- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Vùng cao Mường Khương bình yên và phát triển

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 15/03/2017 @ 1:13 chiều In Tin mới cập nhật | No Comments

Bà con Mường Khương phấn khởi khi được mùa quýt [1]

Bà con Mường Khương phấn khởi khi được mùa quýt

Đến hết năm 2016, huyện vùng cao Mường Khương có thêm 958 hộ gia đình thoát nghèo, cận nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện từ 56,8% cuối năm 2015 xuống còn 44,44%. Kết quả này có phần đóng góp quan trọng của NHCSXH. Theo đánh giá của ông Nguyễn Chí Sử - Bí thư huyện uỷ Mường Khương, hiện nay kênh tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã phủ kín tại 219 thôn, bản thuộc tất cả 16 xã, thị trấn trong huyện, đạt 100% khu vực cơ sở dân cư có đầu mối giao dịch trực tiếp với ngân hàng. Cán bộ NHCSXH được ví như những người lính xung kích trên mặt trận giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội nơi vùng cao biên giới.

Có thể nói, những người làm tín dụng chính sách ở huyện Mường Khương trong suốt thời gian qua luôn bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cùng với sự chỉ đạo của ngành đã chuyển tải trên 235 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước về tận vùng sâu, vùng xa, vùng vành đai biên giới và đến tận tay từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào dân tộc Nùng, Tày, Dao, Mông…

Đến thăm 1 trong 16 Điểm giao dịch của NHCSXH huyện Mường Khương được đặt tại Hội trường trong trụ sở UBND xã Nậm Chảy vào một ngày giao dịch cố định trong tháng, từ sáng sớm đã có rất đông bà con đồng bào dân tộc đến làm thủ tục, nhận vốn vay và cả trả nợ, trả lãi, gửi tiền tiết kiệm nữa. Sau khi nhận được 50 triệu đồng vốn vay từ tay cán bộ NHCSXH, ông Ma Phủ Mìn, người dân tộc HMông ở thôn Gia Khâu B vui mừng cho biết, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo đến NHCSXH vay vốn ưu đãi để về sản xuất, mua trâu về nuôi. Xã vùng cao Nậm Chẩy có 6 thôn giáp biên với 10 dân tộc cùng sinh sống nhưng mỗi năm đều giảm từ 7 - 8% tỷ lệ hộ nghèo nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền xã với NHCSXH huyện trong việc triển khai mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Theo ông Tẩn Khái Phủ - Chủ tịch UBND xã, từ năm 2013, xã vận động bà con vay vốn ưu đãi, tập trung trồng chuối, cây thảo quả ở các thôn dọc vành đai biên giới, còn ở trung tâm xã thì chủ yếu chăm sóc ngô, đậu tương… Tết vừa rồi, đời sống của bà con đã khấm khá hẳn lên.

Cùng với 16 Điểm giao dịch trải rộng khắp toàn huyện xuống tận các xã, thị trấn là mạng lưới 272 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận thuận lợi, dễ dàng với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước. Xã Bản Lầu thuộc huyện Mường Khương hiện có 23 Tổ tiết kiệm và vay vốn đều được xếp loại khá và tốt. Riêng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Na Lốc 3 do chị Lý Thị Lan làm Tổ trưởng có 20 hộ được vay vốn đầu tư phát triển nghề trồng rừng, làm vườn cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ví như anh Giàng Sử, người dân tộc Mông, cách đây 3 năm còn là hộ nghèo nhưng từ khi tham gia sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn lại vay được vốn ưu đãi đầu tư trồng dứa và chuối, đến nay không chỉ trả hết vốn vay mà còn tích luỹ được số tiền kha khá để mở rộng cơ sở sản xuất. Tương tự, trong Tổ tiết kiệm và vay vốn còn có anh Giàng Lùng đã sử dụng vốn vay ưu đãi trồng Cao Su, Dứa, Chuối. Vừa qua, vườn cây ăn quả của gia đình anh đã cho thu nhập hàng chục triệu đồng.

“Hầu hết các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở xã Bản Lầu nói riêng và huyện Mường Khương nói chung đều thực hiện tốt công tác thẩm tra, khảo sát và định hướng cho các thành viên trong tổ về sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Bên cạnh đó, Tổ tiết kiệm và vay vốn còn vận động tổ viên gửi tiền tiết kiệm góp phần tạo thêm nguồn vốn vay, giảm bớt khó khăn khi trả nợ và quen dần với hoạt động tín dụng ngân hàng”, lãnh đạo NHCSXH huyện Mường Khương cho biết.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/vung-cao-muong-khuong-binh-yen-va-phat-trien.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/03/Muong-Khuong-Lao-Cai.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.