- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tín dụng chính sách: Mắt xích quan trọng trong giảm nghèo

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 24/01/2020 @ 6:10 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

6X0A8667 [3]

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường: Tín dụng chính sách - giải pháp tạo nguồn lực ưu việt!

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, Lào Cai xác định đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của chính quyền. Hàng năm, chúng tôi dành 70% nguồn lực để đầu tư cho các lĩnh vực trên. Tuy nhiên trong thời gian dài, nguồn lực đầu tư từ ngân sách cũng như phương thức, cách thức hỗ trợ đầu tư cho người dân trên địa bàn đã nảy sinh nhiều bất cập, hạn chế, không kích thích được đồng bào nỗ lực làm ăn. Chính vì vậy, khi chính sách tín dụng ưu đãi ra đời và được hoàn thiện qua từng năm, đã trở thành động lực quan trọng để chúng tôi thực hiện đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn cũng như giảm nghèo bền vững.

Điểm đáng chú ý, trong 5 năm qua, việc Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40 đã giải quyết căn bản sự dàn trải trong đầu tư các nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Chỉ thị số 40 đã tạo điều kiện cho chúng tôi cũng như NHCSXH tập trung nguồn lực, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng xã hội với sự tham gia tích cực của MTTQ và các đoàn thể trên địa bàn. Qua triển khai, chính sách này rất phù hợp với nhu cầu và nhận thức của người dân, tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn trở thành nguồn lực quan trọng, ổn định, bền vững và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo.

Năm 2019 kết thúc, chúng tôi tiếp tục là tỉnh đứng trong Top đầu khu vực miền núi phía Bắc về giảm nghèo. Toàn tỉnh giảm 7.654 hộ nghèo, tương ứng giảm 4,79%. Số hộ nghèo còn lại là 19.710 hộ, tương ứng còn 11,46% hộ nghèo; số hộ cận nghèo là 16.974 hộ, tương ứng tỷ lệ cận nghèo là 9,87%. Đặc biệt, Lào Cai là địa phương xếp vị trí thứ 2/14 tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, sau tỉnh Bắc Giang với tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 10,32%; GRDP bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng/năm, tăng 7,5 triệu đồng so năm 2018… Kết quả này, không chỉ tôi mà cả tập thể Ban Thường vụ tỉnh đều ghi nhận, có phần đóng góp vô cùng quan trọng của tín dụng chính sách xã hội.

Với những tín hiệu tích cực trên, sẽ là nền tảng để chúng tôi thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai khoá XV, nhiệm kỳ 2016 - 2020 đề ra. Trên chặng đường về đích ấy, chắc chắn không thể thiếu tín dụng chính sách xã hội - trụ cột quan trọng trong giảm nghèo. Tuy nhiên, việc thực hiện các chương tình tín dụng ưu đãi sẽ dựa trên tinh thần hỗ trợ có điều kiện; tức là chuyển từ “cho không” sang “cho vay” để nâng cao tính chủ động của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo, làm giàu và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tư duy sản xuất hàng hóa, tư duy kinh tế thị trường, chủ động trong phát triển kinh tế gia đình.

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ: Cần ưu tiên, tập trung bố trí vốn cho NHCSXH

6X0A8691 [4]

Xin khẳng định, không chỉ tôi mới nhìn ra vai trò, vị trí của chính sách tín dụng ưu đãi trong công cuộc giảm nghèo của các địa phương. Ngay từ khi ra đời, chính sách này đã thể hiện tính đúng đắn, phù hợp và nhân văn với điều kiện, hoàn cảnh chung của đất nước. Tuy nhiên, làm sao để nguồn vốn này phát huy tối đa hiệu quả của nó thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sự vận dụng của mỗi địa phương.

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, chúng tôi cho rằng, trước hết phải có dự án tốt hoặc kế hoạch sản xuất khả thi. Điều quan trọng nhất là cần có kế hoạch phát triển cho từng vùng, định hướng phát triển sản xuất cho người dân. Trên cơ sở chính sách chung của vùng miền, địa phương, các tín dụng viên, các hội viên thực hiện chuyển giao nguồn vốn tín dụng chính sách sẽ giúp người dân tạo kế sinh nhai, sử dụng nguồn vốn ưu đãi một cách hiệu quả. Hơn ai hết, các cơ quan đoàn thể, chính trị cơ sở phải đồng hành cùng NHCSXH và người dân trong tất cả các khâu vay vốn, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Chừng nào có những người đồng hành như vậy, dân mới yên tâm vay vốn để làm. Chừng nào làm được như vậy thì nguồn vốn mới được sử dụng hiệu quả. Tôi nghĩ đó là những giải pháp cấp bách.

