- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

“Cầu nối” giúp hội viên phát triển kinh tế

Posted By On 05/12/2013 @ 4:05 chiều In Tin mới cập nhật | No Comments

Theo Hội Phụ nữ xã Nâm N’đir, với vai trò ủy thác, hiện tại, hội đã giúp cho hơn 200 hội viên được tiếp cận nguồn vốn từ NHCSXH, với dư nợ gần 3 tỷ đồng. Hầu hết, các hội viên sau khi được tiếp cận nguồn vốn đều phát huy một cách hiệu quả, từng bước thoát khỏi đói nghèo.

Trước đây, gia đình chị Kim Thị Hường ở thôn Nam Xuân, xã Nâm N’đir rất khó khăn. Thiếu đất sản xuất, thiếu vốn làm ăn nên đói nghèo luôn đeo bám gia đình. Năm 2010, được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện, chị đã đầu tư xây chuồng trại để nuôi heo và được hướng dẫn cách chọn con giống, tiết kiệm chi phí chăn nuôi… Hiện nay, mỗi năm, gia đình thu nhập từ chăn nuôi heo vào khoảng 50 triệu đồng, nên chị có điều kiện sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà. Chị Hường cho biết: “Nhờ vốn vay này, gia đình tôi có cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế, dành dụm được một số vốn kha khá để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất”.

Hằng năm, dựa trên nguồn vốn được phân bổ, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đều mời đại diện chi bộ, các hội, đoàn thể và thành viên trong tổ đến cùng họp, bình xét, ưu tiên cho những hộ có hoàn cảnh khó khăn nhất vay vốn. Việc khảo sát mục đích sử dụng vốn vay, hạn chế tình trạng nguồn vốn giải ngân không đúng đối tượng cũng được chú trọng.

Tương tự, tại xã Đắk D’rô, Hội Phụ nữ đã tạo điều kiện cho hơn 400 hội viên được tiếp cận nguồn vốn của NHCSXH huyện để phát triển kinh tế. Theo bà Trần Thị Xuyến - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đắk D’rô thì hằng năm, hội đã phân công cán bộ cùng với Ban giảm nghèo của địa phương tiến hành rà soát, phân loại, bình xét các đối tượng có nhu cầu vay vốn theo quy định.

Nhằm giúp các hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hội đã phối hợp với các hội, đoàn thể khác ra sức tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn những mô hình phù hợp, áp dụng KHKT vào sản xuất. Thông qua các kỳ sinh hoạt, cũng như các buổi giao dịch với ngân hàng, những khó khăn, vướng mắc của các hội viên cũng được giải đáp cụ thể, giúp việc sử dụng vốn hiệu quả.

Đơn cử như chị Ngô Thị Hòe, hội viên ở bon K62, là một điển hình về nỗ lực thoát nghèo. Từ khó khăn, cuối năm 2011, được vay 30 triệu đồng, gia đình chị đã mở rộng diện tích trồng rau và chăn nuôi thêm gà, nên thu nhập ngày càng khá lên. Chị Hòe chia sẻ: “Nhờ được vay vốn sản xuất, giờ đây, gia đình tôi dư ra một khoản tiền để xây dựng lại căn nhà, cũng như cho con cái ăn học đàng hoàng”.

Theo bà Phạm Thị Chung - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Krông Nô thì để thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác cho vay, hội luôn bám sát nội dung, chương trình, từ đó, chỉ đạo các cấp hội cơ sở thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước về cho vay đối với hộ nghèo. Bằng nhiều hình thức, hằng năm, hội thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên trong các chi hội. Thông qua các buổi sinh hoạt của chi hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hội viên luôn được tập huấn, hướng dẫn cụ thể về các văn bản hướng dẫn của NHCSXH, cũng như thể lệ, chế độ nghiệp vụ…

Công tác bình xét các đối tượng cũng luôn được các chi hội triển khai công bằng, dân chủ. Hiện tại, hội đã thành lập được hơn 100 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bon. Với hệ thống này, nguồn vốn từ NHCSXH huyện luôn được giải ngân kịp thời và đưa đến tận tay các hội viên có nhu cầu vay vốn. Đến nay, Hội Phụ nữ huyện đã tạo điều kiện cho hơn gần 2.000 hội viên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, với dư nợ hơn 60 tỷ đồng.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/cau-noi-giup-hoi-vien-phat-trien-kinh-te.html

URLs in this post:

[1] Khi phụ nữ làm kinh tế: https://vbsp.org.vn/khi-phu-nu-lam-kinh-te.html

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.