- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Hướng đến sự phát triển bền vững

Posted By On 24/02/2015 @ 2:16 chiều In Tin mới cập nhật | No Comments

Để NHCSXH phát triển bền vững, tiếp tục là một công cụ đắc lực góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ, cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa [3]

Để NHCSXH phát triển bền vững, tiếp tục là một công cụ đắc lực góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Chính phủ, cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa

Theo công bố của Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại thời điểm năm 1993, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hộ nghèo đói cao chiếm tới 58%; có nhiều nguyên nhân dẫn tới nghèo đói trong đó có nguyên nhân thiếu vốn sản xuất. Khi đó, NHNo&PTNT có sáng kiến thiết lập Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo với sự góp vốn từ NHNN và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam với tổng số tiền 400 tỷ đồng. Đến năm 1995, trên cơ sở Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo, Chính phủ cho phép thành lập Ngân hàng Phục vụ người nghèo (NHPVNN) và giao cho NHNo&PTNT phân công nhân sự tổ chức quản lý và thực hiện.

Sau 7 năm hoạt động theo mô hình này, NHPVNN cũng đã thu được một số kết quả nhất định, bước đầu tập trung được nguồn lực trên 7.000 tỷ đồng (nguồn vốn chủ yếu từ nguồn huy động của NHNo&PTNT), gần 1 triệu hộ nghèo đã tiếp cận được với vốn tín dụng.

Bẩy năm hoạt động của NHPVNN cũng là 7 năm đúc rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá về mô hình cũng như phương thức quản lý để hình thành NHCSXH sau này. Về mặt pháp lý, NHPVNN trước đây là một pháp nhân không tổ chức bộ máy riêng mà giao cho NHNo&PTNT Việt Nam (NHTM Nhà nước) tổ chức thực hiện (phân công cán bộ chuyên trách và tổ chức hạch toán riêng nguồn vốn và sử dụng vốn NHPVNN). Ưu điểm lớn nhất của mô hình quản lý này là tiết giảm chi phí quản lý, không phải tuyển dụng và đào tạo cán bộ cũng như xây dựng cơ sở vật chất từ Trung ương đến cấp huyện, sử dụng nhân lực và cơ sở vật chất của NHTM Nhà nước để tác nghiệp, ngay việc chuyển tải vốn cho hộ nghèo kể cả ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức quản lý này có quá nhiều vấn đề vướng mắc về mặt pháp nhân, về tổ chức chỉ đạo thực hiện. Hậu quả là mức độ tập trung nguồn lực về vốn cho người nghèo không cao, chậm, nợ quá hạn của hộ nghèo gia tăng và mặt khác, nhiệm vụ kinh doanh theo cơ chế thị trường của NHNo&PTNT cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, NHNo&PTNT Việt Nam đã đề xuất NHNN trình Chính phủ để tổ chức lại NHPVNN.

Với mục tiêu tập trung nguồn lực để cung cấp dịch vụ tín dụng ngân hàng (gồm cả hoạt động và vay vốn) đầy đủ, thuận tiện với chi phí thấp nhất cho hàng triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang sống tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Việc tổ chức một ngân hàng riêng biệt để đạt được mục tiêu trên là cả một bài toán khó có lời giải thỏa đáng. Có nhiều ý kiến, nhiều quan điểm khác nhau của các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách thuộc các bộ, ngành về vấn đề này kể cả sau khi Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định thành lập NHCSXH.

Sử dụng một NHTM kiêm dịch vụ tín dụng cho người nghèo thì đã có bài học 7 năm trước đây của NHPVNN tại NHNo&PTNT Việt Nam. Hình thành một ngân hàng có bộ máy đầy đủ đến cấp huyện trên phạm vi toàn quốc với mấy vạn cán bộ thì chi phí sẽ rất lớn. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp khó có cơ sở để cho vay lãi suất thấp cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trên thế giới cũng có những quốc gia thành lập ngân hàng riêng cho người nghèo như Bănglađét nhưng lãi suất cho vay đến người nghèo lại rất cao, thậm chí cao hơn lãi suất của NHTM. Tại Brazil tổ chức ngân hàng riêng cho người nghèo cho vay lãi suất ưu đãi nhưng hoàn toàn phụ thuộc vốn ngân sách Nhà nước nên nguồn lực không nhiều, không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người nghèo.

Sau những nghiên cứu nghiêm túc và những điều kiện riêng có của Việt Nam, ngày 04/10/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg về việc thành lập NHCSXH trên cơ sở tổ chức lại NHPVNN. Năm 2003, NHCSXH chính thức hoạt động.

