- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

“Cao Bằng và kỳ vọng trở thành hình mẫu kinh tế xanh”

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 25/01/2017 @ 6:07 sáng In Tin nổi bật | No Comments

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra các thông tin liên quan đến các chương trình tín dụng chính sách xã hội, hộ vay vốn trên địa bàn xã Lý Bôn được NHCSXH niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã [2]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp kiểm tra các thông tin liên quan đến các chương trình tín dụng chính sách xã hội, hộ vay vốn trên địa bàn xã Lý Bôn được NHCSXH niêm yết công khai tại Điểm giao dịch xã

Bảo Lâm thuộc huyện đặc biệt khó khăn trong 64 huyện nghèo của cả nước mà như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đúc kết “4 nhất”: đông đồng bào dân tộc nhất, nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất của cả nước. Vậy mà xã Lý Bôn lại còn là một xã khó khăn của huyện.Đây là xã cuối cùng của huyện chưa có trụ sở. 803/1049 hộ của xã chưa có điện, thu nhập bình quân đầu người đặt ra cho năm 2017 mới chỉ là 11 triệu đồng/người, bằng nửa thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Cao Bằng. Và cái đói đâu đó vẫn còn trong những nếp nhà của xã mỗi dịp đông hết, Tết đến với nhu cầu cứu đói 87 hộ, 329 nhân khẩu. Trong Tết Đinh Dậu có 241 hộ, tương đương 1.116 nhân khẩu cần cứu đói giáp hạt.

Cùng bởi vậy, niềm trăn trở của Thủ tướng là chỉ đạo xã và huyện không được để người nào đứt bữa khó khăn trong dịp Tết. “Các đồng chí phải kiểm tra, đừng để huyện ủy, UBND huyện ăn Tết ấm cúng, còn người dân thì chỗ này, chỗ khác khó khăn. Đồng chí Bí thư phải sâu sát, chứ không chỉ ở trung tâm xã, cử anh em cán bộ trực tiếp xuống xem đồng bào đón Tết ra sao”, Thủ tướng nói và cho biết sẵn sàng hỗ trợ gạo cho huyện để lo Tết cho người dân.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Thủ tướng mong muốn Cao Bằng sẽ trở thành một trong những địa phương có hình mẫu vượt khó vươn lên thoát nghèo của cả nước [3]

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, Thủ tướng mong muốn Cao Bằng sẽ trở thành một trong những địa phương có hình mẫu vượt khó vươn lên thoát nghèo của cả nước

Dù là Lý Bôn vẫn còn tới 34% hộ nghèo và huyện Bảo Lâm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều còn lớn, trên 60%, nếu tính cả hộ cận nghèo là hơn 70%, song bức tranh kinh tế của Bảo Lâm trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Những con đường giao thông ngày thêm rộng mở nối gần hơn Cao Bằng với miền xuôi cũng như thông thương với nước bạn đang giúp Bảo Lâm khơi dậy những tiềm năng kinh tế của huyện như khai thác khoáng sản có giá trị cao: Ăntimon; quặng Barits - Chì kẽm. Các nhà máy đi vào khai thác và chế biến đã và đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Tín dụng chính sách của Chính phủ đã được “phủ” đến từng thôn, bản đang góp thêm ấm no cho một huyện có tới 99% (trong tổng dân số 59.000 người) là đồng bào dân tộc Mông, Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ như Bảo Lâm. Đích thân Thủ tướng trong chuyến thăm lần này đã thị sát chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách, trong đó có việc kiểm tra thực tế tại xã Lý Bôn về việc công khai các chương trình vay vốn, thủ tục vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách của NHCSXH. “Việc thực hiện công khai chính sách và thực thi tín dụng chính sách trong những năm qua theo chủ trương của Chính phủ chuyển từ cấp cho không sang cho vay ưu đãi là phù hợp với hiệu quả hết sức ấn tượng. Tại huyện Bảo Lâm, trên 209 tỷ đồng đã đến với 8.031 hộ vay, hỗ trợ bà con chăn nuôi, ổn định cuộc sống, bám đất, bám làng”, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết.

Riêng xã Lý Bôn, gần 21 tỷ đồng vốn chính sách đã cho trên 749 hộ dân vay, chiếm gần 70% số hộ trong xã. Trong đó, cho vay hộ nghèo là 456 hộ; hộ cận nghèo 145 hô; còn lại là hộ vay của các chương trình tín dụng khác. Nhờ vốn chính sách mà cuối năm 2016 đã có 68 hộ trong xã xin rút khỏi danh sách hộ nghèo - con số mà cấp uỷ, chính quyền nơi đây bao năm mơ ước nay đã tìm được hướng mở.

