- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Vốn dự án WB3, nhìn từ hiệu quả trồng rừng

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 26/09/2015 @ 7:51 sáng In Tin mới cập nhật | No Comments

Ông Hồ Đa Thê (giữa) chia sẻ về lợi ích khi tham gia dự án WB3 [1]

Ông Hồ Đa Thê (giữa) chia sẻ về lợi ích khi tham gia dự án WB3

Qua 10 năm NHCSXH triển khai thực hiện cho vay dự án WB3 tại 6 tỉnh miền Trung, đến nay, dự án đã góp phần phủ xanh hơn 70.000ha đất trồng rừng thương mại tại 6 tỉnh thực hiện dự án. Tổng dư nợ đạt hơn 500 tỷ đồng với hơn 18.000 hộ còn dư nợ. Dự án đã tổ chức cho khoảng 4.650 lượt người tham gia đào tạo.

Có thể nói, dự án đã đem lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Cụ thể, dự án đã góp phần nâng cao năng lực sản xuất, đời sống cho nông dân; góp phần giảm nghèo bền vững và hiệu quả. Hàng nghìn hecta rừng được trồng giúp phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, điều hòa nguồn nước, cải tạo môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và góp phần hạn chế được tình trạng biến đổi khí hậu trong những năm gần đây.

Với địa bàn huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), sau 10 năm triển khai dự án tại 6 xã Lộc An, Lộc Bổn, Lộc Điền, Lộc Hòa, Lộc Sơn và Xuân Lộc, thì ngay từ khi thực hiện, địa phương đã phối hợp với ngành chức năng tiến hành quy hoạch đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời phối hợp cùng NHCSXH huyện Phú Lộc giải ngân cho vay trên 16,2 tỷ đồng, giúp người dân trồng mới 1.526ha với 1.144 hộ tham gia, các hộ dân đã đầu tư và sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả cao.

Ông Hồ Đa Thê - Trưởng thôn kiêm Trưởng nhóm chứng chỉ rừng Bến Ván, thôn Bến Ván, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, hồ hởi kể: “Năm 2005, gần 200 hộ dân ở 4 thôn đã tham gia mô hình trồng rừng của dự án WB3, với diện tích 150ha. Tham gia dự án, người dân được tập huấn trồng, chăm sóc, khai thác và cấp sổ đỏ đất rừng. Trồng rừng bán được đã khó, để rừng đạt chuẩn quốc tế do Hội đồng quản trị Rừng thế giới (FSC) cấp, còn khó hơn bội phần, số hộ dân tham gia cũng ít dần đi. Nhưng giờ người nào có được diện tích rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế thì có thể nói là làm giàu nhờ rừng được rồi”.

Ông Nguyễn Tiến, một hộ dân tham gia dự án nhẩm tính: “Gia đình tôi trồng hơn 1ha rừng theo tiêu chuẩn quốc tế, vừa rồi bán thu được trên 300 triệu đồng, trừ chi phí lãi 200 triệu đồng. So với trồng rừng keo bình thường cho lãi 40 - 50 triệu đồng/ha, thì trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế không chỉ có tính sinh kế bền vững mà người dân có thể làm giàu từ rừng”. Với diện tích l,2ha rừng trồng được cấp chứng chỉ quốc tế vừa bán vào đầu năm 2014, gia đình ông Tiến đã thu về hàng trăm triệu đồng tiền lãi. Ông cho biết: Tham gia dự án quy trình rất nghiêm ngặt, người dân phải kiên trì tuân thủ. Ngoài sự hướng dẫn nhiệt tình của Trưởng nhóm thì các buổi tập huấn cũng cho người dân trồng rừng nhiều kinh nghiệm. Hàng năm, các chuyên gia FSC đều có kiểm tra về quy trình chăm sóc, khai thác rừng xem có đúng tiêu chuẩn không.

Phân tích về lợi nhuận kinh tế, ông Thê cho hay, so với trồng rừng bình thường giá gỗ bán khoảng dưới 1 triệu đồng/tấn thì trồng rừng đạt chứng chỉ FSC lãi gấp nhiều lần bởi theo quy định, gỗ có đường kính 10 - 15cm được bán với giá 1,4 triệu đồng/tấn; từ 15 - 20cm có giá 1,8 triệu đồng/tấn và đường kính hơn 20cm có giá 2,5 triệu đồng/tấn. Từ những hộ trồng có lãi lớn đầu tiên, theo ông Thê, đến nay đã có thêm 12 hộ dân với 216ha rừng đăng ký tham gia dự án trồng rừng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ được các chuyên gia FSC sang thẩm định.

Giám đốc NHCSXH huyện Phú Lộc Lê Quang Thắng, đánh giá, nhiều hộ tham gia dự án WB3 hiện có thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/năm từ trồng rừng. Người dân đã nâng cao nhận thức và tham gia trồng rừng bền vững, bảo vệ môi trường. Người dân đã biết áp dụng các biện pháp trồng và chăm sóc rừng, từ đó diện tích rừng ngày càng phát triển, đạt năng suất cao, tăng thêm thu nhập.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/von-du-an-wb3-nhin-tu-hieu-qua-trong-rung.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2015/09/WB3-26.9.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.