- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Xuân Lộc viết tiếp hành trình nông thôn mới kiểu mẫu

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 28/06/2021 @ 4:10 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Nhiều hộ gia đình huyện Xuân Lộc đổi đời từ nguồn vốn ưu đãi [1]

Nhiều hộ gia đình huyện Xuân Lộc đổi đời từ nguồn vốn ưu đãi

Dọc theo quốc lộ 1A từ Đồng Nai hướng ra Bắc, Xuân Lộc hiện lên giữa bạt ngàn màu xanh của cây công nghiệp và cây ăn trái hòa cùng sắc vàng của xoài, rực hồng của thanh Long hay đỏ rói của chôm chôm hay đầy tràn trong những thùng hàng trên những chuyến xe rong ruổi đi tiêu thụ khắp toàn quốc và xuất khẩu. Ngay cả trong muôn trùng những mắt lá xanh, cây non kia, những thành quả lao động vẫn đang ngày ngày tích tụ ấp ủ chờ một ngày mùa bội thu mang cơ hội “đổi đời” cho những người dân Xuân Lộc, đặc biệt là 14.315 khách hàng hiện đang vay vốn của NHCSXH với dư nợ hơn 324,38 tỷ đồng.

Như gia đình anh Hồ Văn Phước ở xã Xuân Hưng, từ miền Tây về đây lập nghiệp, anh cũng như bà con trong ấp bao năm nay cuộc sống phụ thuộc vào việc trồng xoài. Song, những năm gần đây, giá thu mua giống xoài địa phương ngày càng thấp, thu nhập không đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Mong muốn chuyển đổi giống cây trồng song lực bất tòng tâm khi tích lũy tài chính không đáng là bao. Chính vì vậy, năm 2018, sẵn được hưởng lợi từ dự án cánh đồng xanh về nước tưới, gia đình anh vay vốn NHCSXH huyện Xuân Lộc 50 triệu đồng để cải tạo vườn, đầu tư 800 gốc xoài trên diện tích 2ha. Với năng xuất bình quân 10 - 12 tấn/ha với giá đầu mùa 25.000 - 30.000 đồng, thu nhập của gia đình anh đạt gần 220 triệu đồng/năm.

Những nỗ lực của từng hộ dân như anh Phước đã làm nên một vùng xoài 700ha tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Trong khi đó, nhiều hộ vay vốn đã trở thành thành viên Hợp tác xã xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng) có diện tích trồng xoài tập trung trên 150ha, với sản lượng hàng ngàn tấn mỗi năm theo tiêu chuẩn GAP xuất khẩu sang các thị trường Ukraine, Trung Quốc,… cùng các thị trường khó tính như Australia, Nhật Bản.

Với những hộ dân không có đất sản xuất, con đường phát triển kinh tế cũng không vì thế mà hẹp lại. Thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và Tổ tiết kiệm vay vốn, NHCSXH huyện Xuân Lộc cùng địa phương rà soát và cho vay kịp thời những đối tượng khó khăn có nhu cầu giúp họ có việc làm, đầu tư SXKD, nâng cao chất lượng sống. Đơn cử như gia đình chị Trần Xuân Kim ở ấp 1A, xã Xuân Hưng, không có đất sản xuất nên 2 vợ chồng chị quanh năm chỉ trông vào làm mướn. Trước đây, chị đi dóc lá làm nón thuê, mỗi ngày được 200.000 đồng nhưng nghề này chỉ làm được 5 tháng. Chồng chị đi làm xây dựng cũng phụ thuộc thời vụ nên, đời sống gia đình khó khăn, túng thiếu. Hai vợ chồng đã ngoài 50 tuổi mà cái nghèo vẫn vây bám không tha. Năm 2018, với những mối quan hệ và hiểu biết về nghề làm lá nón chị quyết định tách ra làm riêng, đồng thời tính toán chăn nuôi thêm để đảm bảo thu nhập bền vững.

