- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Chăn nuôi trâu, bò vỗ béo để thoát nghèo

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 09/10/2020 @ 5:06 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

chângbaonuoitrau [3]

Mô hình nuôi nhốt trâu vỗ béo của hộ Cháng A Bào ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang)

Thôn Nà Coóc có 160 hộ; trong đó, 130 hộ chăn nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo. Hộ nuôi ít 1 - 2 con, hộ nuôi nhiều cả chục con. Anh Giàng A Cồ cho biết: Đất sản xuất nông nghiệp ít, phát triển kinh tế gia đình rất khó khăn, được xã động viên, giúp đỡ, gia đình mạnh dạn làm đơn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện, đầu tư nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo. Ngày cho ăn, uống nước 3 lần, đúng giờ, không tốn nhiều công chăm sóc. Mỗi năm nuôi 4 lứa, mỗi lứa nuôi 4 - 5 con. Nhờ đồng vốn được quay vòng liên tục, gia đình anh Cồ thu về trên 40 triệu đồng/năm. Từ một hộ nghèo, chỉ sau 3 năm, gia đình anh Cồ đã thoát nghèo.
Đối với người Mông, nuôi trâu bò vốn có từ đời cha ông. Nhưng, ngày xưa nghèo khó, mỗi hộ chỉ nuôi 1 hoặc 2 con, trâu bò thả rong ngoài rừng, tối tự về. Ngày đầu ở thôn Tiên Tốc, thấy bà con muôn vàn khó khăn, Hội nông dân xã Bình An đã đứng ra tín chấp với NHCSXH huyện Lâm Bình để cho 31 hộ vay vốn đầu tư nuôi trâu bò vỗ béo, bình quân vay từ 30 - 50 triệu đồng/hộ. Nhờ vậy, nhiều hộ có việc làm, từng bước thoát nghèo, có cuộc sống ổn định.  
Đến nay, sau hơn 10 năm định cư, ngoài sự giúp đỡ của Nhà nước, bà con được cán bộ khuyến nông huyện về tận thôn, vào tận nhà “cầm tay chỉ việc”, cách làm chuồng chống nóng, chống rét cho trâu, bò; kỷ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Đặc biệt, NHCSXH về tận xã cho vay vốn.
Hiện, gần 100% hộ dân ở thôn Tiên Tóc được vay vốn tín dụng chính sách nuôi trâu bò vỗ béo, với mức vay từ 50 - 100 triệu đồng/hộ. Đa số hộ trong thôn không chỉ thoát nghèo mà còn thành hộ khá trong thôn, trong xã. Gia đình trưởng thôn Cháng A Bào là một trong số đó.
Ông Bào cho biết: Thông qua Hội Nông dân, ông được hỗ trợ vay 50 triệu từ NHCSXH huyện Lâm Bình. Có vốn, ông đầu tư nuôi nhốt trâu vỗ béo. Bình quân, gia đình nuôi 4 lứa trâu/năm, 4 - 5 con/lứa. Chỉ trong thời gian 2 - 3 tháng, thu lãi trên 2 triệu đồng/con/lứa, cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô. “Nhờ vốn vay được quay vòng liên tục, mỗi năm nhà tôi thu nhập trên 50 triệu đồng, giờ hết cái nghèo rồi. Đúng như chủ tịch xã Ma Công Khâm nói: Con trâu là “đầu” xóa nghèo!”, ông Bào vui vẻ nói.
Mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo đang trở thành một nghề của bà con DTTS xã vùng cao An Bình. Xã đã và đang tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân rộng để mang lại thu nhập ổn định, tạo đà phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Toàn xã hiện có hơn 1.000 con trâu, 300 con bò. Mấy năm nay thương lái từ Hà Nội và các tỉnh lân cận đã biết tìm đến thị trường gia súc xã An Bình nói riêng, huyện Lâm Bình nói chung. Để chủ động thức ăn cho đàn trâu bò ngày càng phát triển, nhiều gia đình đã chủ động sử dụng diện tích đất ven suối, soi bãi; chuyển đổi đất vườn, đồi trồng ngô, lúa năng suất thấp sang trồng cỏ. Hiện, toàn xã có hơn 5ha cỏ voi, cỏ VA06, con số này chưa dừng lại.   
Nhờ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo của bà con DTTS xã Bình An đem lại hiệu quả nhiều mặt, vừa góp phần giải quyết việc làm, giúp phát tiển chăn nuôi theo hướng hàng hóa để nâng cao thu nhập, vừa giúp người dân giảm nghèo bền vững. Mô hình cũng được coi là giải pháp chính, trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã vùng cao Bình An.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/chan-nuoi-trau-bo-vo-beo-de-thoat-ngheo.html

URLs in this post:

[1] “Trao cần câu” để thoát nghèo bền vững: https://vbsp.org.vn/trao-can-cau-de-thoat-ngheo-ben-vung.html

[2] Vay vốn trồng hoa kiểng, thoát nghèo sau 2 năm: https://vbsp.org.vn/vay-vo%cc%81n-tro%cc%80ng-hoa-kie%cc%89ng-thoa%cc%81t-nghe%cc%80o-sau-2-nam.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/10/chângbaonuoitrau.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.