Nhìn lại hiệu ứng các chương trình tín dụng của NHCSXH tại huyện Bảo Lâm cho thấy trong năm 2016 đã có 1.780 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp 834 hộ thoát nghèo và cận nghèo; thu hút 216 người lao động có việc làm; 189 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 274 công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; 44 hộ được vay vốn sửa chữa và xây mới nhà theo Quyết định 33 của Chính phủ,…

Nói chuyện cũng như trực tiếp tìm hiểu, chứng kiến cuộc sống của người dân Bảo Lâm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mặc dù “cuộc sống của bà con khá hơn, cơ sở hạ tầng tốt hơn, con em được học hành nhiều hơn” nhưng đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả. “Vậy với địa bàn 4 cái khó, là nghèo nhất, xa xôi nhất, hẻo lánh nhất và có đồng bào dân tộc đông nhất thì chúng ta phải làm gì?”, Thủ tướng đặt vấn đề và đề nghị lãnh đạo địa phương phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Huyện, xã bàn chủ trương, biện pháp để giúp bà con có cuộc sống ấm no, thoát nghèo, trong đó tập trung vào trồng trọt, chăn nuôi.Càng làm nông dân thời đại mới, càng phải học tập, nghiên cứu để làm ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt.

Đặc biệt, với một địa bàn biên giới, hẻo lánh, “Lúa ở đây chưa phải có năng suất cao nhưng giúp bà con trang trải cuộc sống hằng ngày.Lúa ở đây như lương cơ bản của công chức.Lúa ở đồng bằng thì không đặt vấn đề lớn nhưng ở đây, hẻo lánh thế này thì bữa cơm hằng ngày rất quan trọng”, Thủ tướng lưu ý.

“Quan trọng hơn bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có nguồn vốn cho vay ưu đãi từ NHCSXH, từng hộ dân phải có tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thông qua 198 Điểm giao dịch NHCSXH tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, nguồn vốn vay ưu đãi đã kịp thời với nơi đồng bào nơi biên cương Tổ quốc [4]

Thông qua 198 Điểm giao dịch NHCSXH tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, nguồn vốn vay ưu đãi đã kịp thời với nơi đồng bào nơi biên cương Tổ quốc

Những tâm tư, trăn trở về chính sách giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững của xã Lý Bôn, cũng như của tỉnh Cao Bằng được Thủ tướng thêm một lần nữa nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh cho biết. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,13%; GDP bình quân đầu người đạt 20,97 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 261,4 nghìn tấn; tổng thu ngân sách trên địa bàn 1.386,4 tỷ đồng. Văn hóa - xã hội được quan tâm; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết ngày càng được củng cố vững chắc.

Công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội thêm lực đẩy từ nguồn vốn cho vay ưu đãi của NHCSXH. Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng thông tin, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đến hết năm 2016 đạt trên 2.100 tỷ đồng. Trong năm 2016 đã có 24.112 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần giúp 2.614 hộ thoát nghèo và cận nghèo; thu hút 935 người lao động có việc làm; 187 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 2.313 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn… Riêng năm 2016, vốn tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh từ 52,33% xuống còn 49,56%.

Ghi nhận nỗ lực của Cao Bằng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đánh giá cao NHCSXH trong việc cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn sản xuất, Thủ tướng cho rằng đây là kênh tín dụng quan trọng, cần đẩy mạnh cho vay, giúp người dân thoát nghèo bền vững. Thủ tướng nhấn mạnh đến kết quả giảm 3,92% hộ nghèo trong thời gian qua và bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở về tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao - là một trong 3 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Toàn tỉnh vẫn còn tới 52.409 hộ nghèo (chiếm hơn 42% tổng số hộ dân) và 12.110 hộ cận nghèo (chiếm 9,83%). Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 được gần 1.400 tỷ đồng, xếp thứ 60 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố cả nước, chỉ trên Điện Biên, Hà Giang.

Chính vì vậy, việc khắc phục được sự bất cân xứng trong phát triển kinh tế so với tiềm năng của tỉnh là vấn đề được Thủ tướng, cũng như các thành viên đoàn công tác nhìn nhận và gợi ý các giải pháp. Chỉ ra nguyên nhân chưa khai thác hết lợi thế chính là giao thông khó khăn khi mà “có đường thì mới có kinh tế hàng hóa”, như phát biểu của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cùng với đó là những cái khó khi thiếu cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế cửa khẩu. Chính vì vậy tỉnh cần quan tâm hơn phát triển nông nghiệp, du lịch và nhân lực, hiện “nhiều con em chúng ta vẫn phải trèo đèo, lội suối, băng rừng đi học”, đại diện Ban Kinh tế Trung ương đưa ý kiến.

Đồng ý hỗ trợ Cao Bằng về cơ sở hạ tầng trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ ngay từ đầu năm, chọn lựa một số lĩnh vực ưu tiên để tập trung chỉ đạo để “làm đâu ra đó”, không nên cứ bàn mãi mà không hành động. “Tầm nhìn của Cao Bằng là gì? Đó là phấn đấu trở thành một trong những tỉnh phát triển xanh nhất, sạch nhất và toàn diện nhất về kinh tế, xã hội, quốc phòng và an ninh ở vùng địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, mãi mãi là niềm tự hào về ý chí kiên cường, tình đoàn kết quân dân của các dân tộc cùng nhau xây dựng, hướng tới một nền kinh tế có bản sắc, một xã hội đa dân tộc, hài hòa, một nền văn hóa độc đáo, riêng có của Cao Bằng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong đó tỉnh cần tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phải đi lên từ lợi thế so sánh của Cao Bằng là nông nghiệp.Cần tận dụng lợi thế gần thị trường Trung Quốc nhiều tiềm năng, nhất là trong tiêu thụ nông sản của địa phương cũng như cả nước.

