- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Vùng cao Quản Bạ phát triển kinh tế từ nguồn vốn chính sách

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 19/09/2017 @ 4:43 chiều In Mười lăm năm đồng hành vì người nghèo,Tin mới cập nhật | No Comments

Ông Phàn Văn Toàn vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi gia súc, mang lại thu nhập cao [1]

Ông Phàn Văn Toàn vay vốn ưu đãi phát triển chăn nuôi gia súc, mang lại thu nhập cao

Quản Bạ là huyện vùng cao biên giới phía bắc của tỉnh Hà Giang, cửa ngõ của cao nguyên đá Đồng Văn với địa hình chia cắt, sông suối dày đặc, núi đá xen lẫn vực sâu rất nhiều. Huyện có 13 xã thị trấn, trong đó có 9 xã đặc biệt khó khăn nằm trong Chương trình 135 giai đoạn II và là nơi cư trú của 14 dân tộc với số người Mông, Dao, Tày, Nùng chiếm 87% và đến cuối năm 2010 vẫn còn 3.144 hộ nghèo/9.161 hộ dân toàn huyện.

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, song song với phát huy tiềm năng sẵn có của mình, huyện Quản Bạ đã tập trung huy động mọi nguồn lực, đặc biệt coi nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò chủ đạo và động viên khuyến khích đồng bào các dân tộc mạnh dạn vay vốn, đưa tiến bộ kỹ thuật vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm, nhằm làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi.

Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, NHCSXH huyện Quản Bạ đã tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách địa phương chuyển sang, đồng thời tổ chức chuyển tải kịp thời hơn 220 tỷ đồng về đúng đối tượng thụ hượng, trong đó ưu tiên đầu tư 5 xã biên giới, các xã điểm xây dựng nông thôn mới như xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Đông Hà, Lùng Tám… Hầu hết người nghèo và đồng bào DTTS có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn chính sách nhanh chóng, thuận tiện để sản xuất có hiệu quả.

Từ việc cho vay có trọng tâm, trọng điểm của NHCSXH đã giúp cho các xã khai thác đúng lợi thế, phát triển kinh tế mạnh mẽ, đơn cử như xã Quyết Tiến mở rộng được vùng trồng rau, hoa quả lên 360ha, xã Cán Tỷ nâng đàn bò vỗ béo, trâu sinh sản hơn 800 con, các xã Tùng Vải, Tả Ván, Cao Mã Pờ thâm canh nhiều loại cây đặc sản, trong đó có cây thảo quả. Hiện tại, nhờ đồng vốn vay ưu đãi, huyện Quản Bạ đã trồng được 2.080ha thảo quả, trong tổng số 8.000ha thảo quả toàn tỉnh, đưa năng suất đạt từ 3 - 4 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt từ 6.000 - 7.000 tấn. Nhiều hộ người Mông, Dao ở xã Tùng Vải, Cao Mã Pờ, Lùng Tám… có nguồn thu bình quân 35 triệu đồng/năm. Cây thảo quả còn giúp người dân giảm nghèo bằng chính sức lao động của mình và sự hỗ trợ của NHCSXH ngay trên mảnh đất vùng cao biên giới. Đặc biệt các thôn, bản còn gắn trồng thảo quả với việc bảo vệ rừng đầu nguồn và xây dựng mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng.

Cùng với đầu tư phát triển dược liệu thảo quả, NHCSXH huyện Quản Bạ đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ vay vốn mua trâu bò, xây dựng nhiều trang trại chăn nuôi gắn với trồng cỏ, mỗi mô hình có ít nhất 7 - 10 con trâu bò và trồng 1ha cỏ trở lên. Với mức cho vay chăn nuôi từ 2,2 triệu đồng năm 2003 đã được nâng lên 20,4 triệu đồng/hộ năm 2016 và số vốn đầu tư chăn nuôi cũng tăng nhanh, tạo đà để chăn nuôi trâu bò trở thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng cao trong thu nhập nông, lâm nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND xã Cán Tỷ, Nguyễn Văn Chinh từ đồng vốn vay ưu đãi, nhiều hộ dân phát triển chăn nuôi trâu bò hàng hóa kết hợp với trồng cỏ đã có thu nhập đến 20 triệu đồng/năm, đây là hướng đi đúng trong giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế ở một xã có 100% người Mông sinh sống.

Ông Vàng Chúa Giảng ở thôn Giàng Chũ Phìn, xã Cán Tỷ là một ví dụ điển hình. Với số vốn vay ưu đãi, ông Giảng đã sử dụng đầu tư nuôi bò sinh sản kết hợp trồng cỏ, nên vừa có lãi hàng tháng, vừa tăng thu nhập, đạt doanh thu cả năm đến 50 triệu đồng.

Năm 2010, hơn 2000m2 đất sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Phàn Văn Toàn ở thôn Nà Sài, xã Đông Hà, huyện Quản Bạ nằm dưới mực nước dâng lòng hồ Thủy điện Thái An. Gia đình ông có 5 người trông chờ vào 1.000m2 đất lúa, ngô chỉ canh tác một vụ cho nên cuộc sống bấp bênh, không đủ ăn. Ông Toàn quyết định vay vốn để chăn nuôi đại gia súc. Năm 2012, gia đình ông vay 30 triệu đồng của NHCSXH về mua trâu sinh sản. Đầu năm 2016, sau khi trả hết vốn vay hộ nghèo, ông tiếp tục vay 50 triệu đồng vốn vay hộ mới thoát nghèo để mua đất trồng cỏ chăn nuôi. “Đến nay, gia đình luôn duy trì đàn trâu sinh sản năm con, mỗi năm chúng sinh sản vài con giống to khỏe, bán con giống cho các hộ chăn nuôi trong xã, số tiền thu được cũng đủ để chi tiêu, trang trải cuộc sống. Nếu không mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi đại gia súc, chắc gia đình tôi vẫn nghèo”, ông Phàn Văn Toàn cho biết.

Thôn Nà Sài, xã Đồng Hà có hơn 150 hộ dân, khi Thủy điện Thái An đóng điện, nước lòng hồ dâng nhấn chìm hơn 40% diện tích đất lúa của thôn, nhiều hộ mất hết đất sản xuất. Nhiều hộ dân được nhận tiền đền bù nhưng chia làm nhiều đợt cho nên cũng xé lẻ chi tiêu, chẳng tích cóp được là bao. Vậy nên nhiều hộ lâm vào cảnh thiếu đói. Bí thư chi bộ thôn Nà Sài, Hà Thế Phong cho biết: “Đất sản xuất bị thu hẹp, thôn vận động người dân vay vốn ưu đãi của Nhà nước để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đến nay, thôn có dư nợ hơn 3 tỷ đồng vốn chính sách tại NHCSXH. Hộ nào cũng có 2 con trâu, bò sinh sản trở lên, diện tích đất ngô năng suất thấp được chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi. Cuộc sống của nhiều gia đình ở đây đỡ khó khăn hơn trước nhiều”.

Ông Lê Tuấn Quang - Giám đốc NHCSXH huyện Quản Bạ cho biết: Nguồn vốn ưu đãi trong thời gian qua đã góp phần tạo bước chuyển động cho chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội trên vùng cao biên giới. Phát huy kết quả đạt được, NHCSXH tiếp tục chủ động tạo lập nguồn vốn, chuyển đổi nhanh chóng đầy đủ nguồn vốn đầu tư cho huyện 30a Quản Bạ, nhằm đẩy mạnh tiến trình giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/vung-cao-quan-ba-phat-trien-kinh-te-tu-nguon-von-chinh-sach.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/09/1231.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.