- Ngân hàng Chính sách xã hội - https://vbsp.org.vn -

Tiếp sức cho huyện nghèo 30a

Posted By On 10/12/2013 @ 4:29 chiều In Tin mới cập nhật | No Comments

Nhiều hộ thuộc Chương trình 30a ở Như Xuân đã thoát nghèo nhờ nuôi dê sinh sản [1]

Nhiều hộ thuộc Chương trình 30a ở Như Xuân đã thoát nghèo nhờ nuôi dê sinh sản

Nhằm thực hiện chương trình xóa nghèo, bảo đảm an sinh xã hội trên vùng dân tộc - miền núi rộng lớn này, trong nhiều năm qua, NHCSXH huyện Như Xuân đã có nhiều cố gắng phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến người dân, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Từ dư nợ ban đầu (năm 2003) chỉ đạt 15 tỷ đồng, đến nay tổng dư nợ đạt 186 tỷ đồng. Trong đó: dư nợ chương trình cho vay hộ nghèo đã đạt 104,8 tỷ đồng (tăng gần 90 tỷ đồng so với năm 2003) đáp ứng nhu cầu vốn cho 84% số hộ nghèo trong huyện với mức vay bình quân 15 triệu đồng/hộ. Rất nhiều hộ được vay với mức 35 triệu đồng/hộ để thâm canh các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.

Tại xã vùng sâu Xuân Bình có gia đình chị Châu Thị Lê ở thôn 12, sử dụng vốn vay kết hợp với áp dụng KHKT vào sản xuất, xây dựng được mô hình vườn, ao, chuồng, kể chuyện với mọi người: “Trước đây, gia đình tôi nghèo khó lắm, phải lo ăn từng bữa. Năm 2006, được vay 5 triệu đồng từ NHCSXH, tôi quyết định mua 3 con dê sinh sản về chăn thả, sau 3 năm đã tăng thành 8 con. Thấy nuôi dê có hiệu quả, tôi đề nghị vay vốn ưu đãi thêm 15 triệu đồng nữa. Hiện nay, đàn dê của gia đình phát triển nhanh tới 43 con. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư trồng 2ha keo lai, 1ha cao su và mở cửa hàng tạp hóa. Cuộc sống của gia đình nay khấm khá hẳn”.

Đúng là trên vùng cao Như Xuân đã có hàng trăm gia đình thoát nghèo, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi. Có thể coi đây là sự tiếp sức rất thiết thực và hiệu quả để người dân vươn lên làm chủ cuộc sống. Đạt được kết quả đó, ngoài sự tính toán sử dụng vốn vay hợp lý của các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số cần phải kể đến công sức đóng góp cũng như vai trò tổ chức quản lý của đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách.

Để đồng vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và tránh thất thoát, cán bộ NHCSXH huyện Như Xuân đã thường xuyên, tích cực bám sát cơ sở, đến từng xã triển khai việc cho vay, thu lãi, thu nợ gốc. Đối với những hộ đồng bào dân tộc ở tận vùng sâu, vùng xa, cán bộ ngân hàng đã kết hợp với cán bộ khuyến nông, khuyến lâm về tận nơi trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn họ cách thức sử dụng vốn, lồng ghép với việc đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất.

Cùng với việc đưa vốn vay ưu đãi về cơ sở kịp thời, NHCSXH huyện Như Xuân cũng triển khai tốt công tác củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của 354 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Thông qua hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn, ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hội, đoàn thể nâng cao ý thức của cộng đồng chung tay giúp đỡ hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Ông Nguyễn Văn Bắc - Giám đốc NHCSXH huyện Như Xuân cho biết: trong số 9 chương trình tín dụng ưu đãi đang triển khai với tổng dư nợ đạt 186 tỷ đồng thì chương trình cho vay hộ nghèo đang mang lại rõ rệt nhất, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi và làm cho kinh tế địa phương có bước tăng trưởng khá. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao năng lực hoạt động của nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước phục vụ việc xóa nghèo nhanh, bền vững và chương trình xây dựng Nông thôn mới ở Như Xuân, 1 trong 7 huyện của tỉnh Thanh Hóa thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ.


Article printed from Ngân hàng Chính sách xã hội: https://vbsp.org.vn

URL to article: https://vbsp.org.vn/tiep-suc-cho-huyen-ngheo-30a.html

URLs in this post:

[1] Image: https://vbsp.org.vn/wp-content/uploads/2013/12/Tiep-suc-cho...jpg.jpg

Copyright © 2012 Vietnam Bank for Social Policies. All rights reserved.