- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tín dụng chính sách lan tỏa khắp miền “đất võ, trời văn” Bình Định

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 12/07/2020 @ 8:20 sáng In Tin mới cập nhật | Comments Disabled

binh dinh [1]

Người dân tộc Ba Na ở Bình Định vay vốn chính sách đầu tư trồng keo

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: Đạt kết quả đó, trước hết thể hiện sự nỗ lực, chung sức cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hội, đoàn thể và sự tham gia nhiệt tình của các tổ chức kinh tế trong, ngoài địa phương; trong đó đáng kể đến việc tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách. Đến hết tháng 5/2020, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Bình Định đạt 3.894 tỷ đồng, tăng 81 tỷ đồng so với 31/12/2019. Trong đó, ngoài nguồn vốn cân đối từ Trung ương, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 170 tỷ đồng (bao gồm ngân sách tỉnh 153 tỷ đồng, ngân sách huyện 17 tỷ đồng), tăng 38,4 tỷ đồng so với cuối năm 2019, đạt 255,7% kế hoạch.
Tất thảy nguồn vốn đó được chuyển tải đến đúng các đối tượng thụ hưởng ở khắp 3 vùng núi đồi, đồng bằng, ven biển, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh bình quân hàng năm gần 2%, trong đó mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở các huyện 30a và các xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn là 4,75%.
Thời gian qua, Bình Định đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác giảm nghèo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đối với hoạt động tín dụng chính sách theo nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách.
Điển hình có huyện Vĩnh Thanh là một trong 3 huyện miền nghèo nhất của tỉnh Bình Định. Sau hơn 5 năm triển khai Chỉ thị số 40, hàng nghìn hộ đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa trong huyện được tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi. Phó Bí thư huyện ủy Đinh Đrin khẳng định: “Quán triệt Chỉ thị số 40, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội; tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp về tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS có cơ hội tiếp cận nguồn vốn một cách hiệu quả để vươn lên trong cuộc sống, phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững”.
Doanh số cho vay sau 05 năm ở huyện Vĩnh Thạnh là 481,6 tỷ đồng, với 15.716 lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội chiếm 99,23%, không có nợ quá hạn phát sinh.
Với huyện nghèo 30a Vân Canh, Chủ tịch UBND huyện Võ Tuấn cho biết: Chỉ thị số 40 đã đưa chính sách tín dụng ưu đãi đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, giảm tỷ lệ hộ nghèo và tỷ lệ thất nghiệp. Mô hình tổ chức và phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách thông qua việc ủy thác có giá trị thực tiễn cao hợp ý Đảng, lòng dân; phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị chăm lo cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, an sinh xã hội.
Địa phương đã bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay; hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện
Minh chứng ở “cổng trời” Canh Liên, huyện Vân Canh thời gian qua đã được thụ hưởng hơn 30 tỷ đồng từ nguồn vốn 30a và nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH. Nhờ đó, buôn làng vùng cao đã đổi thay từng ngày. Những con đường bê tông mới từ trung tâm xã lên huyện, tỉnh nối liền các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như là kỳ tích, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con Ba Na đi lại dễ dàng, vay vốn thuận lợi ngay tại nơi mình sinh sống để phát triển sản xuát trồng lúa nước, gieo ngô lai.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã và đang hỗ trợ nhiều hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn ở Bình Định, xóa đi những túp nhà tạm bợ, dột nát để xây mới nhà ở vững chắc, làm chòi cao ráo phòng tránh bão lũ, đồng thời biết sử dụng vốn vay ưu đãi với đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản cấy lúa nước, trồng ngô lai, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đơn cử về ông Đinh Hồng Sâm ở thôn M6 xã Bình Tân vốn là chủ hộ dân tộc Ba Na nghèo. Năm 2015, ông được NHCSXH huyện Tây Sơn cho vay 35 triệu đồng vốn ưu đãi. Cùng với đó, nghe theo cán bộ khuyến nông chỉ dẫn, ông Sâm đã làm chuồng trại chắc chắn, nuôi bò Lai sin, và khai hoang mở đất trồng rừng keo. Ngày nay đàn bò phát triển và rừng keo xanh tốt, giá trị trên 300 triệu đồng, giúp gia đình ông Sâm thoát hết nghèo, ổn định cuộc sống.
Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Tình ở xã Cát Tường huyện Phù Cát nhờ Chi hội phụ nữ cơ sở động viên nên đã vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi mua 2 con bò sinh sản, kết hợp với nuôi heo, gà vịt. Cuối năm 2019 gia đình chị Tình đã thu được hơn 100 triệu đồng từ trang trại. Mới đây, chị còn mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng để tiếp tục mua 2 con bò lai sin. Hiện gia đình có 8 con bò, 120 con heo thịt, 4 con heo nái sinh sản, mang lại thu nhập ổn định. Chị Tình tâm sự: “Có được thành quả như ngày hôm nay thì ngoài sự nỗ lực phấn đấu của gia đình, còn có sự hỗ trợ rất lớn từ NHCSXH; tạo điều kiện cho gia đình tôi có thêm nguồn vốn để phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, từng bước thoát nghèo bền vững”.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Đoàn Trung Thành cho biết: Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã lan tỏa toàn địa bàn, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư các xã vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. 90% dư nợ tín dụng chính sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục và đào tạo…. Từ năm 2014 đến nay, cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương ủy thác, NHCSXH đã giúp hơn 190 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với gần 40 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo.
Thời gian tới, Bình Định sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể thực hiện quyết liệt đồng bộ Chỉ thị số 40. Tập trung các nguồn vốn về một đầu mối là NHCSXH quản lý, để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Thực hiện tốt chủ trương “Cho cần câu, không cho xâu cá” nhằm thúc đẩy ý chí vươn lên của người dân. Ủy ban nhân dân, MTTQ, hội, đoàn thể các cấp trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, hướng dẫn công tác khuyến nông, công, lâm, ngư nghiệp, kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn; phổ biến mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả; các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu chính đáng


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tin-dung-chinh-sach-lan-toa-khap-mien-dat-vo-troi-van-binh-dinh.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2020/08/binh-dinh.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.