- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tín dụng chính sách ở miền biên viễn Tây Nam

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 03/01/2020 @ 11:32 chiều In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

Khôi phục được nghề nấu đường thốt nốt từ nguồn vốn ưu đãi, cuộc sống gia đình anh Chau Sinh ở ấp An Hòa, xã Châu Long từng bước được cải thiện Ảnh: Trần Việt [1]

Khôi phục được nghề nấu đường thốt nốt từ nguồn vốn ưu đãi, cuộc sống gia đình anh Chau Sinh ở ấp An Hòa, xã Châu Long từng bước được cải thiện
                                                                                                                                                                              Ảnh: Trần Việt

Sự hỗ trợ đắc lực, kịp thời của nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện đã đạt được nhiều kết quả thiết thực về công tác an sinh xã hội tại huyện Tri Tôn nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng. Giai đoạn 2015 - 2019, số hộ nghèo giảm xuống còn 4.198 hộ, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào Khmer giảm còn 22,6%.
Nhờ đồng vốn ưu đãi mà bà con DTTS nơi đây đã chủ động sửa chữa, xây nhà mới khang trang, kiên cố cũng như đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nên số hộ thoát nghèo ngày một tăng, một số hộ trở thành tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất và xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Đăng Liêm cho biết: Nguồn vốn ưu đãi là động lực chính thúc đẩy thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, góp phần ổn định an ninh biên giới. Đặc biệt trong 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, UBND huyện đã tập trung huy động các nguồn lực, tăng thêm vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất theo các chương trình, dự án mang tính đặc thù như chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề,…
Đến hết năm 2019, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Tri Tôn đạt trên 250 tỷ đồng; trong đó ngân sách địa phương ủy thác đạt 3,2 tỷ đồng. Hiện, 15 xã, thị trấn của huyện đều có Điểm giao dịch giúp 100% hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS được vay vốn ưu đãi thuận lợi.
Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, NHCSXH huyện Tri Tôn đã triển khai thực hiện tốt công tác xây dựng kiện toàn mạng lưới 347 Tổ tiết kiệm và vay vốn, phát huy được hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đối với kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Tổ tiết kiệm và vay vốn là “nhịp cầu” vững chắc đưa đồng vốn ưu đãi của Nhà nước đến vùng sâu, vùng xa, giúp đỡ hộ dân nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả.
Đơn cử như gia đình anh Chau Sinh, người dân tộc Khmer ở ấp An Hòa, xã Châu Long đã có điều kiện khôi phục mở rộng nghề nấu đường thốt nốt, nên cuộc sống mỗi ngày thêm sung túc, đủ đầy. Nhờ 45 triệu đồng vay, gia đình anh mua được dụng cụ nấu và chủ động nguyên liệu cho nghề nấu đường thốt nốt. Ngoài 20 cây thốt nốt của nhà, anh còn mua thêm vài chục cây thốt nốt của bà con quanh vùng để lấy nước mở rộng nghề nấu đường truyền thống, tăng thu nhập, sớm trả hết nợ vay ngân hàng, thoát cảnh nghèo túng.
Đối với vợ chồng anh Chau Sóc và chị Néang Sa Ra ở ấp Tô Trung, xã Núi Tô, dù chưa thoát nghèo nhưng cuộc sống cũng phần nào ổn định sau khi chính quyền địa phương xét hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015. “Căn nhà được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng, NHCSXH cho vay thêm 25 triệu đồng, bà con giúp đỡ một phần, gia đình đóng góp thêm với tổng trị giá 60 triệu đồng. Có được chỗ ở ổn định, vợ chồng tôi mừng muốn rơi nước mắt”, chị Néang Sa Ra bộc bạch. Trước đó, địa phương đã xét hỗ trợ cho hai vợ chồng vay vốn mua bò giống về nuôi. Hàng ngày, anh Chau Sóc vừa đi đặt lọp ếch, vừa cắt cỏ cho bò ăn, còn chị Néang Sa Ra nhận làm thuê những công việc lặt vặt trong xóm để lo cho gia đình. Nhờ chịu thương, chịu khó, chuồng bò của đôi vợ chồng đã được 3 con, sắp xuất chuồng để tái nuôi thêm…
Cũng sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình ông Chau Kôk, người dân tộc Khmer nghèo ở ấp Tô Thuận, xã Núi Tô được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi bò sinh sản và chuyển đổi 0,6ha đất ruộng làm lúa sang trồng các loại cây ăn trái như dừa, xoài và các loại rau màu… “Hàng năm, lợi nhuận từ nuôi bò, thâm canh vườn cây ăn trái đặc sản của gia đình tôi khoảng 150 triệu đồng. Ngoài ra, tận dụng diện tích trồng cây ăn trái, tôi chăn nuôi thêm gà thả vườn, thu nhập thêm 50 triệu đồng nữa. Từ đó, cuộc sống gia đình tôi được cải thiện, mọi người có việc làm ổn định”, ông Chau Kôk tâm sự.
Những trận đánh “giặc nghèo” còn tiếp diễn dài lâu, NHCSXH huyện Tri Tôn luôn quyết tâm, tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40, tập trung huy động nguồn vốn, kiên trì đổi mới phương thức đầu tư vốn tín dụng, góp phần quan trọng cho chương trình giảm nghèo bền vững, dựng xây cuộc sống mới ấm no, tươi đẹp.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-o-mien-bien-vien-tay-nam.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/01/33.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.