- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH VÙNG TÂY NAM BỘ: “Xé rào” đến với hộ nghèo, hộ cận nghèo

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 29/05/2017 @ 7:29 sáng In Tin mới cập nhật | No Comments

Thông qua mạng lưới Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, NHCSXH đã và đang tích cực đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ trực tiếp đến với người dân cả nước nói chung, vùng Tây Nam bộ nói riêng [1]

Thông qua mạng lưới Điểm giao dịch của NHCSXH tại xã, phường, NHCSXH đã và đang tích cực đưa nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ trực tiếp đến với người dân cả nước nói chung, vùng Tây Nam bộ nói riêng

Bước đột phá giảm nghèo

Từ những bước đi ban đầu, NHCSXH đã vươn lên với những thành tựu đáng ghi nhận. Theo Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp, trong 15 năm qua đã có hơn 31 triệu lượt người nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH với tổng doanh số cho vay trên 410.000 tỷ đồng, góp phần giúp cho 4,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo và tạo việc làm cho gần 3,4 triệu lao động, trong đó trên 110.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,5 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập; gần 105 nghìn nhà vượt lũ cho bà con ở vùng ĐBSCL… Đóng góp này thực sự là bước đột phá giảm nghèo.

Còn tại vùng Tây Nam bộ, chất lượng tín dụng trong những năm trước tạm gọi là “Vùng trũng”. Nhưng sau một thời gian triển khai, chất lượng đã được nâng lên. 12/13 tỉnh, thành phố xây dựng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng trong 5 năm qua, đến nay chỉ còn 2 tỉnh còn khó khăn, 10 tỉnh đã hòa nhập bình quân chung cả nước. NHCSXH tập trung vào 8 chương trình trọng điểm: Tỷ trọng cho vay hộ nghèo ở Tây Nam bộ là 17% so với tổng dư nợ khu vực; cho vay HSSV chiếm tỷ trọng 15,7%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn chiếm 17%; cho vay hộ thoát nghèo 13% và cho vay giải quyết việc làm là 4,2%,…

Tín dụng chính sách đã và đang “tiếp sức” cho người nghèo tỉnh Đồng Tháp phát triển, mở rộng diện tích trồng xoài Cát Chu - cây đặc sản của địa phương [2]

Tín dụng chính sách đã và đang “tiếp sức” cho người nghèo tỉnh Đồng Tháp phát triển, mở rộng diện tích trồng xoài Cát Chu - cây đặc sản của địa phương

Đóng góp đột phá đến từ cách làm đột phá với sự tham gia của hệ thống chính quyền cơ sở và từ sự vận hành chính sách. Ở tỉnh Đồng Tháp, hay thành phố Cần Thơ đã có bước đi “xé rào” tăng nguồn vốn mà ngay từ đầu chưa được sự ủng hộ của các ngành, các cấp liên quan. Theo Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, hằng năm địa phương trích một phần ngân sách địa phương khoảng 20 tỷ đồng chuyển sang NHCSXH để cho vay đối tượng trên địa bàn. “Tại Cần Thơ hiện nay là 120 tỷ đồng. Đây là một sự phấn đấu rất lớn”, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Xuân cho hay.

Không bằng lòng với kết quả ban đầu

Dù có đánh giá tích cực đến đâu về tín dụng chính sách xã hội, các ĐBQH đều cho rằng, giảm nghèo không thể bằng lòng với thành tựu 15 năm qua. Người nghèo, đối tượng cận nghèo còn diện rộng. Chúng ta cũng cần nhìn nhận mức thu nhập, đời sống người dân so với các nước xung quanh còn thấp.

“Vùng Tây Nam bộ có thế mạnh rất rõ về sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản… Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có rất nhiều khó khăn do địa hình bị chia cắt bởi kênh rạch và thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, lũ lụt, hạn hán và xâm ngập mặn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn rất cao. Giai đoạn 2016 - 2020 còn khoảng 15% hộ nghèo, diện tái nghèo cũng còn thách thức, nguy cơ tái nghèo khá lớn”, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp cho hay.

Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp nhấn mạnh, chúng ta vẫn cần chương trình cho vay hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo để sao giải quyết căn cơ, khép kín một đường đi, ta sẽ giảm thiểu tỷ lệ tái nghèo mà trước đây là “cứ 3 ra 1 vào”.