NHCSXH có tổ chức bộ máy đến cấp huyện nhưng bộ máy rất gọn nhẹ. Thời kỳ đầu mỗi huyện có từ 5 - 7 cán bộ, hiện nay có từ 8 - 12 cán bộ, đặc biệt có sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện dịch vụ ủy thác một số công đoạn trên cơ sở thiết lập hàng trăm nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn làm nhiệm vụ giám sát, quản lý hộ nghèo sử dụng vốn vay, hàng vạn cán bộ của các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động cho NHCSXH.

Tín dụng của NHCSXH là một trong những giải pháp tích cực góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 58% năm 1993 xuống 14% năm 2013. NHCSXH đã tổng kết sau 10 năm hoạt động và được Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như nhân dân ghi nhận những đóng góp của NHCSXH cho mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược hoạt động của NHCSXH đến năm 2020.

Tuy nhiên, sau 12 năm hoạt động đi sâu phân tích nguồn vốn và sử dụng vốn cho thấy nguồn vốn của NHCSXH đến thời điểm hiện nay đạt trên 136 nghìn tỷ đồng thì tỷ trọng vốn tự có (Vốn điều lệ, vốn cho các chương trình và vốn ngân sách địa phương) chỉ đạt 17%; lớn nhất là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tiền gửi 2% từ các NHTM; Vay NHNN chiếm tới 63%; vốn huy động tiết kiệm từ dân cư và người nghèo chỉ đạt 2%. Nguồn vốn còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn trái phiếu Chính phủ và các NHTM, thiếu đi tính chủ động và bền vững của một ngân hàng. Tổng dư nợ đã đạt trên 129 nghìn tỷ đồng, bình quân một hộ nghèo được vay vốn 15 triệu đồng/hộ, hộ cận nghèo 19 triệu đồng/hộ. Mức vốn bình quân mỗi hộ được vay còn thấp; hộ nghèo, hộ cận nghèo đang có nhu cầu vay mức vốn cao hơn để có thể mở rộng sản xuất, có thêm điều kiện tăng thu nhập thoát nghèo bền vững.

Sau 12 năm thực hiện phương pháp đưa vốn trực tiếp đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác, không thể phủ nhận nhiều hộ đã tự lo toan làm ăn, nâng cao thu nhập, cải thiện được cuộc sống, vươn lên thoát ngưỡng nghèo. Bên cạnh đó, mặc dù chưa có số liệu điều tra khảo sát đầy đủ nhưng không ít hộ nghèo từ khi nhận vốn vay từ ngày NHCSXH thành lập, thậm chí từ NHPVNN nhưng đến nay vẫn không thoát ngưỡng nghèo, phần đông là đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa hoặc đồng bào dân tộc Tây Nguyên, Tây Nam bộ, do bản thân họ không thể sử dụng vốn trực tiếp cho sản xuất và dịch vụ để cải thiện cuộc sống, do nhiều nguyên nhân họ chỉ có thể đi làm thuê hoặc phụ thuộc vào việc sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân khác. Vì vậy bên cạnh phương thức cho vay trực tiếp cần thiết phải nghiên cứu phương thức đầu tư gián tiếp khác tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho những đối tượng này.

Để NHCSXH phát triển bền vững, tiếp tục là một công cụ đắc lực góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo của Chính phú, cần làm tốt hơn nữa phương thức chuyển tải vốn trực tiếp như hiện nay, phải xây dựng Tổ tiết kiệm và vay vốn thực sự trở thành mạng lưới “chân rết” của NHCSXH.

Nhằm khắc phục dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn và có thể tự huy động, NHCSXH có thể giao cho các Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện đại lý huy động vốn trên cơ sở tận dụng triệt để sự phát triển công nghệ thông tin phục vụ cho nhu cầu này. Nguồn vốn huy động được đầu tư cho hộ cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn với lãi suất cho vay, tính đủ chi phí đầu vào tại thời điểm này những đối tượng trên chỉ cần ưu đãi về điều kiện vay vốn.

Cuối cùng, cần xây dựng Đề án nghiên cứu áp dụng phương thức đầu tư gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân có thể tạo việc làm, tạo thu nhập cho những hộ nghèo, hộ thu nhập thấp, những hộ không thể tự sử dụng vốn trực tiếp sản xuất kinh doanh.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/huong-den-su-phat-trien-ben-vung-2.html

URLs in this post:

[1] Năm 2015: Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực NHCSXH: https://vbsp.org.vn/nam-2015-tie%cc%81p-tu%cc%a3c-nang-cao-cha%cc%81t-luo%cc%a3ng-nguo%cc%80n-nhan-lu%cc%a3c-nhcsxh.html

[2] Một số giải pháp góp phần phát triển bền vững NHCSXH: https://vbsp.org.vn/mot-so-giai-phap-gop-phan-phat-trien-ben-vung-nhcsxh.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/02/image001.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.