- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

CCB xã Đak Krong phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

Posted By On 11/07/2013 @ 9:20 sáng In Tin mới cập nhật | No Comments

Hội viên CCB xã Đak Krong, huyện Đak Đoa trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng [3]

Hội viên CCB xã Đak Krong, huyện Đak Đoa trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây trồng

Rời quân ngũ từ năm 1979, ông Nhonh trở về làng Ang Lẻh, xã Đak Krong với hành trang trên vai là chiếc ba lô con cóc đã phai màu sương gió cộng với niềm vui đoàn tụ gia đình. Như bao trai làng khác, ông Nhonh cũng nhanh chóng lập gia đình và bị cuốn vào nỗi lo chạy ăn từng bữa khi đàn con đông dần lên 7 đứa. Mảnh vườn tạp sau nhà, vốn là của ông bà để lại chỉ mọc toàn cây dại cuốn đầy bụi đỏ sau mỗi mùa mưa nắng đi qua. Cuộc đời ông tưởng rồi cũng như bao nóc nhà khác trong làng Ang Lẻh khi cái đói, cái nghèo như ám ảnh thường trực.

Cho đến tận năm 2003, lần đầu tiên ông Nhonh biết đến chương trình cho vay hộ nghèo của NHCSXH, thông qua kênh ủy thác của Hội CCB xã. Đối với ông Nhonh, số tiền vay 10 triệu đồng quả thực là món tiền lớn, bởi có gom hết tài sản trong nhà ông cũng chưa đến con số đó.

Có vốn trong tay, lại thêm sự giúp đỡ định hướng từ Hội CCB xã nên ông Nhonh mạnh dạn nuôi bò. Qua một thời gian chăm sóc nuôi dưỡng, con bò nhà ông Nhonh sinh trưởng tốt, phát triển thành đàn 13 con như ngày hôm nay. Cuộc đời của ông Nhonh dần rẽ sang trang mới tươi sáng hơn khi nguồn lợi từ chăn nuôi bò đã cải thiện kinh tế gia đình, tiếp thêm động lực để ông vay thêm 20 triệu đồng vào năm 2006 NHCSXH.

Có thêm vốn, ông cùng gia đình cải tạo vườn tạp trồng cà phê, bời lời. Đất không phụ công người, sau 10 năm nhờ vốn hỗ trợ của ngân hàng cộng với bản tính chăm chỉ cần cù của người nông dân, giờ đây ông đã có điều kiện để xây lại nhà mới, mua sắm xe công nông phục vụ việc nương rẫy. Tuy vậy, khi nói về mình, ông Nhonh chỉ khiêm tốn nhận rằng: “Giờ mức sống chỉ bình bình thôi, chưa dư dả gì nhiều đâu vì đến hết năm 2012 mới trả xong cả lãi lẫn gốc vay. Bây giờ thoát nghèo rồi thì mình không phải vay vốn ngân hàng nữa”.

Cùng sinh hoạt CCB ở xã, ông Hà Văn Kiếm quê gốc ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cũng là một tấm gương sản xuất giỏi và là niềm tự hào của anh em Hội Cựu chiến binh xã trong phong trào sản xuất kinh doanh. Ra quân năm 1983, ông Kiếm xung phong vào Tây Nguyên để làm kinh tế mới và đã trụ lại mảnh đất Krong ngót nghét 30 năm nay.

Tay trắng lập thân lập nghiệp nơi xứ lạ, ông Kiếm lấy sản xuất nông nghiệp để làm nền tảng xây dựng kinh tế gia đình lâu dài. Năm 2006, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB quản lý, ông Kiếm vay 30 triệu đồng để đầu tư phát triển vườn cây cà phê, tiêu của gia đình. Nhờ biết tính toán làm ăn và có hướng sử dụng hợp lý nên hiệu quả đồng vốn vay được nhân lên nhiều lần. Hết quay vòng vốn trồng trọt kết hợp với chăn nuôi, buôn bán nông sản, mặt này hỗ trợ mặt kia tạo nên nguồn thu liên tục nên gia đình ông Kiếm ít bị hẫng hụt khi giá cả nông sản lên xuống thất thường.

Nhạy bén nắm bắt thị trường và định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Kiếm chủ động tạo hướng đi cho mình bằng cách đầu tư mô hình kinh tế trang trại, chuyên canh 1ha cà phê kinh doanh, 2ha cao su, 3ha bời lời. Với kinh nghiệm của người nông dân, ông Kiếm cho rằng: “Làm nông nghiệp phải biết kiên nhẫn vì nông sản được mùa thì mất giá và ngược lại, nếu mình không chủ động được nguồn vốn tái đầu tư phù hợp thì rất khó khăn. Cũng nhờ nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH dành cho hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn mà tôi có thêm cơ hội đầu tư cho sản xuất nông nghiệp”…


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/ccb-xa-dak-krong-phat-huy-hieu-qua-nguon-von-uu-dai.html

URLs in this post:

[1] Gương CCB thoát nghèo: https://vbsp.org.vn/guong-ccb-thoat-ngheo.html

[2] Thi đua làm kinh tế giỏi của CCB xã Quang Thuận: https://vbsp.org.vn/thi-dua-lam-kinh-te-gioi-cua-ccb-xa-quang-thuan.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2013/07/Cuu-chien-binh-xa-Dak-Krong...jpg.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.