- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và dành nguồn lực cho công tác giảm nghèo bền vững

Posted By Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông On 15/10/2016 @ 5:51 chiều In Tin nổi bật | No Comments

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị [1]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Sáng 15/10/2016, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tham dự.

Hoàn thành mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương Giảm nghèo bền vững về kết quả giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân giảm 2%/năm (từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân trên 6%/năm (từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015), đạt mục tiêu kế hoạch Quốc hội đề ra.

Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước tăng lên 1,6 lần so với cuối năm 2011 (riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần) đạt mục tiêu đề ra.

Để thực hiện mục tiêu trên, giai đoạn 2011 - 2015, ngân sách Nhà nước đã bố trí hơn 38.845,4 tỷ đồng để mua thẻ BHYT cho người nghèo, người DTTS, trẻ em dưới 6 tuổi, hỗ trợ người thuộc hộ cận nghèo, HSSV; thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS với kinh phí 2.660 tỷ đồng; khoảng 4.230 tỷ đồng để thực hiện công tác đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; 531 nghìn hộ nghèo được hỗ trợ để xóa nhà tạm theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và 700 hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà phòng tránh lũ theo Quyết định 716/QĐ-TTg với tổng kinh phí trên 2.000 tỷ đồng; tổng nguồn vốn đã bố trí để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách hỗ trợ giảm nghèo là 59.245 tỷ đồng…

Quang cảnh Hội nghị [2]

Quang cảnh Hội nghị

Đóng vai trò là ngân hàng chủ lực trong cho vay giảm nghèo, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng nhấn mạnh: Trong 14 năm đồng hành cùng người nghèo, truyền tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách vùng nông thôn và đồng hành gắn kết với 4 tổ chức chính trị -  xã hội triển khai tín dụng chính sách. Hiện tại tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đạt 153.306 tỷ đồng với trên 6.792 nghìn hộ đang được vay vốn. Trong đó có 1,7 triệu hộ nghèo đang vay vốn tín dụng ưu đãi với dư nợ trên 38 nghìn tỷ đồng; 1,2 triệu hộ cận nghèo đang vay vốn với dư nợ trên 29 nghìn tỷ đồng; gần 1 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập với dư nợ trên 19 nghìn tỷ  đồng; trên 2,4 triệu hộ vay vốn chương trình NS&VSMTNT với dư nợ trên 23 nghìn tỷ đồng…

Đánh giá chung thì tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011 - 2015 đạt chỉ tiêu theo kế hoạch Quốc hội đề ra, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình cũng giúp cải thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn; củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. 

Tại Hội nghị, nhiều địa phương đã nêu những kinh nghiệm tốt để giảm nghèo nhanh, trong đó có tập trung phân cấp trao quyền, trao tiền cho người nghèo và cộng đồng. Các kế hoạch đề ra đều lấy hộ nghèo, cộng đồng làm trung tâm, để người nghèo tự định đoạt cách thức thoát nghèo phù hợp nhất. Điểm mà nhiều địa phương đề nghị, đó là trong bối cảnh cùng lúc có nhiều chương trình mục tiêu quốc gia, thì cần có cơ chế phân bổ, quản lý các nguồn vốn, tránh chồng chéo, gây lãng phí vốn, không hiệu quả.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng trình bày tham luận tại Hội nghị [3]

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng trình bày tham luận tại Hội nghị

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao khi năm 1993 cả nước có tới có 58% hộ nghèo thì đến năm 2015 giảm còn 4,25% theo tiêu chí cũ. Nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều thì tính đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo là 9,88%, tương đương khoảng 2,33 triệu hộ. Thủ tướng khẳng định, có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao các cấp, các ngành, đồng bào chiến sỹ cả nước, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp; các tổ chức quốc tế đã bảo trợ, dành công sức cho công tác giảm nghèo ở Việt Nam.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nêu lên thách thức đặt ra là công tác giảm nghèo chưa bền chắc, tỷ lệ tái nghèo còn cao. Minh chứng cụ thể là cả nước có 41 huyện nghèo có tỷ lệ nghèo trên 50%. Thu nhập của hộ đồng bào dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập chung của cả nước. Đây chính là “lõi nghèo” mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác giảm nghèo thời gian tới phải giải quyết.

Rút kinh nghiệm trong công tác giảm nghèo 5 năm qua, Thủ tướng lưu ý một số địa phương còn tình trạng xác định hộ nghèo chưa chính xác, xác nhận hộ nghèo theo kiểu “luân phiên”. Thậm chí một số cán bộ địa phương lạm dụng chính sách giảm nghèo làm ảnh hưởng đến tính chất của công cuộc giảm nghèo. Trong đó có tình trạng cán bộ có thu nhập nhưng lại kê là hộ nghèo để được nhận hỗ trợ.

Với mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1 đến 1,5%/năm, Thủ tướng nêu nhiệm vụ sắp tới là phải đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào DTTS. Trong các giải pháp giảm nghèo, Thủ tướng nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền: “Tuyên truyền để cả xã hội vì người nghèo, quan tâm đến người nghèo. Tuyên truyền về tinh thần tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và địa phương. Hai vế này đi liền với nhau, không phải chỉ hỗ trợ không. Một dân tộc, một địa phương phải có tinh thần tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo. Và tuyên truyền để người dân lao động sáng tạo, cần cù để giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Thực tiễn thời gian qua nhiều người nghèo đã vươn lên làm giàu thực sự bằng ý chí nghị lực và sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành”.

“Cần rút bài học kinh nghiệm từ việc huy động ngân sách đưa qua NHCSXH để giảm tỷ lệ cho không. Thay vào đó là hỗ trợ gắn với các khế ước để người nghèo có trách nhiệm. Thời gian qua đã có 188 nghìn tỷ đồng do NHCSXH, NHNN&PTNT trực tiếp cho người nghèo vay. Đây là những biện pháp hiệu quả để giảm nghèo chứ không phải chỉ là huy động xã hội cho không. Câu người ta thường nói mà chúng ta phải quán triệt, đó là “Cho cần câu chứ không phải cho con cá” để người nghèo tự vươn lên. Nhất là giáo dục, nâng cao dân trí để người nghèo thoát nghèo bền vững”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau”. Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải thực hiện. Trong đó Thủ tướng chỉ đạo phát động cuộc thi viết về cá nhân, hộ gia đình có thành tích cao trong giảm nghèo bền vững, tôn vinh những nhân tố, điển hình mới để nhân rộng trong cả nước.

Đồng thời, các địa phương phải làm tốt công tác giáo dục, nâng cao dân trí của người dân để làm điểm tựa giảm nghèo. Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương không để tình trạng thảm hoạ môi trường xảy ra, ảnh hưởng mục tiêu giảm nghèo ở địa phương và gây tái nghèo.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương và các Bộ, ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và dành nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo. Cần đặt mục tiêu giảm nghèo trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Các cấp, các ngành, tổ chức đoàn thể tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, để chương trình giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, thiết thực, tránh hình thức.

Tại Hội nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp tổ chức đợt vận động nhắn tin ủng hộ vì người nghèo trên Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400.vn từ ngày 15/10 đến 31/11. Thủ tướng lưu ý, các địa phương, Bộ ngành phấn đấu huy động để được 1/3 người dân Việt Nam tham gia chương trình nhắn tin này, để cùng thể hiện lương tâm, trách nhiệm hỗ trợ người nghèo.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tiep-tuc-hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-va-danh-nguon-luc-cho-cong-tac-giam-ngheo-ben-vung.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2016/10/Untitled-1.jpg

[2] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2016/10/Untitled-2.jpg

[3] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2016/10/anh-600-IMG_6031.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.