thu hoạch keo xong, tôi sẽ trả được nợ ngân hàng và đầu tư trồng mới. Còn hiện tại thì gia đình tôi chủ động trả lãi đúng hạn chưa để cán bộ phải nhắc nhở!”.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/nhoc-nhan-tin-dung-chinh-sach-noi-vung-bien.html

URLs in this post:

[1] Bước đột phá ở Nam Giang: https://vbsp.org.vn/buoc-dot-pha-o-nam-giang.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2018/03/can_bo_tin_dung_XJVV.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.