- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Làm giàu từ vốn chính sách

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 27/08/2021 @ 4:29 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

qnam [4]

Nhờ vay vốn NHCSXH nên người dân miền núi Nam Trà My đã phát triển chăn nuôi, thoát nghèo bền vững

Thoát nghèo nhờ đàn trâu, bò
Mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn chính sách ưu đãi, cùng sự cần cù lao động, chị Hồ Thị Giang ở nóc Ông Ní, thôn 2, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My đã thoát nghèo và được khoản tiết kiệm kha khá. Nhiều năm trước, được Hội Phụ nữ xã Trà Vân tuyên truyền, chị đã mạnh dạn vay vốn chính sách mua trâu, bò về nuôi. Với nguồn thức ăn sẵn trên diện tích 5ha đồng cỏ tự nhiên và 3 tạ sắn thu hoạch hàng năm, đàn trâu của chị phát triển nhanh. Từ số trâu ban đầu, chị bán lấy vốn và tiếp tục tăng số lượng đàn. Sau thời gian dài kiên trì với mô hình chăn nuôi này, chị Hồ Thị Giang đã có đàn trâu, bò với 12 con, kinh tế gia đình ổn định
Từ đó, chị đúc kết được nhận định khi chăm sóc đàn trâu, đó là: Ít tốn công chăn thả, không lo ngại dịch bệnh vì được nuôi tách biệt với các hộ khác. Chị chia sẻ: “Vì đàn trâu, bò phát triển nhanh, không bị chết nên mỗi năm tôi bán 2 con, thu về hơn 40 triệu đồng”. Những năm gần đây, gia đình chị tiếp tục đầu tư mua đất canh tác, trồng thêm keo và hàng nghìn gốc quế Trà My, nuôi thả thêm gà, heo. Dù vậy chị vẫn duy trì số lượng đàn trâu bò ổn định mỗi năm. Đây là nguồn vốn ổn định, hiệu quả và an toàn nhất đối với gia đình chị.
Nhờ chịu khó, cần cù lao động, từ chỗ là hộ nghèo khó ở địa phương, đến nay gia đình chị Hồ Thị Giang đã có nhà cửa ổn định, con cái học hành đầy đủ cùng với khoản tiết kiệm kha khá gửi ngân hàng. Gia đình chị Hồ Thị Giang chỉ là là một trong hàng trăm lượt hộ dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi theo chính sách hỗ trợ đồng bào miền núi thoát nghèo hiệu quả ở địa bàn.
Giàu nhờ sâm Ngọc Linh
Năm 1981, CCB Hồ Văn Diếu ở thôn 3, xã Trà Linh xuất ngũ trở về địa phương làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, cái đói nghèo vẫn cứ đeo bám mãi nên ông quyết tâm tìm cách để thoát nghèo. Trà Linh là vùng đất của các loài dược liệu quý hiếm, trong đó có cây sâm Ngọc Linh - loại cây có giá trị kinh tế cao. Với ý nghĩ đó, ông cùng vợ con tìm hạt, vào rừng mở rộng diện tích gieo trồng.
Càng ngày, cây sâm có giá trị kinh tế càng cao, gia đình ông cùng bà con trong xã mạnh dạn vay vốn trồng sâm. Ông cho hay, trồng sâm đòi hỏi phải có vốn lớn, muốn cây sinh trưởng, phát triển tốt phải đảm bảo độ ẩm ướt và che phủ mặt đất quanh năm.
Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, vườn sâm của gia đình CCB này sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Đến nay, 3 vườn sâm của gia đình ông rộng hơn 10ha với đủ độ tuổi, sâm nhiều tuổi nhất là trên 20 năm, ít nhất là một năm. Với giá hiện nay, mỗi vườn sâm ước tính cho thu hoạch khoảng 200 tỉ đồng. Riêng hạt sâm cho thu hoạch 40 lon hạt/năm, mỗi lon hạt có giá 130 triệu đồng. Nhờ chăm chỉ làm ăn, gia đình ông đã thực sự thoát nghèo và có của ăn của để, mua sắm ô tô đắt tiền, con cháu học hành đầy đủ, xây dựng nhà cửa khang trang…
Không những thế, ông Hồ Văn Diếu còn giúp đỡ nhiều hội viên CCB và bà con trong xã, nhất là đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn. Hộ nào không có tiền mua cây giống, ông hỗ trợ cây giống; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cách trồng và chăm sóc để cây sâm phát triển tốt…
Những việc làm đó không chỉ thể hiện tấm lòng, chia sẻ với những khó khăn của người dân. Ông còn đồng hành với lãnh đạo địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn vay vốn đầu tư, trồng và phát triển sâm Ngọc Linh, các loài cây dược liệu, làm giàu cho quê hương. Nghị lực vượt khó làm giàu và lòng nhân ái của CCB Hồ Văn Diếu đã được các cấp ghi nhận, biểu dương khen thưởng bằng nhiều hình thức.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch huyện Nam Trà My cho biết, huyện đã triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả cao. Trong 8 tháng đầu năm 2021, toàn huyện có 594 lượt hộ tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, với nguồn vốn 24,3 tỉ đồng. Tổng dư nợ lũy kế đến thời điểm hiện nay đạt 4.805 hộ với 173,4 tỉ đồng. Hộ vay vốn chủ yếu mua trâu, bò, heo và các giống cây dược liệu, trồng sâm Ngọc Linh, trồng rau sạch… để tăng gia sản xuất.
Đặc biệt, nhờ công tác tuyên truyền, vận động tích cực cùng với việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc thoát nghèo bền vững, không ỉ lại, mạnh dạn vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay, huyện Nam Trà My đã có 398 hộ nghèo đăng ký thoát nghèo bền vững trong năm 2021.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/lam-giau-tu-von-chinh-sach-2.html

URLs in this post:

[1] Nam Giang nhân rộng mô hình giảm nghèo: https://vbsp.org.vn/nam-giang-nhan-rong-mo-hinh-giam-ngheo.html

[2] Hiệu quả tín dụng chính sách đối với hộ nghèo ở vùng biên Quảng Nam: https://vbsp.org.vn/hieu-qua-tin-dung-chinh-sach-doi-voi-ho-ngheo-o-vung-bien-quang-nam.html

[3] Trồng nấm, nuôi dúi giúp thanh niên Quảng Nam làm giàu: https://vbsp.org.vn/trong-nam-nuoi-dui-giup-thanh-nien-quang-nam-lam-giau.html

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2021/08/qnam.jpeg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.