Tôi cũng đồng tình với quan điểm của đồng chí Vũ Xuân Cường là cần tập trung các nguồn lực hỗ trợ người nghèo về thành một đầu mối là NHCSXH. Nhà nước cần ưu tiên hơn trong việc bố trí vốn cho NHCSXH vì hiệu quả của nó cả về mặt xã hội và kinh tế. Nguồn vốn phải tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, chứ không cam chịu mình là hộ nghèo nữa. Song, để đạt được điều này, cần phải tuyên truyền để từng hộ nghèo thấy khát khao vươn lên thoát nghèo; thấy tự hào khi không còn nghèo nữa. Đặc biệt, nguồn vốn và nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, tuy nhiên nguồn lực của chúng ta đang hạn chế, do đó tôi kiến nghị cả Trung ương lẫn các địa phương và toàn hệ thống chính trị huy động nhiều nguồn lực bằng nhiều phương thức khác nhau để giúp cho người nghèo.

Một tin vui là tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Chắc chắn, đây sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi để vùng đồng bào DTTS nói chung và người nghèo nói riêng có cơ hội bứt phá và cũng sẽ là “đất” để nguồn vốn ưu đãi phát huy hơn nữa tính ưu việt.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê: Tín dụng chính sách đã thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo

6X0A8587 [5]

Đắk Lắk là một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12%, trong đó hộ nghèo là DTTS chiếm tới 64%. Việc cho vay vốn tín dụng chính sách là chủ chương đúng đắn và nhân văn của Đảng và Nhà nước. Thông qua các chính sách tín dụng, đã tạo niềm tin cho nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, chăm lo cho các đối tượng yếu thế để “không ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Trong những lần tiếp xúc cử tri, chúng tôi đều ghi nhận được sự quan tâm của người dân, cử tri các cấp đối với các chương tình tín dụng chính sách. Một chính sách nhân văn; thuận lợi trong thủ tục, giao dịch; không cần tài sản thế chấp, lại được tư vấn kịp thời cách thức bảo toàn và phát huy nguồn vốn vay; một chương trình tín dụng công khai, minh bạch, ít rủi ro và tỷ lệ nợ quá hạn thấp… Đặc biệt, chúng tôi cũng vừa sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Đảng. Phải nói rằng, Chỉ thị số 40 đã mang luồng gió mới, làm thay đổi cách nghĩ, chuyển biến cách làm của người dân lẫn cán bộ đảng viên. Sau 5 năm triển khai, tại Đắk Lắk đã có gần 300.000 hộ được vay vốn, với số tiền 4.730 tỷ đồng, tăng 1.729 tỷ đồng so với 2014. Trong đó, dư nợ cho vay đồng bào DTTS là hơn 1.600 tỷ đồng. Tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường trên toàn tỉnh; trong đó ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn. Đối tượng vay đa phần là hộ nghèo, đồng bào DTTS, HSSV vay vốn để đi học… Kết quả thực hiện chính sách tín dụng gắn với giảm nghèo bền vững rõ nhất đó là, nếu như năm 2014, Đắk Lắk có tới 45% là hộ nghèo thì nay chỉ còn 12%.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-mat-xich-quan-trong-trong-giam-ngheo.html

URLs in this post:

[1] Chính sách an sinh xã hội - Vai trò của Đại biểu Quốc hội: https://vbsp.org.vn/chinh-sach-an-sinh-xa-hoi-vai-tro-cua-dai-bieu-quoc-hoi.html

[2] Đại biểu Quốc hội phân tích về “điểm sáng” tín dụng chính sách: https://vbsp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-phan-tich-ve-diem-sang-tin-dung-chinh-sach.html

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/01/6X0A8667.jpg

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/01/6X0A8691.jpg

[5] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/01/6X0A8587.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.