- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tìm điểm tựa đột phá chính sách tín dụng cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 04/09/2019 @ 5:49 chiều In Tin nổi bật | Comments Disabled

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu kết luận tại Hội nghị [1]

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu kết luận tại Hội nghị

Từ chính sách đặc thù đến sự đồng tâm của Ngành
Hòa cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân khu vực trong việc thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, những năm qua, trong vai trò quản lý tiền tệ và tham mưu các chính sách liên quan đến tiền tệ cho Chính phủ, NHNN đã quyết liệt điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã.

2 [2]

NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh và ban hành các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao. Hoạt động cải cách thủ tục hành chính được NHNN chỉ đạo xuyên suốt đến các TCTD đã góp phần rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay. Đồng thời kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và một số nguyên nhân bất khả kháng khác. NHNN hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD theo hướng tăng cường thẩm quyền quyết định và chịu trách nhiệm của TCTD trong việc cho vay đối với doanh nghiệp, người dân theo quy định của Luật các TCTD.
Cùng với những chính sách chung, sự quản lý và trợ lực của 14 chi nhánh NHNN đã góp phần mở rộng mạng lưới hoạt động tín dụng tại khu vực với 176 chi nhánh cấp I; 151 Quỹ Tín dụng nhân dân và 1.052 chi nhánh trực thuộc và Phòng giao dịch. Hoạt động tín dụng chính sách được tiếp cận tới tận thôn, bản với 37.489 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại tất cả các thôn, bản; 2.566 Điểm giao dịch xã; 127 Phòng Giao dịch cấp huyện trực thuộc 14 chi nhánh NHCSXH tỉnh. Độ phủ ngày càng rộng và sâu cùng chiến lược phát triển của nhiều TCTD có xu hướng dịch chuyển về khu vực nông thôn đã tạo ra một hệ thống mạng lưới các chương trình tín dụng vừa có tính đan xen và bổ khuyết cho nhau ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị [3]

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội nghị

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, 20 chương trình tín dụng chính sách mà NHCSXH đang triển khai tại khu vực đã trực tiếp hỗ trợ giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của các đối tượng yếu thế dễ bị tồn thương nhất tạo việc làm, phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng sống. Đến 31/8/2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, đạt 42.846 tỷ đồng với gần 1,2 triệu khách hàng đang còn dư nợ, chiếm 21,4% tổng dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, dư nợ cho vay hộ đồng bào DTTS của khu vực đạt 28.464 tỷ đồng, chiếm 66,4% tổng dư nợ tại khu vực, với gần 787 nghìn khách hàng còn dư nợ. 10 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp trên 762 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho trên 204 nghìn lao động (trên 10 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài); giúp trên 186 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,2 triệu công trình NS&VSMTNT; xây dựng hơn 127 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo…
Nguồn vốn tín dụng chính sách tại khu vực Trung du và miền núi phía Bắc góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 25,8% xuống còn 16,19% cuối năm 2018, có 606 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỷ lệ 26,58% số xã trong khu vực).
Bài toán phát huy sức mạnh tổng thể
Khẳng định khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, tuy nhiên, đây vẫn là khu vực khó khăn nhất cả nước với 49 huyện nghèo, chiếm tỷ lệ khoảng 57% tổng số huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020; hơn 1.200 xã đặc biệt khó khăn, chiếm tỷ lệ 60% tổng số xã đặc biệt khó khăn của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao (26,15%).
Chính vì vậy để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của vùng, tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tại khu vực, trong đó tập trung cho đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách ngay tại Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã đặt ra một số nhiệm vụ mà các TCTD cần khẩn trương triển khai.
Trong đó về phía NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng tạo điều kiện cho loại hình TCTD này hoạt động ổn định và phát triển an toàn, bền vững; khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. NHNN cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng, các chương trình tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong việc kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong cho vay các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên toàn quốc, trong đó có khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.

Quang cảnh Hội nghị [4]

Quang cảnh Hội nghị

Là một trong những “trụ cột” quan trọng thực thi tín dụng chính sách, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị NHCSXH chủ động tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng và thực hiện các giải pháp để tăng nguồn vốn cho vay, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho vay phát triển sản xuất đối với các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào DTTS và tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phương án cho vay tiêu dùng triển khai thí điểm tại một số địa bàn sau khi được phê duyệt, nhằm đáp ứng nhu cầu hợp lý, chính đáng của người dân với lãi suất cho vay phù hợp, không sử dụng cấp bù ngân sách.
Tại Hội nghị này, Phó Thống đốc cũng đại diện NHNN đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cơ quan Trung ương sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã, các văn bản hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời cần ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội và bảo đảm hoạt động ổn định, bền vững của NHCSXH. Bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất kịp thời cho NHNNo&PTNT trong triển khai cho vay các chương trình theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình cho vay ưu đãi đối với các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.
Phó Thống đốc cũng đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện cho các TCTD trên địa bàn các tỉnh trong quá trình thực hiện cho vay các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó tiếp tục quan tâm, dành một phần nguồn vốn của địa phương ủy thác cho NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn theo Chỉ thị số 40-CT/TW; đẩy mạnh hiệu quả Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với khu vực kinh tế tập thể nói chung và Quỹ Tín dụng nhân dân nói riêng.
“Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của ngành Ngân hàng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tôi tin rằng những giải pháp nêu trên sẽ được triển khai một cách mạnh mẽ, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Trung du và miền núi phía Bắc”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt kỳ vọng.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tim-diem-tua-dot-pha-chinh-sach-tin-dung-cho-vung-trung-du-va-mien-nui-bac-bo.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/09/1.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/09/2.jpg

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/09/3.jpg

[4] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2019/09/4.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.