Chính sách hợp lòng dân, nhưng nguồn lực lại hạn chế

Việc Chính phủ thành lập NHCSXH như một công cụ kinh tế thực hiện vai trò điều tiết của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường đối với các đối tượng dễ bị tổn thương và là đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội khác có điều kiện phát triển sản xuất, tự vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, NHCSXH cũng đang đứng trước những thách thức về việc vốn điều lệ. Việc bố trí vốn đầu tư công, trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự phù hợp… Tại sao ý nghĩa xã hội rất rõ ràng, hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực mà lại khó khăn về nguồn vốn cho vay?

Theo Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp, một điểm đáng chú ý là NHCSXH cho vay chủ yếu trung, dài hạn nhưng huy động nguồn vốn thì ngắn hạn. Đây là một bài toán khó khi cân đối nguồn vốn. “Với thế mạnh có mạng lưới tận cơ sở, tuyến xã, nên chúng tôi đã chuyển sang huy động nguồn vốn ở nông thôn tại Điểm giao dịch xã, tập trung để huy động vốn ổn định hơn, tận dụng mạng lưới ở tuyến xã. Tuy nhiên, để thay đổi được cơ cấu nguồn vốn, kể cả phát hành trái phiếu Chính phủ thì không phải lúc nào cũng thuận lợi vì còn liên quan đến nợ công…”, Phó Tổng Giám đốc Võ Minh Hiệp chia sẻ.

“Chúng ta có nhiều cách để tăng cường nguồn vốn”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Nguyễn Hữu Quang cho hay. Hiện nay, cơ cấu vốn của NHCSXH là 82% vẫn phụ thuộc vào các chính sách của Nhà nước. Nguồn vốn tự huy động chiếm một tỷ trọng rất khiêm tốn. Với kết quả tích cực như vậy, nợ quá hạn thấp, có thể nghĩ đến giải pháp huy động từ các nguồn lực khác tăng lên 18%.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, để tăng nguồn vốn cũng như hiệu quả tín dụng chính sách cần 5 giải pháp cơ bản. Thứ nhất, phải tăng cường công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan dân cử bao gồm cả ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đối với tín dụng chính sách. Thứ hai, đề nghị Chính phủ bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH vì đây là một kênh để thực hiện tốt quá trình giảm nghèo, là yếu tố để tác động tăng năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Thứ ba, cho phép huy động vốn vay để tăng nguồn vốn cho vay của NHCSXH; linh hoạt lãi suất cho từng vùng miền khác nhau… Thứ tư, tập trung hơn cho vay vùng lõi nghèo nằm trong 64 huyện nghèo. Thứ năm, phải tổng kết đánh giá toàn diện tín dụng chính sách cho vay để giảm nghèo trong giai đoạn vừa qua. Mục tiêu của chúng ta là điều chỉnh chính sách cho phù hợp với chuẩn nghèo đa chiều.

 

Hiệu quả lan tỏa của vốn tín dụng NHCSXH thể hiện ở 5 điểm:

Đầu tiên, thực hiện được mục tiêu giảm nghèo bền vững và đặc biệt là giảm nghèo cùng cực, giảm nghèo đồng đều trong cả nước.

Thứ hai, chính sách tín dụng cho hộ nghèo không chỉ phát triển rộng rãi đều khắp mà còn đáp ứng cả nhu cầu cho vay ở tất cả các mô hình như hộ nghèo, cận nghèo, vừa thoát nghèo; HSSV và điều quan trọng là liên tục điều chỉnh đối tượng vay, mức vay và điều chỉnh lãi suất phù hợp.

Thứ ba, xây dựng được mối liên kết gắn bó giữa Nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và người dân. Đây là sự gắn kết, quan hệ thể hiện liên minh công - nông và thể hiện bản chất của chế độ.

Thứ tư, thiết lập được một mô hình quản trị đặc thù, phù hợp với điều kiện Việt Nam và có tính phổ biến.

Cuối cùng, NHCSXH thực hiện được phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua ủy thác cho các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này cho thấy không chỉ lan tỏa về vốn, về nguồn lực mà quan trọng là lan tỏa đến việc chia sẻ tình cảm, trách nhiệm, đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-vung-tay-nam-bo-xe-rao-den-voi-ho-ngheo-ho-can-ngheo.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/05/IMG_9501.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2017/05/2M8A5014.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.