- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở Sốp Cộp

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 26/05/2020 @ 4:33 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

sop cop [3]

Các hộ dân huyện Sốp Cộp (Yên Bái) sử dụng vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi

Ông Tòng Văn Khiên ở bản Pe, xã Sốp Cộp là một trong những hộ thoát nghèo nhờ được tiếp cận vốn ưu đãi chính sách. Năm 2008, gia đình ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn của bản bình xét cho vay chương trình hộ nghèo của NHCSXH 20 triệu đồng. Có vốn, gia đình ông mua được 2 con trâu sinh sản, đến năm 2011 thì phát triển lên được 5 con trâu; bán một con đủ trả khoản vay ngân hàng.
Thấy hiệu quả, năm 2012 và năm 2017, gia đình ông tiếp tục vay 80 triệu đồng chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn để đầu tư mở rộng quy mô nuôi trâu, bò sinh sản và nuôi lợn thịt 10 con mỗi lứa; đàn gia cầm 350 con và hơn 2.500m² ao cá, trồng 2ha vườn cây ăn quả… Sau trừ chi phí, thu nhập của gia đình được hơn một trăm triệu đồng mỗi năm.
Cũng giống gia đình ông Khiêm, gia đình anh Vì Văn Thưởng ở bản Nà Dìa trước đây cũng là hộ nghèo, được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, anh đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản. Sau 5 năm, gia đình anh đã thoát nghèo. Hiện gia đình anh duy trì nuôi 2 con bò sinh sản; đàn gia cầm hơn 100; đào 3 ao thả cá rộng hơn 2.500 m²; trồng hơn 1ha cà phê, nhãn, xoài, mận hậu… mang lại thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.
Mạnh dạn phát triển kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, anh đã được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Anh Thưởng cho biết: Hiện bản có 146 hộ thì có 72 hộ đang được vay vốn của NHCSXH với tổng dư nợ hơn 2,6 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều hộ gia đình nghèo, cận nghèo trong bản đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khấm khá, no ấm hơn. Cả bản chỉ còn 5 hộ nghèo.
Hiện nay, NHCSXH huyện Sốp Cộp đã và đang phối hợp hiệu quả với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai cho vay 11 chương trình tín dụng tại tất cả các xã, bản. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, NHCSXH huyện đã giải ngân gần 18 tỷ đồng cho 599 hộ vay vốn.
Hiện, tổng dư nợ toàn huyện là hơn 261 tỷ đồng, với 6.486 hộ vay vốn, bình quân 40 triệu đồng/hộ… Để đảm bảo nguồn vốn vay đúng đối tượng; các hộ vay sử dụng đúng mục đích, NHCSXH huyện và các hội, đoàn thể thường xuyên kiểm tra các hộ trong việc sử dụng vốn vay.
Giám đốc NHCSXH huyện Sốp Cộp Nguyễn Văn Lợi cho biết: Nhằm phát huy vai trò là “bà đỡ” cho hộ nghèo, gia đình chính sách trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, NHCSXH huyện sẽ tiếp tục bám sát các chương trình, mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội hàng năm của huyện, kịp thời giải ngân đến đúng đối tượng, giúp người dân có vốn đầu tư phát triển SXKD, dịch vụ.
Đặc biệt, ưu tiên tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật. Khi người dân có nhu cầu vay vốn, NHCSXH huyện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội, đoàn thể, Trưởng bản tiến hành rà soát, bình xét lựa chọn những đối tượng đủ điều kiện. Đồng thời, tiếp tục định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp tiềm năng, thế mạnh để bảo đảm hiệu quả đồng vốn vay. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, theo dõi sát sao, nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời.
Nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã và đang góp phần quan trọng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế tại huyện biên giới Sốp Cộp.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/hieu-qua-nguon-von-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-o-sop-cop.html

URLs in this post:

[1] Trồng quế, nuôi trâu, nông dân Yên Bái thoát nghèo: https://vbsp.org.vn/trong-que-nuoi-trau-nong-dan-yen-bai-thoat-ngheo.html

[2] Động lực giúp người dân vùng cao thoát nghèo: https://vbsp.org.vn/dong-luc-giup-nguoi-dan-vung-cao-thoat-ngheo.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/05/sop-cop.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.