- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Ươm mầm từ tín dụng chính sách

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 19/02/2020 @ 3:44 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Ông Chu Quốc Trụ ở xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình cùng cán bộ NHCSXH thăm vườn cây ăn quả [1]

Ông Chu Quốc Trụ ở xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình cùng cán bộ NHCSXH thăm vườn cây ăn quả

Theo báo cáo từ UBND huyện Quỳ Hợp, đến hết năm 2019, tổng dư nợ của 17 chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH huyện đạt 495 tỷ đồng, với 121.852 hộ còn dư nợ, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn luôn nằm ở mức an toàn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng vào giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện, từ 22,05% (năm 2014) xuống còn 13,88% (năm 2019) và làm diện mạo nông thôn miền núi có nhiều đổi thay tích cực.
Huyện Quỳ Hợp có diện tích rừng lớn, chiếm hơn 40% diện tích tự nhiên. Phát huy thế mạnh sẵn có, đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH được bà con “ươm mầm” phát triển chăn nuôi, kinh tế trang trại, trồng rừng, trồng cây ăn quả… Năm 2014, gia đình ông Lương Văn Bảo, dân tộc Thái ở xã Châu Đình, được vay vốn NHCSXH 30 triệu đồng xây dựng chuồng trại, nuôi bò sinh sản. Năm 2017, ông đã trả hết nợ cũ và được vay tiếp 40 triệu đồng để phát triển nuôi bò kết hợp trồng mía. Nhờ đó, gia đình ông đã thoát nghèo. Ông Bảo còn trở thành Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 59 tổ viên là đồng bào DTTS. Ông tham gia đầy đủ các khóa tập huấn do NHCSXH tổ chức, qua đó ông càng hiểu rõ ý nghĩa, mục đích và lợi ích của nguồn vốn chính sách rồi phổ biến lại cho các hội viên.
Từ vốn vay NHCSXH, bà Vi Thị Xuân ở bản Muộng, xã Châu Thái đã phát huy thế mạnh vùng đặc thù, biến cái khó của địa phương thành lợi thế để đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp. Đến nay, gia đình có đàn bò lên tới 30 con, thành lập được xưởng gỗ bóc keo, mua sắm xe công nông, máy dập táp lô… thu nhập trên 200 triệu đồng/năm và còn tạo việc làm cho người dân trong bản.
Cùng với chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, thời gian qua, chương trình cho vay giải quyết việc làm đã được NHCSXH huyện Qùy Hợp triển khai hiệu quả. Điển hình phải kể đến ông Chu Quốc Trụ ở xóm Mỹ Đình, xã Châu Đình. Sau khi nghỉ việc nhà nước, ông Trụ trở về quê hương phát triển kinh tế trang trại. Với nguồn vốn ít ỏi tích lũy được, cộng với hơn 1 tỷ đồng nguồn vốn vay giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện, ông đầu tư trồng 6ha cam, xây dựng chuồng nuôi bò, đào ao thả cá… giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động, chưa kể lao động thời vụ khi vào mua thu hoạch cam. “Năm vừa rồi là vụ thu hoạch thứ 3 gia đình tôi thu nhập gần 2 tỷ đồng từ cây cam, quýt và trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi. Đến nay, tôi đã trả cho ngân hàng đủ gốc và lãi”, ông Trụ chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Châu Đình Nguyễn Văn Sửu đánh giá ông Chu Quốc Trụ là một điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Hiện nay, dư nợ của xã đạt trên 37 tỷ đồng. Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND xã xây dựng kế hoạch, trích nguồn ngân sách hàng năm 20 triệu đồng để bổ sung nguồn dự trữ cho các hộ vay vốn. Hy vọng, những năm tới, xã Châu Đình nói riêng và cả huyện Quỳ Hợp nói chung sẽ có nhiều hộ “ươm mầm” thành công từ đồng vốn tín dụng chính sách như ông Chu Quốc Trụ.

 


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/uom-mam-tu-tin-dung-chinh-sach.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/02/th.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.