Cũng như hành trình phát triển của NHCSXH những năm qua, nguồn vốn chính sách sẽ không chỉ giúp người dân bước qua cái nghèo mà có mặt trong từng góc khuất nhu cầu của người dân từ chương trình giải quyết việc làm, cho vay xuất khẩu lao động, cho vay nhà ở cho đến cái lo quan trọng không kém cho đồng bào ở đây, theo Thủ tướng, chính là nâng cao dân trí với chương trình cho vay HSSV. Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, NHCSXH sẽ tiếp tục bố trí nguồn lực theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao hàng năm và sẽ ưu tiên cho tỉnh Cao Bằng một nguồn lực tương ứng, tập trung vào các huyện nghèo. “NHCSXH cam kết sẽ bố trí nguồn lực, tín dụng chính sách cho tỉnh Cao Bằng với mức độ cao nhất, tuy nhiên, trên tinh thần “cho cần câu chứ không cho con cá”, chuyển từ trợ cấp trực tiếp sang cho vay ưu đãi”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nói, đồng thời đề nghị tỉnh bố trí nguồn lực tại địa phương sang để cùng thực thi chủ trương xoá đói, giảm nghèo của Chính phủ là địa phương và Trung ương cùng thực thi nhiệm vụ.

Những tác động cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, giảm nghèo bền vững cũng đang mạnh dần khi Cao Bằng đang xúc tiến thiết lập tuyến vận tải đường bộ quốc tế từ khu vực Tây Nam Trung Quốc đi qua Trà Lĩnh (Cao Bằng) đến Lạng Sơn (qua Quốc lộ 4A) - Hà Nội - Hải Phòng. Khi dự án kết nối giao thông hoàn thành, sẽ góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giao lưu và phát triển giữa Việt Nam - Trung Quốc nói chung và giữa các tỉnh, thành của cả nước nói riêng. Về phát triển kinh tế, tỉnh xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh, Cao Bằng (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc), là cơ hội để hợp tác về thương mại giữa hai nước bước sang một giai đoạn mới. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh xúc tiến kết nối các tỉnh miền Nam Việt Nam trong vấn đề xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh…

Cộng hưởng với các dòng chảy chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế ấy, những hình mẫu vươn lên thoát nghèo từ đồng vốn ưu đãi không chỉ xóa bỏ tâm lý mặc cảm về định mệnh không thay đổi của người dân nơi địa đầu của Tổ quốc mà còn ươm mầm nuôi dưỡng khát vọng làm giàu từ những mô hình nuôi trồng lớn. Ví như tại xã Lý Bôn, sau 5 năm sang Trung Quốc mua giống cây hồi về trồng, anh Tẩn Dấu Quẩy, người dân tộc Dao ở xóm Phiêng Pẻn đã thu hoạch những giọt dầu đầu tiên từ nguồn vốn vay NHCSXH mua máy ép dầu. Và nay, cây hồi, cây sa mộc không chỉ trở thành xu hướng trồng tự phát của anh và một số người dân Phiêng Pẻn và các xóm xung quanh, mà trở thành cây trồng chính mà huyện, xã đang khuyến khích, hỗ trợ người dân gây trồng, nâng cao thu nhập,…

Dòng vốn tín dụng vì thế sẽ có thêm cơ hội để chảy với tốc lực lớn hơn góp phần vào kỳ vọng mà Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra cho Cao Bằng: “Phải trở thành một trong những địa phương có hình mẫu về vượt khó vươn lên của đất nước, đặc biệt là thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số, giữ vững ổn định xã hội. Cùng các địa phương trong vùng, hình thành trận địa an ninh quốc phòng và kinh tế vững chắc toàn tuyến biên giới. Cao Bằng là địa phương thành công điển hình về mô hình phát triển xanh dựa trên 3 trụ cột: Nông nghiệp, du lịch và thương mại cửa khẩu”.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/cao-bang-va-ky-vong-tro-thanh-hinh-mau-kinh-te-xanh.html

URLs in this post:

[1] Điểm tựa vững chắc của người nghèo ở Cao Bằng: https://vbsp.org.vn/diem-tua-vung-chac-cua-nguoi-ngheo-o-cao-bang.html

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/01/“Cao-Bằng-và-kỳ-vọng-trở-thành-hình-mẫu-kinh-tế-xanh”-1.jpg

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/01/“Cao-Bằng-và-kỳ-vọng-trở-thành-hình-mẫu-kinh-tế-xanh”-2.jpg

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/01/“Cao-Bằng-và-kỳ-vọng-trở-thành-hình-mẫu-kinh-tế-xanh”-3.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.