Khó khăn nhất là vốn sản xuất của chị đã được hóa giải sau khi NHCSXH huyện Xuân Lộc hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng hộ nghèo. Đầu tư 9,5 triệu đồng mua 1 con bò mẹ, sau hơn 2 năm chăn nuôi, chị đã có 3 con bò. Phần vốn còn lại khi ấy, chị dùng để đầu tư làm lá nón. Bình quân, xuất được 1- 2 tấn/tháng giúp chị thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, công việc không chỉ ổn định và chủ động mà giúp chị thu nhập gấp đôi so với trước kia. Ngoài làm lá nón, chị chăn bò và làm mướn thêm, cuộc sống dần ổn định và bước ra khỏi danh sách hộ nghèo cuối năm 2019. Hồi đầu vay còn lo nguồn trả lãi vay, song đến nay, mỗi tháng chị không chỉ trả đủ lãi vay 240.000 đồng mà còn tham gia đóng tiết kiệm 660.000 đồng/tháng, đã trả NHCSXH 10 triệu đồng và trong tiết kiệm còn gần 10 triệu đồng đủ cho kỳ trả gốc tiếp theo.

Giám đốc NHCSXH huyện Xuân Lộc Ngô Mạnh Chính cho biết: Trong những năm qua, NHCSXH huyện luôn kịp thời đáp ứng vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt từ sau khi triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách trong việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; hỗ trợ trang thiết bị làm việc tại Điểm giao dịch xã; xác nhận đối tượng vay vốn, chỉ đạo củng cố chất lượng tín dụng…

Đặc biệt, trích nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH để NHCSXH chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc đối với ngân sách Trung ương. Đồng thời, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách trở thành một chủ lực không chỉ giải quyết bài toán giảm nghèo bền vững mà còn trợ lực địa phương đảm bảo đời sống, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa giá trị gia tăng cao.

Đến ngày 30/6/2021, UBND huyện đã trích hơn 12,2 tỷ đồng từ ngân sách huyện ủy thác sang NHCSXH huyện để bổ sung cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng với đó là nguồn vốn từ ngân sách tỉnh ủy thác đã giúp huyện giải quyết hai bài toán lớn giảm nghèo bền vững và giải quyết việc làm. Đến hết tháng 5/2021, nguồn ngân sách tỉnh phân bổ qua NHCSXH huyện đạt hơn 49,3 tỷ đồng; riêng từ đầu năm 2020 đến nay là 5,3 tỷ đồng.

Nguồn vốn  tín dụng chính sách đã hỗ trợ cho 22.187 lượt hộ vay vốn với tổng số tiền đạt hơn 394,7 tỷ đồng. Trong đó, có 1.420 hộ nghèo và 1.183 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững; 2.083 HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo học tại các trường đại học, cao đẳng; 1513 lao động được tạo việc làm ổn định; 10.221 công trình nước sạch và nhà vệ sinh được xây dựng mới, sửa chữa. Dòng chảy tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả trong đời sống sản xuất, góp phần đưa 9/14 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nông nghiệp bền vững. Thu nhập bình quân theo đầu người của huyện đạt 66,5 triệu đồng/người/năm.

Con đường xây dựng Xuân Lộc thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu của cả nước không dễ dàng khi Xuân Lộc vẫn là huyện thuần nông, nông nghiệp chiếm tỷ lệ 70% trong cơ cấu ngành của huyện. Giai đoạn tới, huyện đã đặt ra 3 định hướng đột phá, trong đó, tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học vào sản xuất, xây dựng các chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, gắn với phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu đối với nông sản chủ lực của địa phương. Chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hoá gắn với phát triển mô hình du lịch sinh thái vườn. Trong bối cảnh đó, huyện cần nguồn vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới là rất lớn; nhất là cho đối tượng vay vốn tại NHCSXH. Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH huyện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Nguồn vốn ủy thác từ UBND huyện còn ít, chiếm tỷ trọng 4,31% tổng dư nợ. Trước thực trạng đó, sự quan tâm của cấp ủy chính quyền đia phương trong công tác triển khai tín dụng chính sách xã hội; đặc biệt dành nhiều hơn nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung cho vay hộ nghèo và các  đối tượng chính sách khác sẽ rút ngắn lộ trình phát triển Xuân Lộc lên huyện nông thôn mới.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/xuan-loc-viet-tiep-hanh-trinh-nong-thon-moi-kieu-mau.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2021/06/image00118.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.